“Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã.” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định như vậy trong thư khen chiến sĩ dân quân, tự vệ và du kích toàn quốc ngày 27 tháng 5 năm 1947. Người nhấn mạnh: “Từ đây về sau, lực lượng ta càng ngày càng vững, kinh nghiệm ta càng ngày càng nhiều thì ta càng tỏ cho địch quân biết, tỏ cho thế giới biết rằng dân quân, tự vệ và du kích Việt Nam là những người ái quốc sắt đá, là những chiến sĩ anh hùng.”
Phân đội súng máy phòng không 12,7 mm dân quân tỉnh Tây Ninh tham gia
80 năm qua, vượt qua muôn ngàn khó khăn, thử thách, Lực lượng dân quân tự vệ không ngừng củng cố, xây dựng ngày càng vững mạnh, rộng khắp, luôn chứng tỏ là lực lượng cách mạng to lớn, xứng đáng với sự tin tưởng, yêu mến của Đảng và nhân dân.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất diễn ra từ ngày 27 đến ngày 31 tháng 3 năm 1935 tại Ma Cao (Trung Quốc). Trên cơ sở đánh giá tình hình thế giới và trong nước, Đại hội đề ra 3 nhiệm vụ chủ yếu của toàn Đảng trong thời gian trước mắt là củng cố và phát triển Đảng, tranh thủ quần chúng rộng rãi, chống chiến tranh đế quốc. Ngày 28 tháng 3, Đại hội đã đề ra “Nghị quyết về công nông tự vệ đội”, đây là Nghị quyết đầu tiên của Đảng về tổ chức, chỉ đạo xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng tự vệ, là bước khởi đầu của tư tưởng vũ trang toàn dân và tư tưởng chiến trang nhân dân với phong trào toàn dân đánh giặc. Nghị quyết về công nông tự vệ đội cũng là tiền đề cho sự ra đời của các đội cứu quốc quân và đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân sau này. Với ý nghĩa lịch sử đó, Nhà nước ta đã quyết định lấy ngày 28 tháng 3 hàng năm là ngày truyền thống của Lực lượng dân quân tự vệ toàn quốc.
Ra đời trong giai đoạn cách mạng Việt Nam còn non trẻ, các đội tự vệ quần chúng chủ yếu sử dụng hình thức đấu tranh chính trị, tuyên truyền, vận động nhân dân. Chưa đầy 5 năm sau, giai đoạn 1939 – 1940, phong trào cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã từng bước từ đấu tranh chính trị tiến lên đấu tranh vũ trang, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự. Các đội du kích, các đội tự vệ cứu quốc được Đảng ta chủ trương thành lập rộng khắp từ nông thôn tới thành thị, đây là lực lượng nòng cốt, xung kích cùng hàng triệu quần chúng nhân dân đứng lên lật đổ chính quyền đế quốc – phong kiến, làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng 8 năm 1945.
Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập, dân quân tự vệ Việt Nam trở thành một lực lượng vũ trang của Nhà nước, một trong ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân, một công cụ chủ yếu của chính quyền cơ sở. Từ trong phong trào quân sự hóa toàn dân, vũ trang toàn dân, tự vệ cứu quốc mà nòng cốt là tự vệ chiến đấu được xây dựng khắp các làng xã, đường phố trong cả nước. Dân quân tự vệ đã thực sự là một công cụ chuyên chính chủ yếu bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân còn non trẻ, bảo vệ thành quả cách mạng.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng dân quân tự vệ và du kích được phát triển rộng khắp trong cả nước và ngày càng lớn mạnh. Đầu năm 1947, lực lượng dân quân tự vệ và du kích phát triển gần 3 triệu người. Chiến trường Nam bộ, Trung bộ, Bắc bộ đều có xấp xỉ 30 vạn dân quân tự vệ và du kích tham gia chiến đấu bao gồm đủ các lứa tuổi, thành phần.
Với trang bị vũ khí chủ yếu là thô sơ, tự tạo, đương đầu với quân đội viễn chinh Pháp được trang bị hiện đại, lực lượng dân quân tự vệ và du kích đã dựa vào hệ thống làng xã chiến đấu, bám đất, bám dân, kiên quyết chiến đấu ngăn chặn, tiêu hao, kiềm chế lực lượng chủ lực địch, tạo điều kiện và góp phần cùng bộ đội chủ lực thực hiện nhiều chiến dịch lớn, giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Dân quân tự vệ và du kích cùng bộ đội địa phương đã tiêu diệt gần 30 vạn tên địch, làm tan rã 20 vạn ngụy quân ngụy quyền, kiềm chế phân tán trên 90% tổng số lực lượng địch trên chiến trường làm cho quân Pháp đông nhưng chỉ đạt 10% lực lượng cơ động chiến lược.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng dân quân tự vệ phát triển lên hàng chục triệu người, rộng khắp trên các địa bàn từ đồng bằng đến miền núi, từ nông thôn đến thành thị. Ở miền Bắc, trong cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ, lực lượng dân quân tự vệ được tổ chức trên 700 phân đội súng máy cao xạ giữ vững bầu trời, hàng chục phân đội pháo binh các loại đánh tàu chiến địch. Lực lượng dân quân tự vệ đã phối hợp với bộ đội, công an và nhân dân thực hiện “tay cày tay súng, tay búa tay súng” chiến đấu liên tục ngày đêm. Riêng lực lượng dân quân tự vệ đã độc lập bắn cháy nhiều tàu chiến, bắn rơi 424 máy bay các loại, bắt hàng trăm giặc lái và hàng chục toán biệt kích. Trên 180 triệu lượt chiến sĩ dân quân tự vệ được huy động để bảo đảm giao thông, phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả do địch gây ra.
Trên chiến trường miền Nam, lực lượng dân quân du kích đã đánh địch bằng mọi thứ vũ khí, với mọi hình thức phong phú, sáng tạo, đánh địch trên cả 3 mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận. Hình thành các căn cứ du kích chiến đấu, vành đai du kích, vành đai diệt Mỹ trụ bám kiên cường, giữ thế xen kẽ, cài răng lược với địch. Đây là một phương thức tác chiến, một cách đánh độc đáo, sáng tạo của chiến tranh du kích Việt Nam. Lực lượng dân quân du kích đã phối hợp với nhân dân đấu tranh quyết liệt chống địch dồn dân lập khu trù mật, lập ấp chiến lược, độc lập và phối hợp với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực trong mọi hoạt động, góp phần đánh bại các chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” và các mưu đồ chiến tranh của Mỹ - ngụy. Mặc dù địch có phương tiện cơ động bằng máy bay và cơ giới nhưng chúng vẫn phải phân tán tới 90% quân số để đối phó với lực lượng vũ trang địa phương ta. Trong cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, lực lượng dân quân tự vệ cùng bộ đội chủ lực và nhân dân miền Nam tiến công và nổi dậy đồng loạt, xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bài, ảnh: THẾ HIỀN