Tuy nhiên, trong thời gian đi học, đọc nhiều sách tiếng Việt, tiếng Pháp, đồng chí bắt đầu thấy yêu thích chủ nghĩa Cộng sản. Sau khi học xong Trường Collège Mỹ Tho, đồng chí Nguyễn Xuân Hòa trở về nhà, chứng kiến những hành động ngang ngược của thực dân Pháp, lại được học, đọc sách nhiều nên đồng chí hiểu thế nào là nô lệ, thế nào là độc lập? Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, đồng chí đã nhanh chóng hòa mình vào dòng thác cách mạng của dân tộc.
Trung tướng Nguyễn Xuân Hòa
Đầu năm 1949, Đảng bộ tỉnh Bến Tre tổ chức lại địa bàn, lực lượng; tinh giản bộ máy hành chính các cấp, tăng cường cán bộ cho cơ sở, đồng chí Nguyễn Xuân Hòa được điều về Trung đoàn 99 làm Trưởng tiểu ban Tuyên huấn (tổ chức thuộc Ban Chính trị Trung đoàn). Khi Trung đoàn 99 giải thể, đồng chí về làm phái viên kiểm tra thuộc Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Khu 8. Đây là thời kỳ các tỉnh vùng Trung Nam Bộ gặp nhiều khó khăn, do địch ra sức bao vây chia cắt, càn quét với quy mô lớn, đồng chí Nguyễn Xuân Hòa cùng Phòng Chính trị Khu đi các nơi để tham gia giải quyết vấn đề tư tưởng, tổ chức của cán bộ, chiến sĩ được ổn định.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, đồng chí tập kết ra miền Bắc, làm Chính trị viên Tiểu đoàn 307, đóng quân ở Thanh Hóa. Đồng chí cùng Ban Chỉ huy Tiểu đoàn tổ chức huấn luyện bộ đội, xây dựng đơn vị chính quy, nền nếp, vững mạnh toàn diện. Đến giữa năm 1956, đồng chí được cử đi học Trường được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của trường. Để có những bài giảng hay, đồng chí tích cực nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ. Nhờ vậy, rất nhiều bài giảng của đồng chí đạt chất lượng cao, có uy tín và được các trường, các cơ quan bên ngoài (Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc...) mời sang giảng, nói chuyện cho cán bộ học tập lý luận chính trị. Sau khi Học viện Quân chính Bộ Quốc phòng được thành lập, đồng chí Nguyễn Xuân Hòa được cử đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô (1963-1964).
Năm 1965, trước yêu cầu của tình hình cách mạng mới, Trung ương Đảng có chủ trương đưa cán bộ miền Nam tập kết ra miền Bắc hành quân trở về miền Nam. Phải trở về miền Nam chiến đấu, ý nghĩ đó hình thành và ngày càng lớn dần trong đầu, đồng chí đã lên Cục Cán bộ trình bày nguyện vọng muốn về miền Nam và nguyện vọng của đồng chí đã được cấp trên chấp thuận. Những năm từ 1966 đến 1967, mặc dù không trực tiếp tham gia đánh trận, nhưng với cương vị Trưởng ban Tuyên huấn (thuộc Phòng Chính trị, Sư đoàn bộ binh 5), đồng chí Nguyễn Xuân Hòa chỉ đạo các đồng chí trong ban chuẩn bị tài liệu, phối hợp với Phòng Tham mưu phục vụ Bộ Chỉ huy Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị huấn luyện, củng cố kỷ luật và lên kế hoạch tổ chức các trận đánh... góp phần làm nên những thắng lợi của Sư đoàn bộ binh 5.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, với cương vị Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn bộ binh 5 (sau là Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn), đồng chí cùng Bộ Chỉ huy Sư đoàn lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phối hợp với lực lượng của Miền và lực lượng vũ trang địa phương, tổ chức tiến công địch trên mặt trận hướng Đông - Đông Bắc Sài Gòn, đánh chiếm sân bay Biên Hòa, Bộ tư lệnh dã chiến II Mỹ, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy, Trường sĩ quan Thủ Đức, trại giam Tam Hiệp. Sau đó, sư đoàn tổ chức tiến công địch trên mặt trận Tây Bắc Sài Gòn, đương đầu với Sư đoàn 25 “tia chớp nhiệt đới” của quân Mỹ, lập được nhiều thành tích xuất sắc và liên tiếp giành những thắng lợi ở Bắc Thủ Dầu Một, Tây Ninh... Cuối năm 1968, đồng chí Nguyễn Xuân Hòa được bổ nhiệm Phó Chính ủy Sư đoàn. Trong thời gian Sư đoàn bộ binh 5 đánh Sư đoàn 18 ngụy, đồng chí đã tập trung tổng kết, thông báo tin tức thắng lợi kịp thời cho bộ đội. Đồng chí cũng thường xuyên xuống các đơn vị để phổ biến nhiệm vụ và động viên anh em chiến sĩ khắc phục khó khăn, gian khổ; góp phần củng cố tinh thần chiến đấu, làm nên những chiến thắng của sư đoàn trong mỗi trận ra quân.
