“Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những chiến công chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đã đi vào lịch sử của thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế và có tính thời đại sâu sắc”. Nhận định trên được ghi trong bản Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, và sẽ mãi mãi được ghi khắc trong tâm khảm mỗi lương tri yêu chuộng hòa bình, trong tâm khảm mỗi con người luôn đặt Tổ quốc trong thế toàn vẹn lãnh thổ lên trên mọi giá trị.
Chương trình giao lưu "Bản hùng ca mùa xuân". Ảnh: XUÂN HUY
Đặc điểm về địa chính trị đã làm cho Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử của mình, luôn nằm trong âm mưu xâm lăng và thống trị của các thế lực nước ngoài. Và kẻ thù, các thế lực đế quốc, trong muôn ngàn kế xâm lăng và thống trị luôn muốn chia cắt Việt Nam ra từng mảnh nhỏ. Người Việt Nam vì thế, dù muốn được yên ổn làm ăn trong hòa bình, vẫn phải thường xuyên đứng lên cầm súng chiến đấu; và công cuộc đấu tranh để bảo vệ nền độc lập dân tộc luôn phải gắn liền với nỗ lực giữ vững sự thống nhất và toàn vẹn đất nước.
Ý chí thống nhất dân tộc được thể hiện từ truyền thuyết thuở vua Hùng dựng nước, câu chuyện cùng chung bọc trứng “đồng bào”, chuyện 99 con voi chầu về một hướng để nhắc nhở những ai muốn đổi lòng nhìn theo hướng khác. Lịch sử tranh ngôi của các tập đoàn phong kiến Việt Nam cũng chứng minh rằng người đứng đầu hệ thống chính trị luôn muốn trị vì một nước Việt Nam thống nhất chứ không mong chia cắt, cát cứ từng vùng. Người Việt Nam ở đâu cũng là con Lạc cháu hồng. Cuộc xâm lăng của thực dân Pháp giữa thế kỷ thứ XIX đã đặt nước ta thành thuộc địa với ba kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ) và ba cách thức cai trị khác biệt. Các cuộc đấu tranh giành độc lập của người Việt Nam do đó luôn gắn liền với mục tiêu phục hồi nền thống nhất đất nước. Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo làm nên cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 thống nhất từ Bắc chí Nam với hình quốc kỳ duy nhất là cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay tại Quốc dân Đại hội Tân Trào.
Xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã thực hiện một cuộc chiến tranh kéo dài nhất trong lịch sử Mỹ, với quy mô lớn, tính chất ác liệt hơn nhiều cuộc chiến tranh xảy ra từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Mỹ đã huy động vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam một khối lượng bom đạn, vật chất kỹ thuật chưa từng có trên một địa bàn tương đối hẹp, đã sử dụng mọi loại vũ khí hiện đại nhất trừ bom nguyên tử, đã thi thố mọi chiến lược chiến thuật chính trị, quân sự, ngoại giao, đã dùng mọi thủ đoạn chiến tranh, kể cả sử dụng vũ khí chất độc màu da cam. Các chiến lược gia, các tướng lĩnh bậc nhất của Mỹ đều đã được Nhà Trắng và Lầu Năm Góc huy động vào cuộc đấu trí trong chiến tranh Việt Nam. Dễ thấy là, mục tiêu chiến lược của đế quốc Mỹ không chỉ nhằm lấy Việt Nam làm bàn đạp tấn công tiêu diệt chủ nghĩa xã hội, phong trào cách mạng thế giới, mà còn muốn thôn tính nước ta, “kéo dài biên giới Hoa Kỳ đến vĩ tuyến 17”.
Nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với đặc điểm lớn và bao trùm nhất là đất nước bị chia làm hai miền, theo tinh thần của Hiệp định Genève. Nhưng Việt Nam là một cơ thể thống nhất, từ đất liền ra hải đảo, không thể tách rời. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn. Song! chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Và: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”, nên “31 triệu đồng bào hai miền Nam - Bắc là 31 triệu chiến sĩ diệt Mỹ”.
