Văn hóa - Kinh tế - Xã hội

Kinh tế
Next
Prev
Chủ nhật, 12/11/2017, 12:11 (GMT+7)
1305 lượt xem

Chủ tịch nước họp báo về kết quả Hội nghị các nhà lãnh đạo Kinh tế APEC

Chiều 11/11, tại Trung tâm Báo chí Quốc tế phục vụ APEC 2017 (TP.Đà Nẵng), Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì buổi họp báo thông tin kết quả Hội nghị các nhà lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 25.
 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thông tin với báo chí tại buổi họp báo (ảnh: Đình Tăng)

 

Thông tin với báo chí trong và ngoài nước tại buổi họp báo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: Hội nghị các nhà lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 25 vừa kết thúc tốt đẹp. Sau gần 20 năm là thành viên của APEC, Việt Nam vinh dự một lần nữa đảm nhận vai trò chủ tịch Hội nghị quan trọng nhất trong năm của diễn đàn này.
 

Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế với nền kinh tế mở đang hội nhập sâu rộng, có tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định nhiều năm qua, năm APEC Việt Nam 2017 là cơ hội quý báu để Việt Nam thúc đẩy hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của khu vực. Đây cũng là dịp để Việt Nam khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.


Để đến Hội nghị cấp cao ngày hôm nay, trong suốt một năm qua, các Bộ trưởng, quan chức cấp cao APEC cùng với cộng đồng doanh nghiệp và học giả trong khu vực đã tiến hành hơn 240 cuộc họp tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam.


Các cuộc họp đã thảo luận nghiêm túc, kỹ lưỡng và thống nhất đề xuất các biện pháp thúc đẩy đối thoại, hợp tác và liên kết APEC, tạo động lực mới cho tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực, hướng tới chuẩn bị một cách tốt nhất cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.


Trong bối cảnh đó, và tiếp nối những thành tựu hợp tác của APEC trong năm qua, với sự đồng tình nhất trí của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng, tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung. Đây là kết quả quan trọng nhất của Hội nghị cấp cao APEC cũng như năm APEC 2017.

Chủ tịch nước cho biết, tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo APEC đã thảo luận và nhất trí những nội dung chủ yếu sau đây:


Thứ nhất, đã thông qua chương trình hành động của APEC về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, nhằm khẳng định quyết tâm của các nền kinh tế thành viên hướng tới xây dựng cộng đồng APEC phát triển bao trùm và tự cường. Đây cũng là một nội dung bao trùm, quan trọng của đối thoại của các nhà lãnh đạo APEC với cộng đồng doanh nghiệp.


Thứ hai, để nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và năng suất lao động các nền kinh tế APEC, yêu cầu cấp bách đặt ra đó là tăng cường chất lượng giáo dục, trang bị cho người lao động những kiến thức kỹ năng cần thiết để thích ứng tốt hơn với môi trường việc làm và thị trường lao động đang thay đổi căn bản của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.


"Nhận thức sâu sắc điều đó, chúng tôi đã thông qua khuôn khổ phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Các định hướng chính sách và biện pháp đề ra trong khuôn khổ không chỉ đáp ứng quan tâm chung của khu vực mà còn là đòn bẩy giúp Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao"-  Chủ tịch nước nói.


Thứ ba, nhằm tạo những động lực mới cho tăng trưởng bền vững và bao trùm, Hội nghị đã dành thời gian thảo luận một cách sâu sắc về các chính sách và các biện pháp chiến lược nhằm phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa theo hướng xanh, bền vững và sáng tạo. Thúc đẩy hội nhập sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, công nghiệp hỗ trợ, phát triển công nghiệp bền vững thích ứng với biến đối khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nước, năng lượng, phát triển nông thôn và đô thị, cải cách cơ cấu, nâng cao năng lực, giảm thiểu rủi ro thiên tai, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, phát triển du lịch bền vững. Việc triển khai những khuôn khổ hợp tác dài hạn của APEC trong những lĩnh vực này sẽ góp phần củng cố vai trò của Diễn đàn, là cơ chế hợp tác hàng đầu của khu vực và đi đầu với những nỗ lực toàn cầu về phát triển bền vững, như các mục tiêu chung cần đạt được vào năm 2030 mà Liên hợp quốc đã đề ra.


Thứ tư, thúc đẩy thương mại đầu tư tự do và thương mại ở châu Á- Thái Bình Dương là sứ mệnh của các nền kinh tế APEC. Để APEC tiếp tục là động lực thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực góp phần để châu Á- Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.


Hội nghị tái khẳng định cam kết thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư, thúc đẩy đầu tư kinh doanh và dịch vụ, tiếp tục nỗ lực hướng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển bền vững và bao trùm.


Thứ năm, APEC nỗ lực hoàn tất mục tiêu Bogor năm 2020 và chuẩn bị bước vào thập niên phát triển thứ 4.

Để nâng cao vai trò và vị thế APEC, Chủ tịch nước hoan nghênh việc thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC, hỗ trợ quan chức cao cấp trong việc xác định hướng đi và tương lai của Diễn đàn sau năm 2020, trở thành một diễn đàn tự cường, có năng lực xử lý thách thức, thích ứng cao với thế giới đang thay đổi. Quyết định này thể hiện quyết tâm của các nền kinh tế xây dựng cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, năng động, gắn kết, đặt người dân ở vị trí trung tâm.


Cuối cùng, trước khi kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch nước cho rằng, trong những ngày qua, người dân Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam nói riêng đã chào đón hơn 10.000 đại biểu, trong đó có 3.000 phóng viên, đã thể hiện sự sinh động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.


Chủ tịch nước Trần Đại Quang tin tưởng cùng với việc tham dự các hoạt động APEC, đại biểu quốc tế đã có dịp thưởng thức vẻ đẹp của đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, phát triển; con người Việt Nam thân thiện, mến khách.

Nguồn: dangcongsan.vn

 

 

TIN MỚI NHẤT

DƯ LUẬN QUAN TÂM

BẢN TIN TRUYỀN HÌNH QUÂN KHU 7

PHÓNG SỰ ẢNH

ĐỌC BÁO IN

BẠN CẦN BIẾT

DỰ BÁO THỜI TIẾT

Thiết kế phần mềm Công ty phần mềm GSOT GROUP