Đầu năm 2020, ông mạnh dạn đào ao trên 2 công đất, sâu 5 mét, làm chiếc bè nổi 6 m2, sâu 2 m giữa ao, có lưới bọc đáy, bằng bê tông ở trên và thùng phuy nhựa ở dưới, bè có đường đi nổi dài 30 mét nối từ bờ ra giữa ao. Trong bè nuôi trên 10.000 con cá coi (cá chép Nhật giống Đồng Tháp), trên 10.000 con cá thác lác cườm, trên 30.000 con cá điêu hồng, 2.000 con cá mè đen, hơn 2.000 con cá sặc rằn…
Ngoài ra, ông còn đào 20 cái vèo, mỗi vèo diện tích 32 m2 để nuôi trên 2.000 cá mè đen; 2.000 cá tai tượng, 5.000 con cá vồ; nuôi tôm lóng thiên nhiên và tôm càng xanh từ 10.000 đến 50.000 con trong vèo và đào 2 hầm nhỏ để ươm, ép cá đẻ, mỗi hầm diện tích 400 m2. Bè cá còn có hệ thống lọc nước, xử lí nước, không cho nước mặn vào và dùng bơm điện để xả thải, lọc nước lại tuần hoàn, nhất là có hệ thống tự động để bơm thức ăn ra cho cá và xả thải riêng, không cho xuống ao.
Mỗi năm, gia đình CCB Nguyễn Thành Phát bán từ 3 đến 4 tấn cá lớn các loại, cá nhỏ để lại nuôi tiếp trong 20 vèo. Riêng cá thác lác và cá trê đồng thường được các trại câu cá du lịch đến mua mỗi năm. Xung quanh ao ông còn trồng 200 gốc xoài cát Hòa Lộc, 100 cây cà na, 40 cây dừa và trồng hàng chục cây sầu riêng, chanh dây, nho trên diện tích 12.000 m2. Mỗi năm, gia đình CCB Nguyễn Thành Phát có lãi trên 200 triệu đồng tiền bán cá, chưa kể tiền thu hoạch cây trái xung quanh nhà…
Gia đình ông Phát còn hướng dẫn cho nhiều người dân cách nuôi cá, tôm theo phương pháp khoa học, không gây ô nhiễm môi trường và đóng góp các loại quỹ để cải thiện đời sống và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.