Theo đó, kế hoạch vừa được phê duyệt đã cho biết các nhóm nhiệm vụ trọng tâm; dự kiến triển khai các dự án quan trọng của vùng; kế hoạch sử dụng đất; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù; danh mục các quy hoạch hết hiệu lực.
Trong đó, các nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế của vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu;
Ngoài ra còn có, tập trung phát triển vùng động lực miền Trung, phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông – Tây; Xây dựng và phát triển hệ thống đô thị; Về hạ tầng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Về kết cấu hạ tầng xã hội cấp vùng;…
Đối với nhiệm vụ phát triển vùng động lực miền Trung, phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông – Tây, kế hoạch cho biết phát triển tiểu vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị) trở thành khu vực tăng trưởng quan trọng về công nghiệp, dịch vụ, đô thị biển của vùng và cả nước.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển các khu vực ven biển thuộc Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi trở thành vùng động lực miền Trung của cả nước.
Trong đó thành phố Đà Nẵng là cực tăng trưởng quốc gia; Quảng Nam là trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp phụ trợ; Thừa Thiên Huế là trung tâm công nghiệp văn hóa, khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, dịch vụ cảng biển, thương mại, tài chính tầm quốc tế cao; Quảng Ngãi là trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng, trung tâm du lịch biển đảo; Bình Định là trung tâm công nghiệp công nghệ thông tin, dịch vụ và du lịch, trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển.
Phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận) trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng, dịch vụ du lịch, đô thị ven biển của cả nước. Xây dựng Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại tỉnh Ninh Thuận;…
Dự kiến phân kỳ triển khai các dự án quan trọng vùng
Kế hoạch vừa được phê duyệt đã cho biết, dự kiến phân kỳ triển khai các dự án quan trọng của vùng.
Đơn cử, đối với phát triển công nghiệp, kế hoạch cho biết xây dựng, mở rộng và phát triển hạ tầng các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu hiện có và các khu kinh tế phát triển mới khi đủ điều kiện theo quy định; ưu tiên các khu kinh tế Nghi Sơn, Vũng Áng, Dung Quất, Nhơn Hội.
Xây dựng, mở rộng hạ tầng các khu công nghiệp. Nghiên cứu mở rộng khu công nghệ cao Đà Nẵng và xây dựng mới các khu công nghệ cao khi đủ điều kiện theo quy định.
Đối với phát triển dịch vụ: Đầu tư phát triển hạ tầng khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận; Đầu tư phát triển hạ tầng các khu vực tiềm năng trở thành khu du lịch quốc gia tại các khu vực đã được xác định trong Quy hoạch ngành quốc gia; Đầu tư phát triển hạ tầng các trung tâm du lịch tại thành phố Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang; Xây dựng huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thành trung tâm du lịch biển - đảo, định hướng phát triển thành Khu du lịch quốc gia; Bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường du lịch trên địa bàn vùng.
Đối với hạ tầng giao thông: Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông trên địa bàn vùng; Một số đoạn tuyến cao tốc kết nối Đông – Tây; Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua địa bàn vùng thuộc đoạn tuyến Hà Nội - Vinh và Nha Trang - Thành phố Hồ Chí Minh; Nâng cấp các cảng hàng không quốc tế (Đà Nẵng, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Chu Lai, Cam Ranh), cảng hàng không quốc gia (Đồng Hới, Phù Cát, Tuy Hòa); Xây dựng cảng hàng không Phan Thiết, cảng hàng không Quảng Trị, cảng hàng không Thành Sơn theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch cấp quốc gia được phê duyệt;…
Lê Lê