![](/fileman/Uploads/tbNews/33002/thumb/anh-1.jpg)
Các cựu chiến binh bên di ảnh Má Ba.
Má Ba cơm nguội tên thật là Lê Thị Lê, má không chồng con, di ảnh má được người cháu ruột đưa về thờ cúng tại ấp 5, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Những ngày lễ tết, cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện, chính quyền địa phương, đoàn viên thanh niên và những người từng được má cưu mang, những cán bộ lão thành về thắp hương bàn thờ má. Những ngày tháng Tư lịch sử tình cảm các cô chú dành cho má thật trọn vẹn như cách má dành cho du kích, bộ đội trong kháng chiến.
Mộ phần của má cũng được đưa về Quê Mỹ Thạnh, trên bia mộ được chính quyền địa phương và các cháu lập và khắc “Mẹ chiến sĩ Lê Thị Lê”. Đứng trước mộ phần Má Ba, niềm xúc động, tôn kính và bao ký ức ùa về.
Cựu chiến binh Lê Thị Lan, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh ấp 4, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ là giao liên của xã, đã từng chứng kiến Má Ba mang cơm đến cho du kích, bộ đội. Chị chia sẻ: Hồi đó nhà Má Ba nghèo lắm, nhà hết gạo má đi vận động, cơm má nấu không bao giờ ngớt. Má đội cơm, tài liệu trên đầu miết khiến cho tóc rụng gần hết. Bọn địch cũng nghi ngờ nhưng má ngụy trang cơm, tài liệu khéo trong mâm vàng mã nói với chúng má đi cúng miếu. Má Ba thương bộ đội, du kích, giao liên như người thân của mình.
Nồi cơm má nấu tựa như Thạch Sanh vơi rồi lại đầy đã từng nuôi du kích, bộ đội trong những năm tháng kháng chiến ác liệt cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Nhà có bao nhiêu lúa gạo má dành nấu cơm cho các anh. Nhà má lúc nào cũng có sẵn cơm trong nồi phòng khi bộ đội ghé nhà có cơm ăn. Nơi mé sông, bờ ruộng, hốc cây đều có những gói cơm má gói lá chuối để sẵn. Khi tình hình êm ắng, hoặc trời tối các anh về lấy. Để rồi cái tên Má Ba cơm nguội mà bộ đội, du kích gọi chứa đựng tình cảm thân thương, dạt dào như cách má dành cho cách mạng.
Mỗi lần về Long An thăm lại chiến trường xưa cựu chiến binh Nguyễn Văn Lạc, Trung đoàn 230 đều về Quê Mỹ Thạnh thắp hương Má Ba cơm nguội. Ông bồi hồi nói: Thời điểm cuối năm 1969 đầu năm 1970 ở Long An, Nam lộ 4 gần như vùng trắng, địch kiểm soát chặt chẽ. Lực lượng trung đoàn sống chủ yếu vào số dân bám trụ lại. Đến giờ tôi vẫn nhớ mãi nồi cơm của Má Ba cơm nguội đã nuôi chúng tôi trong những ngày tháng ác liệt đó. Ngày ngày má nấu cơm, mang cơm đến địa điểm nhất định để chạng vạng tối chúng tôi lên lấy. Mỗi lần mang cơm, thi thoảng gặp má dặn các con ăn no, ráng lo đánh giặc bao giờ chiến thắng về sum họp với má.
Hòa bình lập lại, năm 1982, Má Ba mất. Mặc dù cháu của Má Ba vẫn thờ má ở nhà, nhưng trân quý tấm lòng, tình thương của Má Ba, cựu chiến binh Trần Thị Kiều xin phép gia đình và lãnh đạo huyện đưa ảnh Má Ba về thờ tại nhà mình từ năm 1991 đến nay.
Cựu chiến binh Trần Thị Kiều, phường 5, thành phố Tân An, tỉnh Long An nói: Má Ba có tấm lòng rộng lượng, thương bộ đội, du kích, đến ngày cuối đời má vẫn thương và lo cho các anh. Với tấm lòng kiên trung của má dành cho cách mạng, lúc gian khổ nhất Má Ba kiên cường bám trụ để nấu cơm cho du kích, bộ đội. Tôi xem Má Ba như má ruột, tôi thờ cúng Má Ba cùng với má tôi, ngày giỗ, ngày lễ, tết tôi đều cúng cơm và sâu trong tâm thức tôi có hai bà mẹ.