Cục Thuế tỉnh Lai Châu vừa ban hành Quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế với Công ty CP Đất hiếm Lai Châu - Vimico do nợ thuế hơn 140 tỷ đồng.
Công ty CP Đất hiếm Lai Châu có địa chỉ tại bản Thác Cạn, thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, bị cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản để thi hành Thông báo tiền thuế nợ số 1180/TB-CTLCH ngày 13/11/2024 của Cục Thuế tỉnh Lai Châu.
Lý do doanh nghiệp nợ tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Mỏ Mỏ đất hiếm Đông Pao thuộc quản lý và khai thác Công ty CP Đất hiếm Lai Châu - Vimico
Cục Thuế tỉnh Lai Châu yêu cầu các ngân hàng: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam-chi nhánh Lai Châu; Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - chi nhánh Lai Châu; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Tam Đường trích tiền từ tài khoản đối với Công ty CP Đất hiếm Lai Châu - Vimico để nộp vào tài khoản số 7111 mở tại Kho bạc nhà nước tỉnh Lai Châu.
Quyết định có hiệu lực thi hành trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày 27/11 đến ngày 26/12/2024.
Theo tìm hiểu, Công ty CP Đất hiếm Lai Châu - Vimico được thành lập vào 2008, hiện đang quản lý và khai thác mỏ đất hiếm Đông Pao tại xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Đây là mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam, với diện tích hơn 132 ha và trữ lượng địa chất khô ước tính 11,3 triệu tấn.
Mỏ đất hiếm Đông Pao đã được cấp phép nhưng chưa đủ điều kiện để khai thác do khó khăn về thị trường, công nghệ chế biến, thu xếp tài chính…
Đất hiếm gồm 17 nguyên tố, phần lớn đóng vai trò không thể thay thế trong sản xuất thiết bị công nghệ cao, pin, nam châm vĩnh cửu phục vụ cho xe điện, tuabin điện gió, máy bay, điện thoại và công nghiệp quốc phòng. Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm vô cùng lớn với trữ lượng khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc 44 triệu tấn. Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt tháng 7/2023, dự tính tổng sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn quặng nguyên khai mỗi năm. Cụ thể, 2 mỏ được tập trung đầu tư khai thác là mỏ Yên Phú (huyện Văn Yên, Yên Bái) và mỏ Đông Pao (huyện Tam Đường, Lai Châu). Tiếp đó, mục tiêu đến 2030 sẽ hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại một số mỏ đất hiếm ở Lai Châu. Thăm dò, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Dự kiến, năm 2030 sẽ hoàn thành đầu tư nhà máy chế biến đất hiếm tại Yên Bái. Giai đoạn từ 2031-2050, thăm dò bổ sung các mỏ đất hiếm đã cấp phép khai thác và thăm dò mới 1 đến 2 điểm mỏ tại Lai Châu và Lào Cai. Trong thời gian này, sẽ duy trì hoạt động của các dự án đã đi vào khai thác; đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3-4 dự án khác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. |
Thiên An