Dự hội thảo có Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng; Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và các đồng chí lão thành cách mạng, Anh hùng LLVT Nhân dân.
Các đại biểu dự tại điểm cầu Bộ Tư lệnh Quân khu 7.
Cách đây 60 năm, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định thành lập Đoàn 759 (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2 – Quân chủng Hải quân) làm nhiệm vụ mở tuyến vận tải chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển, chi viện cho chiến trường miền Nam. Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển đã tạo nên nét đặc sắc, sáng tạo của đường lối chiến tranh Nhân dân, thể hiện tư duy, tầm nhìn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; trí tuệ, ý chí quyết chiến, quyết thắng và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Quá trình xây dựng, phát triển Đường Hồ Chí Minh trên biển trải qua nhiều giai đoạn, gắn liền với các thời kỳ phát triển của cách mạng miền Nam. Cán bộ, chiến sĩ "Đoàn tàu không số" đã vượt qua sóng to, gió lớn của biển cả, sự bao vây, lùng sục gắt gao, đánh phá ác liệt của kẻ thù, mưu trí, sáng tạo tìm ra mọi phương thức vận chuyển hiệu quả như: Địch phong tỏa biển gần, đường trong, ta đi biển xa đường ngoài; địch phong tỏa theo tuyến biển dài, ta đi phân đoạn; địch ngăn chặn tuyến này, bến này, ta mở ra tuyến khác, bến khác...Đồng thời tổ chức tiếp nhận, hoán cải phương tiện, kết hợp với ngụy trang, nghi binh, trà trộn vào các tàu, thuyền đánh cá của ngư dân, giữ bí mật, bất ngờ để vào bến nhanh, quay vòng tăng chuyến, bảo đảm an toàn hiệu quả.
Từ chỗ chỉ có tàu gỗ, tải trọng thấp, hoạt động ven bờ, Đoàn đã phát triển lên thành những đội tàu vỏ sắt, tải trọng lớn, hoạt động xa bờ, dài ngày, có trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của nhiệm vụ vận tải chi viện chiến lược bằng đường biển.
Trong suốt 14 năm (1961 - 1975), Đường Hồ Chí Minh trên biển đã tổ chức 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển 152.876 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh, 80.026 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam; chiến đấu hàng trăm trận với máy bay, tàu chiến Mỹ - ngụy; góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại các chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến tranh cục bộ", "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ, giải phóng Trường Sa và một số đảo trên vùng biển miền Trung và Tây Nam Tổ quốc, làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7 phát biểu tại hội thảo.
Các ý kiến tham luận tại hội thảo đã đi sâu phân tích, luận giải từng nội dung cụ thể, cung cấp nhiều tư liệu quý về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy; những gian khó, hy sinh mất mát của quân và dân ta; khẳng định và tôn vinh những cống hiến của Nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc, góp phần làm nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Thành công của hội thảo không chỉ khẳng định giá trị lịch sử to lớn của Đường Hồ Chí Minh trên biển đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà thông qua đó, nêu lên những bài học kinh nghiệm, bài học lịch sử nhằm tiếp tục nghiên cứu, vận dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới; góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng là lực lượng nòng cốt thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.