Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa ký Quyết định số 142/QĐ - BGTVT phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023.
Thông tin chi tiết về Cảng hàng không quốc tế Gia Bình là sân bay cấp 4E theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
Công suất thiết kế: Giai đoạn 2021-2030 khoảng 1 triệu hành khách/năm. Tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 3 triệu hành khách/năm.
Diện tích đất dự kiến: Khoảng 363,5 ha. Ước tính chi phí đầu tư giai đoạn 2021-2030 khoảng 17.682 tỷ đồng. Tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 12.083 tỷ đồng.
Việc bổ sung sân bay Gia Bình nâng tổng số cảng hàng không của Việt Nam đến năm 2030 lên 31, bao gồm 15 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không quốc nội.
Trước đó, vào tháng 12 năm 2024, Bộ Công an đã khởi công xây dựng sân bay Gia Bình với diện tích ban đầu khoảng 125 ha, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Sân bay này ban đầu được thiết kế phục vụ nhiệm vụ của Trung đoàn Không quân Công an, đảm bảo an ninh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội.
Việc nâng cấp và bổ sung sân bay Gia Bình vào quy hoạch quốc gia được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sản xuất thương mại, vận tải hàng hóa, phát triển các trung tâm logistics, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực và cả nước.
UBND tỉnh Bắc Ninh mới đây đã tổ chức hội nghị về xem xét phương án kết nối sân bay Gia Bình với Hà Nội và tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Cụ thể, tỉnh Bắc Ninh đã đề xuất hai phương án chính để kết nối sân bay Gia Bình với trung tâm Hà Nội:
Phương án 1: Qua cầu Tứ Liên - Lộ trình tuyến đường bắt đầu từ khu vực gần sân bay Gia Bình, đi qua các huyện Lương Tài, Gia Bình, thị xã Thuận Thành của Bắc Ninh, sau đó qua huyện Gia Lâm và quận Long Biên của Hà Nội, và kết nối với trung tâm Hà Nội thông qua cầu Tứ Liên.
Với chiều dài khoảng 46km, đây là tuyến đường ngắn nhất, có tính khả thi cao, hiệu quả về công năng và tạo cảnh quan hiện đại, thuận lợi cho phát triển các khu đô thị và thương mại dọc tuyến.
Phương án 2: Qua cầu Trần Hưng Đạo – Lộ trình ương tự phương án 1, nhưng thay vì qua cầu Tứ Liên, tuyến đường sẽ kết nối với trung tâm Hà Nội thông qua cầu Trần Hưng Đạo. Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 40,5km.
Sau khi xem xét, tỉnh Bắc Ninh đã thống nhất lựa chọn phương án 1 qua cầu Tứ Liên để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và các cơ quan Trung ương, do ưu điểm về tính khả thi và hiệu quả.
Ngoài kết nối đường bộ, tỉnh Bắc Ninh cũng đề xuất phương án kết nối sân bay Gia Bình với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nhằm tăng cường liên kết vùng và đa dạng hóa phương thức vận tải.
Tuyến đường sắt nội vùng: Dự kiến xây dựng tuyến đường sắt đi trên cao, chạy song song với tuyến đường bộ, vượt qua các tuyến đường chính và kết nối với ga Trung Mầu (một ga được bổ sung vào tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng).
Phong Vân