Tinh thần ấy được thể hiện cụ thể trong chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là giải quyết mối quan hệ nhiệm vụ giữa hai miền Nam - Bắc trong một thể thống nhất, tạo nên sức mạnh to lớn để đánh bại quân thù. Miền Nam và miền Bắc, mỗi miền thực hiện một nhiệm vụ chiến lược riêng. Miền Bắc tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa còn miền Nam tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Song, giữa cách mạng miền Nam và cách mạng miền Bắc có mối quan hệ hữu cơ gắn bó chặt chẽ với nhau, thúc đẩy lẫn nhau cùng thực hiện một mục tiêu chung của cách mạng Việt Nam là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Nhân dân Việt Nam, kể cả miền Bắc và miền Nam đều chung một kẻ thù, một mục tiêu; sự nghiệp cách mạng vẫn do một đảng lãnh đạo, một nhân dân và một quân đội tiến hành. Thực tiễn cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược chứng minh rằng, sự gắn bó của cách mạng hai miền đã tạo sức mạnh vô địch trên toàn đất nước. Đường Hồ Chí Minh chẳng những là đường vận tải chiến lược mà còn là một căn cứ, một chiến trường, một biểu tượng nổi bật của ý chí Việt Nam “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Cùng với đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam, Mỹ đã tăng cường đánh phá miền Bắc nhằm hủy diệt, bóp nghẹt miền Bắc, cô lập miền Nam. Mặc dù vậy, chúng không thể ngăn cản nổi sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Miền Bắc đã dốc vào chiến tranh giữ nước và cứu nước toàn bộ sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa và hoàn thành một cách xuất sắc nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước. Còn nhân dân miền Nam, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Cục, đã thể hiện vai trò quyết định trực tiếp trong việc đánh đổ đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện sáng tạo đường lối cách mạng của Đảng trong cuộc chiến đấu kiên cường, bền bỉ, vượt qua mọi thử thách ác liệt, tạo ra sức mạnh mới như đồng khởi, vành đai diệt Mỹ, đánh địch bằng hai chân, ba mũi, ba vùng, giữ vững danh hiệu Thành đồng của Tổ quốc.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam, thắng lợi của đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, tự lực tự cường, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối, phương pháp cách mạng và đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo và chỉ đạo thực hiện thành công đường lối đó, giải quyết đúng đắn các mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, giữa lợi ích dân tộc và lợi ích quốc tế, động viên toàn dân đoàn kết tham gia kháng chiến và kiến quốc, tạo nên sức mạnh tổng hợp hết sức to lớn của dân tộc và thời đại, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thắng lợi của nền văn hoá Việt Nam được xây đắp từ nền văn hoá của 54 tộc người trên đất nước ta qua hàng ngàn năm lịch sử, được tôi luyện trong cuộc trường chinh đấu tranh cải tạo thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm, vươn lên tự khẳng định mình. Đó là nền văn hoá bắt nguồn từ lòng yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu đất nước, yêu độc lập, tự do, hòa bình, từ lòng nhân ái trọng chính nghĩa, ghét gian tà, thấm đượm chủ nghĩa nhân văn cao cả và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lại biết tiếp thu những tinh hoa của nhiều nền văn hoá của thế giới. Nền văn hoá ấy được bồi đắp và phát huy lên tầm cao mới, xây dựng và phát triển lên thành một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là sức mạnh vĩ đại của ý chí và trí tuệ Việt Nam, của bản lĩnh và nhân cách Việt Nam, của nền văn hiến Việt Nam.
Ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện hòa bình. Tuy nhiên, trên phạm vi thế giới, cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp tiếp tục diễn ra gay gắt và quyết liệt. Những mâu thuẫn vốn có của thời đại không những vẫn tồn tại mà còn sâu sắc hơn. Xu thế hòa bình, ổn định và hợp tác ngày càng phát triển. Nguy cơ chiến tranh thế giới hủy diệt bị đẩy lùi. Nhưng chủ nghĩa đế quốc vẫn ngang nhiên can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Những mâu thuẫn về dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, lãnh thổ hoặc phe phái ngày càng gay gắt; nhiều điểm “nóng”, nhiều cuộc xung đột vũ trang và chiến tranh cục bộ đã xảy ra và có thể còn xảy ra ở nhiều nơi. Vì vậy cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp còn tiếp tục diễn ra dưới những hình thái mới: vừa hợp tác vừa đấu tranh, vừa đối thoại vừa đối đầu, đấu tranh trên nhiều mặt: kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, lối sống là chính, đồng thời vẫn có thể xảy ra xung đột vũ trang cục bộ.
Vận dụng và phát triển những bài học lịch sử từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội chính là để bảo đảm cho nền độc lập dân tộc được triệt để, vĩnh viễn, sự thống nhất đất nước được toàn vẹn và chủ nghĩa xã hội được xây dựng thành công và vững chắc. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang kết hợp thực hiện có hiệu quả hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ, hài hòa các hoạt động kinh tế - xã hội với quốc phòng-an ninh nhằm bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một bước củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh ngay trong thời bình, có đủ sức đối phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra. Phải kết hợp chặt chẽ quốc phòng và an ninh với đối ngoại, với xây dựng kinh tế, phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục đào tạo, xây dựng nền văn hóa mới và thực hiện các chính sách công bằng xã hội. Căn cứ vào điều kiện mới của đất nước và tình hình quốc tế đang tiềm ẩn nhiều biến động, vận dụng sáng tạo và phát triển lên một bước cao hơn các kinh nghiệm của cuộc chiến tranh cách mạng vừa qua, hoàn chỉnh chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược an ninh quốc gia trong tình hình mới, phấn đấu nâng cao sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân và của nền an ninh nhân dân một cách toàn diện, ngày càng vững chắc. Tập trung sức nâng cao chất lượng của các lực lượng vũ trang, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở để nâng cao sức mạnh tổng hợp. Bảo đảm quân đội và công an luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, của nhân dân, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao; đề phòng và đập tan mọi âm mưu của các thế lực thù địch hòng phi chính trị hóa quân đội.
Trung tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7 và Thiếu tướng Ngô Ngọc Bình, Phó Tư lệnh QK tặng quà cho gia đình chính sách. Ảnh: Ngọc Tuân
Trong chiến tranh, nếu chỉ biết khai thác, huy động sức dân, yêu cầu dân đóng góp mà thiếu coi trọng việc bồi dưỡng sức dân thì không thể giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu lâu dài nhiều thập kỷ. “Dựa vào dân, lấy dân làm gốc” là truyền thống vẻ vang và quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta. Từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã luôn nhấn mạnh và hành động theo quan điểm: “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Tư duy mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta trong quan điểm “lấy dân làm gốc” là lấy quần chúng công - nông - trí làm gốc và đưa nhân dân lên làm chủ vận mệnh của mình. Trong bối cảnh hiện nay, “thế trận lòng dân” giữ vai trò đặc biệt quan trọng nếu không nói là quyết định trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, bảo đảm đủ ăn, đủ mặc, được học hành, nâng cao dân trí, có việc làm, được chăm sóc sức khỏe, được hưởng các chính sách xã hội..., bảo đảm cho người dân có đủ kiến thức và điều kiện để lao động và hoạt động sáng tạo, đóng góp ngày càng lớn cho xã hội, cho đất nước và nuôi dưỡng gia đình chính là cơ sở tạo nên động lực mạnh mẽ của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới; đó cũng chính là mục đích của cuộc cách mạng mà Đảng ta đã xác định và ra sức thực hiện trong thời kỳ chiến tranh cũng như trong thời kỳ xây dựng hòa bình.
Trung tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7