Lính nhà giàn tăng gia rau xanh.
CÒN NGƯỜI, CÒN NHÀ GIÀN
Nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và lợi ích lâu dài của đất nước, ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ban hành Chỉ thị số 180 về việc xây dựng Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ (DK1) tại khu vực bãi đá ngầm trên thềm lục địa phía Nam, thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Thực hiện Chỉ thị số 180, Ban chỉ đạo xây dựng nhà giàn được thành lập và đã khảo sát, thiết kế, thi công các nhà giàn. Đồng thời, Quân chủng Hải quân quyết định thành lập Tiểu đoàn DK1 thuộc Lữ đoàn 171 (nay là Vùng 2 Hải quân) có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là chốt giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Trong 30 năm qua, các nhà giàn DK1 đã phát hiện hàng ngàn lượt tàu, thuyền qua lại khu vực, đồng thời phối hợp cùng tàu trực xua đuổi hàng trăm lượt tàu nghiên cứu, thăm dò trinh sát của nước ngoài; quan sát, phát hiện nhiều lượt tàu chiến, máy bay trinh sát nước ngoài, báo cáo kịp thời về sở chỉ huy các cấp để xử lý.
Là một trong những người nhận nhiệm vụ bám chốt nhà giàn lúc mới thành lập, Trung tá Trần Văn Dũng, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 giai đoạn 1989 - 1998 cho biết, những ngày đầu ra chốt giữ nhà giàn, khó có thể nói hết những khó khăn gian khổ, thách thức đối với cán bộ, chiến sĩ. Thời tiết khắc nghiệt, quanh năm nắng nóng, bão tố, đời sống vật chất, tinh thần đều thiếu thốn. “Tuy nhiên, với tinh thần “Còn người, còn nhà giàn”, cán bộ, chiến sĩ DK1 đã khắc phục khó khăn gian khổ, chia nhau từng ca nước ngọt, nhường nhau từng cọng rau xanh, đêm ngày bám trụ kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vùng biển Tổ quốc”, Trung tá Trần Văn Dũng chia sẻ.
Trong 30 năm qua, đã có biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 dành trọn tuổi thanh xuân của mình để xây dựng, gìn giữ các nhà giàn. Thậm chí, không ít máu xương của những người lính phải đổ xuống để giữ cho lá cờ đỏ sao vàng tung bay hiên ngang giữa biển trời, như sự khẳng định đanh thép về chủ quyền của Việt Nam trên thềm lục địa phía Nam. Xa đất liền, người lính nhà giàn phải hy sinh những cái riêng tư, đặt nhiệm vụ lên hàng đầu. Có những cán bộ, chiến sĩ biết lúc vợ đang sắp sinh con, hay người thân trong đất liền đang bệnh nặng, nhưng vẫn phải nén chặt trong lòng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Có 29 năm tuổi quân, trong đó 22 năm công tác trên các nhà giàn, Trung tá Lê Xuân Nam, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/16 bày tỏ: “Đã là người lính và đặc biệt là lính nhà giàn thì chuyện riêng tư phải gác qua một bên. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi luôn giữ vững tinh thần, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”.
HUẤN LUYỆN ĐỒNG BỘ, CỨU HỘ - CỨU NẠN
Theo Trung tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, thời gian qua, đơn vị luôn chú trọng công tác huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”. Theo đó, đơn vị tập trung huấn luyện đồng bộ các kỹ năng để cán bộ, chiến sĩ nhà giàn thực sự làm chủ, nắm chắc các loại phương tiện, trang bị kỹ thuật phục vụ cho thông tin liên lạc, xử lý trên không, trên biển và các tình huống bất trắc có thể xảy ra. Tuy nhiên, công tác huấn luyện trên các nhà giàn không giống như ở đất liền bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố (thời tiết, không gian…), nhưng đòi hỏi phải luôn bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn trên biển, sát với điều kiện phương tiện, trang bị kỹ thuật.
Hiện nay, trên các nhà giàn DK1 đã được trang bị phương tiện hiện đại, đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao; 100% cán bộ, chiến sĩ đều làm chủ các loại phương tiện, trang bị kỹ thuật biên chế trên nhà giàn. Kết quả kiểm tra huấn luyện hàng năm đều được Vùng 2 Hải quân và Quân chủng Hải quân đánh giá tốt, đơn vị đạt huấn luyện khá, giỏi; 100% cán bộ, chiến sĩ yên tâm thực hiện nhiệm vụ trên các nhà giàn.
Bên cạnh đó, Tiểu đoàn cũng tổ chức huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ kỹ năng cứu nạn - cứu hộ trên biển. Khi ngư dân bị tai nạn cần sự giúp đỡ, nhà giàn sẽ phối hợp với ghe, tàu đưa người lên nhà giàn tổ chức sơ cấp cứu và chuyển bệnh nhân về đất liền điều trị. “Trong 30 năm qua, các nhà giàn đã kịp thời phối hợp cứu vớt nhiều tàu đánh cá bị nạn, cấp cứu điều trị bệnh cho hàng trăm ngư dân Việt Nam. Những tình cảm ấy, giúp cán bộ, chiến sĩ nhà giàn và ngư dân thấy ấm lòng, gần gũi, thân thương hơn giữa biển khơi muôn trùng”, Trung tá Nghiêm Xuân Thái chia sẻ.
●Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 1998 - 2000.
●Năm 2004, Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba về thành tích tốt trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
●Năm 2005, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
●Năm 2009, Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
●Từ năm 1989 đến 2019, Quân chủng và Lữ đoàn 171 (nay là Vùng 2 Hải quân) tặng nhiều bằng khen, giấy khen các loại; danh hiệu Đơn vị Quyết thắng liên tục 10 năm từ 1999-2008.
●Về cá nhân, một liệt sĩ được Chủ tịch nước truy tặng Anh hùng LLVTND; nhiều cán bộ, chiến sĩ được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Bằng Tổ quốc ghi công vì đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Từng được tàu của Vùng 2 Hải quân cứu nạn khi tàu cá bị hỏng máy vào tháng 3/2019, đưa vào nhà giàn DK1/9 để khắc phục sự cố và chăm sóc y tế, ông Lê Văn Tiếp (SN 1977, quê Bình Định) - thuyền trưởng tàu BĐ 97307 TS bày tỏ: “Chúng tôi rất cảm kích khi những người lính hải quân nói chung, lính nhà giàn nói riêng cũng như các lực lượng khác luôn đồng hành, hỗ trợ ngư dân trong quá trình đánh bắt trên biển, đặc biệt là khi tàu cá hay thuyền viên gặp nạn. Các nhà giàn là điểm tựa để ngư dân vững vàng tinh thần giữa biển cả mênh mông. Đặc biệt, vào những ngày mưa bão, nhà giàn là chiếc bè cứu sinh cho ngư dân yên tâm bám biển”.
Chuẩn Đô đốc Phạm Khắc Lượng, Tư lệnh Vùng 2 Hải quân nhận định: Trong 30 năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo quân đội các cấp, cùng với sự quan tâm giúp đỡ, ủng hộ to lớn, có hiệu quả của các cấp, các ngành và nhân dân cả nước đã tạo động lực cho cán bộ, chiến sĩ DK1 phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ Hải quân, nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khắc khục khó khăn, vượt qua mọi hiểm nguy, trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, các nhà giàn còn là niềm tin, chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế kết hợp bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.