Đây là chương trình nhằm hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động và triển khai Tháng cao điểm "Vì người nghèo" (17/10 – 18/11). Chương trình diễn ra tại hai điểm cầu: Cung Văn hoá hữu nghị Hà Nội và Nhà hát Hoà Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự Chương trình có các đồng chí: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo các Ban, bộ ngành và đoàn thể Trung ương, các địa phương…
Chương trình hướng đến việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, hành động của các tổ chức, cơ quan, đơn vị và toàn xã hội về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững thông qua phát động triển khai phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; tôn vinh những tấm lòng nhân ái đã chăm lo, giúp đỡ ủng hộ cho người nghèo giúp họ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Thông qua Chương trình, vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế đăng ký, ủng hộ, nhằm góp phần tạo ra nguồn lực chăm lo cho người nghèo, thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững.
Điểm lại những hoạt động, phong trào hỗ trợ người nghèo trên toàn quốc 17 năm qua, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: hưởng ứng phát động của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, việc ủng hộ người nghèo vươn lên thoát nghèo đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn xã hội. Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã tiếp nhận được hơn 13 ngàn tỷ đồng; Chương trình an sinh xã hội ở các địa phương tiếp nhận được 36 ngàn tỷ đồng, góp phần xây dựng và sửa chữa hơn 1,4 triệu căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; hàng triệu hộ nghèo được hỗ trợ về vốn và tư liệu sản xuất; hàng chục ngàn công trình dân sinh được sửa chữa; kết quả đó góp phần thiết thực vào thực hiện 02 Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chia sẻ, đất nước ta thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, bão lũ, bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Mỗi cơn bão, lũ đi qua là nhiều nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi, số hộ nghèo đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, nhiều hộ thoát nghèo nay có thể tái nghèo. Ngay tại thời điểm này nhiều địa phương do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn bất thường, tiếp tục gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân.
Phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái của dân tộc ta và kinh nghiệm, kết quả đạt được trong công tác vận động ủng hộ, giúp đỡ người nghèo thời gian qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban vận động “Quỹ vì người nghèo” Trung ương kêu gọi các cấp, các ngành; đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài; các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp; các nhà hảo tâm; các tổ chức quốc tế ở Việt Nam hãy tiếp tục ủng hộ giúp đỡ người nghèo thông qua Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội với tinh thần “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Tại các điểm cầu, thông qua phóng sự, khán giả đến với những câu chuyện về người nghèo ở hai huyện đặc trưng cho 2 vùng miền: huyện Đam Rông (Lâm Đồng) và huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Đây là những nơi người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng hiện nay đã "thay da đổi thịt" do nhận được những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nguồn Quỹ "Vì người nghèo". Khán giả thấy được câu chuyện về những mảnh đời éo le cần được chung tay giúp đỡ, điển hình như gia đình chị Trương Thị Lĩnh, thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh bị ảnh hưởng bởi bão lũ miền Trung có hoàn cảnh rất khó khăn, vợ bệnh tật, chồng thất nghiệp, ba người con đứng trước nguy cơ thất học... Ngay tại chương trình, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam gửi gia đình chị Lĩnh 100 triệu đồng dựng lại căn nhà bị lão lũ làm đổ sập; Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn ủng hộ chi phí cho 3 con của chị tiếp tục đến trường.
Cùng với đó, khán giả được nghe Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - người từng gắn bó nhiều năm với công tác vì người nghèo nhận định về sự thay đổi của các mô hình hỗ trợ người nghèo trên cả nước hiện nay và giải pháp để giúp người dân thoát nghèo hiệu quả; đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nói về một số mô hình thoát nghèo nông dân; giao lưu với ca sĩ Lê Quyên về những chương trình giảm nghèo của văn nghệ sĩ; nhóm tín dụng vi mô Đồng Tâm (Sóc Trăng) về sáng kiến hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo, đào tạo nghề, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; gặp gỡ anh Nguyễn Văn Tuấn, đại diện Hợp tác xã dịch vụ, sản xuất, chế tạo công cụ máy nông nghiệp Thành Ngân thuộc huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn - người nông dân đầu tiên cải tiến, chế tạo thành công máy cào cỏ vun ngô có tính năng ưu việt, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên trong hợp tác xã...
