Đường Thầy Ban dài 1,6km được gắn 29 bóng đèn, kinh phí gần 23 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Năm, ấp Bình Thạnh 2, phấn khởi: “Được sự vận động của CCB Nguyễn Văn Huấn, chúng tôi góp tiền, ngày công cùng thực hiện mô hình, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự địa phương, hạn chế tình trạng trộm cắp, cướp giật vào ban đêm”.
Từ tuyến đường điểm, xã mở rộng thực hiện thêm một số tuyến. Để quản lý và vận hành hiệu quả, mỗi ấp thành lập ban quản lý vận hành và thu, chi tiền điện công khai, minh bạch.
Theo Hội CCB xã Thuận Mỹ, người dân không chỉ góp tiền mua trụ đèn, bóng đèn mà còn hỗ trợ 100% tiền điện sử dụng thắp sáng. Đây là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự nông thôn.
Mô hình “Ánh sáng an ninh” được thực hiện ở 5/9 ấp với tổng số 12 tuyến đường, gắn 397 bóng đèn chiếu sáng vào ban đên. Tổng kinh phí thực hiện 165 triệu đồng.
Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Thành Đoàn Văn Được cho biết: Góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng huyện đạt nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Hội CCB huyện Châu Thành xây dựng mô hình "Ánh sáng an ninh", góp phần làm sáng thêm bộ mặt nông thôn, bảo đảm an ninh trật tự, hạn chế tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông ở nông thôn. Để mô hình này thật sự phát huy hiệu quả Hội CCB huyện đã kiên trì vận động hội viên CCB và Nhân dân xây dựng ở 86/86 ấp với 141 tuyến đường có tổng chiều dài 176,79 km, với 5.728 bóng đèn, kinh phí trên 2,2 tỉ trong đó hội viên đóng góp 241.600.000 đồng.
Từ khi mô hình "Ánh sáng an ninh trật tự" được triển khai, không những góp phần làm đẹp đường làng, ngõ xóm, phục vụ việc đi lại thuận tiện cho Nhân dân mà còn góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông. Có đèn đường chiếu sáng, ban đêm bà con có thể đi bộ thể dục, trẻ em vui chơi, nhân dân đi lại thuận lợi, an toàn. Do mô hình thực hiện xuất phát từ nhu cầu của người dân nên nhận được sự đồng thuận của người dân rất cao và thực sự có ý nghĩa trong đảm bảo an ninh trật tự.