Ngày 07/4/1972, Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng và trở thành thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Vùng giải phóng được mở rộng là một thuận lợi lớn cho việc xây dựng căn cứ. Để phù hợp với tình hình mới có lợi cho cách mạng miền Nam, Bộ Chỉ huy Miền đã dời từ huyện Dương Minh Châu về căn cứ Tà Thiết.
Khu căn cứ được xây từ năm 1973, có diện tích 16km2 bao gồm: nhà ở và nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như Trần Văn Trà, Nguyễn Thị Định, Lê Đức Anh và các hạng mục: Bếp Hoàng Cầm, Hầm Giao ban, nhà Chính ủy, Hội trường… Nhà và các hạng mục đều được xây dựng theo lối nửa chìm nừa nổi, cột, kèo làm bằng cây rừng, mái lợp lá trung quân, nép mình dưới những tán cây lớn và những bụi le đan cài chằng chịt nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng, thuận tiện, an toàn trong sinh hoạt của các đồng chí lãnh đạo.
Tại Căn cứ Quân ủy - Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã diễn ra các sự kiện trọng đại: Nơi đón tiếp các phái đoàn cao cấp của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, Trung ương Cục để bàn kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang, triển khai các phương án tác chiến, các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương. Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ quá trình hình thành và phát triển các căn cứ của Bộ Chỉ huy Miền trong cuộc chiến tranh chống Mỹ là một trong những đóng góp thiết thực vào kho tàng tri thức quân sự của ông cha ta và của Quân đội ta trong quá trình giữ nước.
Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã chỉ đạo, đóng góp nhiều chiến công trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, tiêu biểu như một số trận đánh, chiến dịch: Tiêu diệt yếu khu Bù Bông - chi khu Kiến Đức năm 1973, mở rộng hành lang vận chuyển chiến lược đường Trường Sơn vào Nam Bộ; Trực tiếp chỉ đạo đánh tổng kho xăng dầu Nhà Bè “dạ dày chiến tranh” lớn nhất của địch ở miền Nam vào tháng 11/1973; chỉ đạo Chiến dịch Tây Bến Cát tháng 5/1974; Giải phóng đường 14 - Phước Long, tạo thế, tạo lực mới cho cách mạng miền Nam, củng cố kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam; Tiếp tục chỉ đạo, chỉ huy nhằm tạo thế, tạo lực và tạo thế trận cho chiến dịch cuối cùng giải phóng Sài Gòn - Gia Định và hoàn toàn miền Nam; Phối hợp chỉ đạo tiến công tuyến phòng thủ Xuân Lộc - Long Khánh đầu tháng 4/1975.
Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử Căn cứ Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt năm 2015.
Khi chiến dịch sắp mở màn, để trực tiếp chỉ huy chiến dịch ngay từ đầu, sát với tình hình tác chiến, Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh ở căn cứ Tà Thiết – Lộc Ninh đã được Bộ Chính trị quyết định chuyển tới căn cứ tiền phương sát với chiến trường hơn và chọn Căm Xe (xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) làm Sở Chỉ huy. Nơi đây đã diễn ra các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh.
17 giờ ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu. Căn cứ Căm Xe đã chứng kiến những giờ phút sôi động nhất, khi các cánh quân “thần tốc” của ta hàng ngày báo cáo những thắng lợi giòn giã, diễn biến của chiến dịch cho Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh cho tới khi thắng lợi hoàn toàn. Với vị trí chiến lược quan trọng, Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh đã phản ánh sự lãnh đạo, chỉ huy đúng đắn, trực tiếp và sáng tạo của Trung ương Cục, Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh trong mùa Xuân 1975 lịch sử.
Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh ở căn cứ Căm Xe, thuộc tỉnh Bình Dương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của Bộ Chính trị giao, lãnh đạo, chỉ đạo giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Với những giá trị lịch sử to lớn, ngày 11/5/2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia đối với Di tích Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh.