Sởi là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do virus sởi thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Trẻ mắc bệnh thường sốt, ho, có nốt phát ban, mắt đỏ, chảy nước mũi... có thể gây biến chứng viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm não.
Gia đình cần cách ly trẻ mắc bệnh sởi tại phòng riêng sạch sẽ, thông thoáng, tránh gió lùa. Trẻ sốt cao trên 38,5 độ C nên cho uống thuốc hạ sốt, không tự ý cho con sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Sởi không có thuốc điều trị chuyên biệt, trẻ có thể uống thuốc theo tư vấn của bác sĩ chuyên môn để điều trị triệu chứng. Chăm sóc đúng cách giúp trẻ mau phục hồi.
Gia đình lưu ý cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tăng cường thực phẩm giàu vitamin, nhất là vitamin A nhằm nâng cao sức đề kháng. Trẻ nên uống nhiều nước hoa quả, chanh mật ong... Trẻ ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa bột... Nếu trẻ đang trong độ tuổi bú mẹ thì tiếp tục duy trì để tăng sức đề kháng. Với trẻ đang ăn dặm, ba mẹ cần bổ sung thêm vào thực đơn thực phẩm giàu protein, caroten như: Táo, cà rốt, lê, đào, rau chân vịt. Trẻ cần được làm sạch cơ thể hàng ngày, rửa tay chân, mặt bằng xà phòng diệt khuẩn, nhỏ mắt và mũi bằng nước muối. Nếu trời mưa lạnh, phụ huynh dùng nước ấm để tránh trẻ bị cảm lạnh.
Dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, thường xuyên khử trùng các đồ vật xung quanh trẻ như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, bàn ghế... bằng dung dịch khử khuẩn chuyên dụng.
Dù trẻ đã tiêm vaccine, phụ huynh cũng cần chủ động phòng, ngừa bằng cách hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người. Trẻ cần tránh xa những khu vực thông báo dịch hoặc có nhiều người mắc bệnh, đeo khẩu trang khi ra ngoài.