Chương trình chia sẻ những câu chuyện giản dị, mộc mạc của cụ già neo đơn; em nhỏ mong được đến trường; bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; thanh niên khuyết tật nói lên những mong muốn của họ trong cuộc sống... Những mảnh đời, những số phận mang tới khán giả thông điệp: "Đừng để người nghèo bị bỏ lại phía sau. Hãy chung tay vì người nghèo bằng những hành động nhỏ nhất để xã hội ngày một phát triển".
Song song với chương trình, Ban Tổ chức đã trưng bày các gian hàng giới thiệu các sản phẩm của người nghèo tại điểm cầu Hà Nội và khu Hội chợ giới thiệu các các phẩm của người nghèo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát động cả nước hưởng ứng chung tay vì người nghèo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Ngay sau khi đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ đói nghèo là một trong ba thứ giặc phải phòng chống, diệt trừ (giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm). Tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 10/01/1946, Hồ Chủ tịch đã nhấn mạnh: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Trong suốt 72 năm qua, xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Đây là một chủ trương lớn, mang tính nhân văn sâu sắc, luôn được xác định là một chủ trương lớn, là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những năm qua, mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Nhà nước luôn ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác xóa đói, giảm nghèo. Từ năm 1992 đến nay, mỗi năm ngân sách nhà nước đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cũng như lồng ghép, thông qua các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Cùng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo của chúng ta còn nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất to lớn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các quốc gia, tổ chức quốc tế…Bên cạnh những thành tựu, kết quả đã đạt được, công tác giảm nghèo vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Cả nước hiện vẫn còn hơn 1,9 triệu hộ nghèo và hơn 1,3 triệu hộ cận nghèo, tập trung ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và cũng là những địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng bởi của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Trong mấy ngày qua, cả nước đã hướng về Nhân dân các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, nơi bị mưa lũ lớn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trong đó, có rất nhiều hộ đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, nhiều hộ thoát nghèo nay có thể tái nghèo. Đó là đồng bào của chúng ta! Chúng ta phải tiếp tục chia sẻ, động viên và giúp đỡ họ.
Hiện nay, Việt Nam còn trên 3 triệu hộ nghèo và cận nghèo. Đảng, Nhà nước đã đề ra phấn đấu mỗi năm giảm 1%-1,5% hộ nghèo và sớm hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững về giảm nghèo theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết. Đây là việc làm rất khó khăn, nhưng giàu tính nhân văn, vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu của phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc Nhà nước tiếp tục ưu tiên nguồn lực và sự nỗ lực vươn lên của bản thân người nghèo, rất cần có sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng Chính phủ kêu gọi: ''Nghĩ đến đồng bào với những khó khăn, nhọc nhằn trong cuộc sống, mỗi người chúng ta phải làm hết sức mình để quyết tâm đưa đất nước thoát ''bẫy" trung bình, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Trong giờ phút này. Tôi xin kêu gọi cả nước chung tay vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau'' .
Tại chương trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu đã thể hiện sự chung tay vì người nghèo và cam kết sẽ hỗ trợ người nghèo, đảm bảo phát triển bền vững; nhắn tin hưởng ứng đợt vận động nhắn tin ủng hộ Vì người nghèo Việt Nam 2017, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức trên Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400 theo phương thức soạn VNN và gửi vào số 1408, mỗi tin nhắn sẽ ủng hộ người nghèo 20.000 đồng.
Tại Chương trình, Ban Tổ chức đã công bố các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ cho người nghèo thông qua các chương trình an sinh xã hội và tiền mặt hơn 264 tỷ đồng…/.
Nguồn: dangcongsan.vn