Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi, thực hiện điều khoản trong Hiệp định Giơnevơ, đồng chí cùng nhiều con em quân - dân - chính - Đảng ở miền Nam lên đường tập kết ra miền Bắc. Năm 1955, đồng chí được cử đi học tại Trường Trung cấp pháo binh Hán Khẩu (Trung Quốc). Năm 1960, kết thúc khóa học về nước, đồng chí được phân công làm giáo viên quân giới Trường Sĩ quan Hậu cần.
Năm 1962, đồng chí nhận nhiệm vụ Trung đội trưởng Đoàn 3, Lữ đoàn 338 và vào miền Nam chiến đấu. Năm 1963, đồng chí là Đại đội trưởng Đại đội cao xạ Tây Nguyên. Từ năm 1965 đến năm 1967, đồng chí giữ các trách nhiệm Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn trưởng, rồi Đội trưởng Đội huấn luyện Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 320 Tây Nguyên. Năm 1967, đồng chí được bổ nhiệm làm Trung đoàn phó, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 Tây Nguyên. Năm 1969, đồng chí được bổ nhiệm Phó ban Tác chiến B3. Năm 1972, đồng chí được điều động về chiến trường miền Tây Nam Bộ, đảm nhiệm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24, Quân khu 8.
Thiếu tướng Trần Đối
Sau ngày giải phóng Sài Gòn (30-4-1975), đồng chí cùng Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Sư đoàn lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trực thuộc phối hợp cùng các địa phương tỉnh Long An giữ vững trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống Nhân dân, xây dựng chính quyền cách mạng ở cơ sở, tiến hành củng cố đơn vị sẵn sàng để bước vào nhiệm vụ mới: chiến đấu bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quân quản, đầu năm 1977, đồng chí được chỉ định làm Quyền Hiệu trưởng Trường Quân chính Quân khu 7.
Tháng 7-1978, Sư đoàn 303 được thành lập, đồng chí Trần Đối được chỉ định làm Phó Tư lệnh Sư đoàn. Đồng chí cùng Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Sư đoàn lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trực thuộc tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới, góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam; đồng thời giúp bạn làm cuộc cách mạng, đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari, hồi sinh đất nước.
Tháng 3-1979, đồng chí được bổ nhiệm làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 310, tăng cường cho Quân khu 9. Đồng chí cùng Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Sư đoàn 310 lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trực thuộc tham gia chiến dịch truy quét địch ở Cô Công (9-1979) và đảm nhiệm địa bàn tỉnh Côngpông Chàm.
Tháng 4-1980, đồng chí được bổ nhiệm Sư đoàn trưởng Sư đoàn bộ binh 5. Đồng chí cùng Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Sư đoàn chỉ đạo, chỉ huy các đơn vị trực thuộc tiến hành củng cố và chỉnh đốn xây dựng đơn vị; đồng thời tổ chức tiến công chặn đánh tuyến vận chuyển hành lang từ biên giới vào nội địa, triệt phá các căn cứ trung tâm chỉ huy của địch tại khu vực Bắc - Tây Bắc Đăng Cum và đánh địch trong nội địa, giúp bạn xây dựng chính quyền cách mạng ở phum xã.
Tháng 11-1981, đồng chí được cử đi học ngắn hạn tại Học viện Quân sự Cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng). Tháng 10-1982, đồng chí được bổ nhiệm làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn bộ binh 5. Tháng 10-1984, đồng chí được bổ nhiệm Phó Tư lệnh Mặt trận 479 kiêm Sư đoàn trưởng Sư đoàn bộ binh 5. Thời điểm này, sư đoàn triển khai thực hiện chế độ một người chỉ huy theo tinh thần Quyết định số 07/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa V). Đồng chí cùng với Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Sư đoàn chỉ huy các đơn vị trực thuộc xây dựng lực lượng đơn vị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến đánh địch, giúp bạn phát triển thực lực cách mạng trên địa bàn Xiêm Riệp, Ốtđamiêngchay, Báttambang (Campuchia).
Tháng 1-1985, đồng chí được cử đi học tại Trường Chuyên gia Quân sự 481 Bộ Quốc phòng. Tháng 9-1985, đồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng. Thời gian này, với chức trách Phó Tư lệnh Mặt trận 479, đồng chí cùng Bộ Tư lệnh Mặt trận 479 chỉ huy các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị bạn, giúp bạn xây dựng trên quy mô lớn tuyến phòng thủ biên giới Campuchia - Thái Lan, ngăn chặn quân địch thâm nhập từ bên ngoài vào; phối hợp đánh địch bu bám, xây dựng căn cứ lõm và hành lang trong nội địa; mở các đợt tiến công tổng hợp, bóc gỡ địch ngầm, xây dựng củng cố được phong trào cách mạng ở cơ sở, phát triển các tổ chức Đảng, đoàn, tổ nòng cốt. Đặc biệt đã giúp bạn xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân, nâng cao trình độ độc lập tác chiến và khả năng tự đảm đương nhiệm vụ bảo vệ địa bàn một cách mạnh mẽ, tự tin; từ đó vươn lên nắm ngọn cờ độc lập dân tộc, tự đảm đương mọi nhiệm vụ, vững vàng trong mọi tình huống. Các đơn vị Quân tình nguyện và Đoàn Chuyên gia quân sự Quân khu 7 hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, rút về nước.
Tháng 7-1988, đồng chí được bổ nhiệm Tư lệnh Quân khu 4 tại chiến trường Campuchia. Tháng 10-1989, đồng chí được chỉ định làm Phó Trưởng Đoàn Chuyên gia Quân sự Quân khu 4 tại Campuchia. Từ năm 1992, đồng chí là Chuyên viên Quân khu 7 phụ trách công tác biên giới.
Năm 1993, đồng chí nghỉ hưu theo chế độ. Ngày 26-3-2011, đồng chí đã qua đời do tuổi cao sức yếu. Ghi nhận công lao của đồng chí Trần Đối, Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (1978); Huân chương Độc lập hạng Nhì; 2 Huân chương Quân công hạng Nhì, Ba; 2 Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhì, Ba; 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì; 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì, Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.