Những năm từ 1970 đến 1974, trên cương vị Chánh Văn phòng Bộ Chỉ huy Miền, trong các buổi hội nghị trước, sau mỗi chiến dịch và đợt hoạt động lớn, đồng chí Nguyễn Xuân Hòa đều chuẩn bị rất chi tiết và đầy đủ các tài liệu phục vụ cho hội nghị. Qua tham dự các hội nghị, đồng chí có thêm nhiều bài học về phương pháp xây dựng kế hoạch, nghiên cứu tình hình, phán đoán quyết định những vấn đề trên chiến trường, hiểu rõ hơn về chiến sự. Giữa tháng 6-1974, đồng chí về nhận nhiệm vụ Chính ủy Sư đoàn bộ binh 5. Đồng chí cùng Bộ Chỉ huy Sư đoàn tổ chức nhiều trận đánh, trong đó tiêu biểu nhất là đánh cụm chốt Phước Tân, Cây Da (thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh). Đồng chí Nguyễn Xuân Hòa và đồng chí Út Liêm trực tiếp chỉ huy trận đánh giành thắng lợi, giải phóng hơn 4.000 dân, mở thông hành lang từ Tây Ninh xuống Đồng Tháp Mười.
Từ tháng 6-1974 đến năm 1975, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Chính ủy Sư đoàn bộ binh 5. Với cương vị Chính ủy Sư đoàn, đồng chí cùng Bộ Chỉ huy tổ chức huấn luyện bộ đội cách đánh đồn, đánh dứt điểm; tăng cường cán bộ cho các cấp đầy đủ và trực tiếp xuống các đơn vị xem cán ộ, chiến sĩ luyện tập, nắm tình hình toàn diện, nói chuyện, giáo dục, khích lệ tinh thần chiến đấu cho bộ đội. Tháng 3-1975, Sư đoàn bộ binh 5 được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị bạn tiến công thị xã Tân An. Sau nhiều ngày đánh Tân An không dứt điểm được, đồng chí Nguyễn Xuân Hòa cùng Bộ Chỉ huy đã đi tìm hiểu tình hình và quyết định phối hợp với Đoàn 232 cắt đường 4, cô lập địch giữa miền Tây và miền Đông Nam Bộ, giải phóng tỉnh Long An đúng ngày 30-4 lịch sử.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đồng bchí Nguyễn Xuân Hòa về đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng Tổng kết, Cục Chính trị Miền. Tháng 12-1975, đồng chí được bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7. Nhận nhiệm vụ trong lúc lực lượng vũ trang Quân khu đang tổ chức sinh hoạt chính trị và triển khai công tác quân quản, cải huấn quân ngụy, truy quét tàn quân, sắp xếp lại lực lượng cho phù hợp với điều kiện thời bình. Đồng chí cùng với Ban Chủ nhiệm chỉ đạo các cơ quan nghiệp vụ tập trung làm tham mưu sắp xếp lại lực lượng, các khối thường trực chiến đấu, cơ quan, nhà trường, xây dựng kinh tế, quản giáo và khối lực lượng vũ trang địa phương; giải quyết ra quân, đi học, chính sách hậu phương quân đội.
