(QK7 Online) - Với cách đánh luồn sâu, đánh hiểm, đánh trúng yếu huyệt và cơ quan đầu não đối phương, hai tiếng “đặc công” luôn nhuốm đầy màu sắc huyền thoại. Dù trong thời chiến hay thời bình, người chiến sĩ đặc công luôn là lực lượng “đặc biệt tinh nhuệ” - “xuất quỷ, nhập thần, luồn sâu, đánh hiểm”.
Trên thao trường huấn luyện của Tiểu đoàn 60 - Bộ Tham mưu Quân khu 7, các chiến sĩ đặc công bộ đang thực hành nội dung “vượt chướng ngại vật”. Đó là các loại kẽm gai nhiều tầng, nhiều lớp như: rào bùng nhùng, rào mái nhà, rào chống B40 và cả hàng rào điện tử. Trong chiến tranh, bên dưới những lớp rào này, địch bố trí các bãi mìn dày đặc với các loại mìn như claymore, con cóc, mìn râu, mìn lá... nhiều tầm sát thương. Người lính phải biết vận dụng đủ giác quan, từ xúc giác của tay để sờ, khứu giác để ngửi, thính giác, thị giác để quan sát, nghe ngóng, phán đoán và cả... giác quan thứ sáu để thoát hiểm. Đó là phương châm thuộc nằm lòng “tai nghe, mắt thấy, tay sờ, chân đến và đoán đúng” của chiến sĩ đặc công. Khi đêm xuống, một tổ đặc công trườn người sát đất, vô hiệu hóa các loại mìn, chui sâu vào hang ổ kẻ thù, giữa hàng rào lính địch tuần tra, canh gác dày đặc. Và khi thời cơ đến, chỉ cần một lượng nổ cần thiết, một lô cốt kiên cố của địch cũng bị “thổi bay”.
Chiến sĩ thực hành nội dung vượt rào. Ảnh: Tuấn Anh
Một khối đá đen kịt… Lẫn trong khối đá đó, hai chiến sĩ đặc công đang ẩn mình tiếp cận mục tiêu. Đây là kỹ thuật ngụy trang đến mức tài tình của bộ đội đặc công. Trong bóng tối, người chiến sĩ đặc công cởi trần, chỉ mặc một cái quần cộc, bôi màu cho giống với màu đất, màu cỏ, hoặc lợi dụng địa hình, địa vật để che giấu. Khi địch rọi đèn pha, lợi dụng sự phản xạ của mắt đối với ánh sáng và bóng tối, hoặc lúc hai luồng quét giao nhau, mà chiến sĩ đặc công có thể nằm im hay vận động xâm nhập.
Chiến sĩ đặc công là bậc thầy về ngụy trang. Ảnh: Tuấn Anh
Chiến sĩ đặc công là bậc thầy về ngụy trang. Ảnh: Tuấn Anh
Chiến sĩ đặc công là bậc thầy về ngụy trang. Ảnh: Tuấn Anh
Chiến sĩ đặc công là bậc thầy về ngụy trang. Ảnh: Tuấn Anh
Đối với chiến sĩ đặc công, để trở thành bậc thầy về kỹ thuật ngụy trang, họ phải khổ luyện một cách nghiêm túc. Bởi trong thực tế chiến đấu, khi tiếp cận mục tiêu, họ phải giấu mình hàng giờ liền, thậm chí nhiều ngày liên tục trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của thời tiết, địa hình và đối mặt với hiểm nguy như rắn rết, côn trùng, thú dữ v.v…
Đại úy Nguyễn Văn Thọ, Phó đại đội trưởng Đại đội xung lực
hướng dẫn kỹ thuật ngụy trang. Ảnh: Tuấn Anh
Thiếu tá Phạm Tân Thắng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 60 cho biết: Để nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, trong thời gian qua, tiểu đoàn thường xuyên chú trọng huấn luyện thể lực, rèn luyện phản ứng đặc biệt tinh nhạy và những kỹ, chiến thuật đặc biệt cho cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh huấn luyện các nội dung truyền thống, đơn vị có sự đổi mới, tiếp cận những kiến thức, trình độ kỹ - chiến thuật hiện đại để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Khổ luyện mới thành tài, miệt mài mới thành giỏi. Cái tài và giỏi của người chiến sĩ đặc công là nhờ vào sự khổ luyện. Với các binh chủng khác, vũ khí ngày càng hiện đại, nhưng với những người lính đặc công, phương tiện chiến đấu lại luôn đơn giản như tiểu liên, lựu đạn, thủ pháo, dao găm… cộng một ý chí và bản lĩnh thép đã tạo nên một cách đánh táo bạo, bất ngờ và vô cùng hiệu quả - cách đánh “nở hoa trong lòng địch” mãi mãi là nỗi khiếp sợ của bất kỳ kẻ thù nào. Dù quá khứ hay hiện tại, hai tiếng “đặc công” luôn là niềm kiêu hãnh của Quân đội ta về một binh chủng “đặc biệt tinh nhuệ” và anh dũng tuyệt vời.
Thu Cúc