Tháng 9-1977, đồng chí được cử đi học tại Học viện Quân sự Cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng). Tốt nghiệp khóa học (3-1979), đồng chí về đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, Phó Tư lệnh Chính trị Mặt trận 479. Đây là thời kỳ ta vừa đánh bại cuộc tiến công xâm lược của tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt ở biên giới Tây Nam. Một số đơn vị Quân tình nguyện vẫn tiếp tục truy kích quân Pôn Pốt và thực hiện nghĩa vụquốc tế trên đất Campuchia theo tinh thần Hiệp ước hòa bình, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa chính phủ hai nước Việt Nam - Campuchia. Với cương vị Phó Tư lệnh Chính trị Mặt trận 479, đồng chí cùng Bộ Tư lệnh Mặt trận đề ra nội dung công tác chính trị tư tưởng của mặt trận, động viên bộ đội xác định đúng trách nhiệm và thực hiện tốt nhiệm vụ quốc tế. Trong các buổi nói chuyện, quán triệt với bộ đội, đồng chí đã dẫn lời của Bác Hồ dạy “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” để động viên bộ đội. Đồng thời, giáo dục bộ đội đối xử với người dân Campuchia không thành kiến, phải gần gũi, thương yêu, tin tưởng họ.
Từ năm 1980 đến năm 1983, dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Mặt trận và đồng chí Nguyễn Xuân Hòa, Mặt trận 479 mở hai đợt hoạt động tổng hợp ở 7 huyện phía Bắc Xiêm Riệp và 5 huyện phía Bắc Báttambang, triệt phá căn cứ của địch, bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ bạn tổ chức bầu cử, chặn cắt hành lang của địch từ Anlong Veng - Núi Hồng - Chi Kreng - Biển Hồ và các nhánh hành lang khác... Năm 1983, các lực lượng của Mặt trận tập trung đánh địch, làm tan rã bộ phận quân địch trong nội địa, xóa bỏ tình trạng xen kẽ địch - ta; giúp bạn nâng cao khả năng xây dựng lực lượng, quản lý địa bàn, củng cố và phát triển liên minh chiến đấu giữa ta và bạn, bóc gỡ địch ngầm… Năm 1984, đồng chí Nguyễn Xuân Hòa được thăng quân hàm Thiếu tướng.
Những năm từ 1984 đến 1985, đồng chí Nguyễn Xuân Hòa (Phó Tư lệnh Chính trị Mặt trận 479) cùng Bộ Tư lệnh Mặt trận tổ chức đẩy mạnh hoạt động đánh địch trên biên giới; truy quét các toán địch bu bám và các căn cứ lõm của chúng ở gần dân, nhất là khu vực ranh giới hai tỉnh Xiêm Riệp và Báttambang, dọc tả ngạn sông Kralanh, Bắc lộ 6. Nhiều trận đồng chí trực tiếp tham gia chỉ huy và giành thắng lợi, tiêu biểu là trận đánh căn cứ Ta Tum. Đây là căn cứ của địch nằm sát biên giới (thuộc tỉnh Ốtđamiêngchay). Khi nhận nhiệm vụ đánh Căn cứ Ta Tum, đồng chí đã suy nghĩ rất nhiều, phải làm sao dứt điểm được? Sau khi đi nghiên cứu thực địa, đồng chí cùng Bộ Chỉ huy Sư đoàn 302 quyết định bố trí lại đội hình, tổ chức đánh dứt điểm. Kết quả, ta giành thắng lợi, buộc địch phải rút lui khỏi căn cứ.
Năm 1987, Quân tình nguyện Việt Nam rút một bộ phận lớn về nước, trong đó có một bộ phận của Mặt trận 479. Đồng chí Nguyễn Xuân Hòa làm Tư lệnh lực lượng rút quân. Chia tay đất nước Chùa Tháp, đồng chí về Quân khu 7 nhận nhiệm vụ Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu, Bí thư Đảng ủy Quân khu và được thăng quân hàm Trung tướng (9-1990). Đồng chí cùng Ban lãnh đạo sắp xếp, kiện toàn lại lực lượng sau khi toàn bộ Quân tình nguyện rút về nước. Bộ đội được học tập quán triệt tình hình nhiệm vụ mới, chuyển tác phong công tác, sinh hoạt từ chiến đấu sang xây dựng chính quy, hiện đại, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Đảng ủy đề ra các chủ trương về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ; xây dựng nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang Quân khu; tăng cường sản xuất kinh tế, góp phần tự cân đối ngân sách quốc phòng, đảm bảo đời sống bộ đội... Trong các cuộc họp, đồng chí Nguyễn Xuân Hòa báo cáo tình hình, nêu phương hướng lãnh đạo. Các đồng chí bí thư thành ủy, tỉnh ủy nắm vững tình hình địa phương nên có ý kiến đánh giá đúng tình hình và đề ra nhiệm vụ, giải pháp sát thực tế.
Năm 1991, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa theo mô hình xô viết ở Đông Âu tan rã. Lợi dụng tình hình trên, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế đẩy mạnh hoạt động chống phá cách mạng, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Việt Nam trở thành một trong những tâm điểm chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, trong đó Quân khu 7 (có Thành phố Hồ Chí Minh) là khu vực trọng điểm trong âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Tình hình đó tác động không nhỏ đến tinh thần của bộ đội, không ít cán bộ hoang mang trong nhận thức chính trị. Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo: Dựa vào Nghị quyết Trung ương, Cương lĩnh xây dựng xã hội chủ nghĩa để chuẩn bị bài giảng, tổ chức quán triệt, học tập cho bộ đội. Đồng chí Nguyễn Xuân Hòa trực tiếp chỉ đạo cấp phát tài liệu, tổ chức học tập cho từng khối, xuống đến các trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội. Qua các buổi học tập, quán triệt, tư tưởng, lập trường của cán bộ, chiến sĩ đều vững vàng, kiên định...
Năm 1996, đồng chí được nghỉ hưu theo chế độ. Trong thời gian nghỉ hưu, đồng chí vẫn tiếp tục tham gia vào Hội Cựu chiến binh Thành phố, dự nhiều buổi sinh hoạt, Lễ kỷ niệm ngày thành lập, Lễ đón nhận huân chương, danh hiệu anh hùng của Quân khu, của Thành phố Hồ Chí Minh... Đồng chí tham gia trong Hội đồng hương tỉnh Bến Tre và hoạt động tích cực, thiết thực giúp cho xã hội như: Liên hệ với các bệnh viện đưa bác sĩ xuống địa phương khám bệnh, mổ mắt miễn phí cho người nghèo; vận động các doanh nghiệp, quyên góp từ các nhà hảo tâm, xây nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, khó khăn ở Bến Tre...
Ngày 9-1-2020, do tuổi cao sức yếu, đồng chí từ trần, thọ 94 tuổi. Gần 50 năm công tác, cống hiến cho cách mạng từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi nhập ngũ, học tập, chiến đấu và làm việc qua nhiều đơn vị khác nhau (từ Quân khu 8 đến Tổng cục Chính trị và Quân khu 7), đồng chí Nguyễn Xuân Hòa đều tận tâm, tận lực hoàn thành nhiệm vụ. Là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nên trong chiến đấu, công tác có muôn vàn khó khăn, thử thách, đồng chí đều quyết tâm thực hiện bằng được nhiệm vụ. Với tâm niệm “Con người dù tài giỏi đến đâu cũng chỉ như giọt nước so với biển cả. Một cá thể thì không thể làm nên điều gì nếu không có tập thể, đồng đội và nhân dân”, nên đồng chí luôn có thái độ khiêm tốn, cầu thị trong công việc, tự nhắc mình học tập, tiếp thu ý kiến từ cấp trên, đồng đội và trong thực tiễn... Đồng chí Nguyễn Xuân Hòa xứng đáng là tấm gương sáng về người chiến sĩ Cộng sản kiên trung.
Những năm tháng chiến đấu, công tác cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng và phát triển Quân đội, bảo vệ Tổ quốc, đồng chí được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Quân công hạng Nhì; 3 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; 3 Huân hương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; 3 Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ quyết thắng; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.