Các lực lượng tuần tra đêm trên tuyến biên giới tỉnh Bình Phước. Ảnh: CTV
Vành đai chặn dịch an toàn
Huyện Chơn Thành tiếp giáp với tỉnh Bình Dương-nơi dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, nguy cơ lây lan sang địa phương là rất cao. Nhận rõ vấn đề này, Ban CHQS huyện Chơn Thành chủ động phối hợp với các ban, ngành tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai 5 chốt kiểm soát dịch cấp huyện tại các tuyến đường chính. Ban CHQS các xã, thị trấn tổ chức nhiều chốt kiểm dịch tại các đường phụ, đường mòn, lối tắt. Các chốt đều tổ chức trực 24/24 giờ kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện qua lại.
Xây dựng vành đai chặn dịch, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước phối hợp các ban, ngành triển khai thành lập 107 chốt liên ngành trên tuyến biên giới và 423 chốt nội địa ở địa bàn giáp ranh giữa các huyện, xã và các khu công nghiệp, nhà máy, khu chợ, siêu thị, khu đông dân cư để kiểm soát dịch; hướng dẫn Nhân dân thực hiện 5K, giãn cách xã hội cũng như các biện pháp PCD ở các địa bàn, nhất là những nơi có nguy cơ cao.
Theo Thượng tá Bùi Ngọc Phương, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Chơn Thành: Nhằm xây dựng vững chắc vành đai bảo vệ “vùng xanh”, đơn vị đang phối hợp với các lực lượng tiếp tục khảo sát thiết lập thêm 4 chốt kiểm soát chặt chẽ mọi đường ra vào địa bàn, kết hợp tuần tra lưu động. Bên cạnh đó, Ban CHQS huyện chỉ đạo các đơn vị cơ sở phối hợp các ban, ngành thành lập các tổ Covid-19 cộng đồng, tổ tự quản bảo vệ “vùng xanh”, “tổ bảo vệ an ninh” tại các xóm, ấp, khu phố, các điểm giao nhận, hàng hóa trên địa bàn...
Đồng chí Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đánh giá: “Các chốt kiểm dịch, tổ PCD ở cơ sở hoạt động rất trách nhiệm, tích cực, hiệu quả giúp cấp ủy, chính quyền địa phương nắm chắc địa bàn, đề ra các biện phát sát thực, giải quyết tốt các tình huống, khó khăn phát sinh tại cơ sở trong PCD. Vì thế, các tình huống an sinh xã hội, thực hiện giãn cách, 5K, chỉ đạo chung chung thiếu thực tiễn của một số địa phương đã được xử lý tốt, qua đó tạo đồng thuận cao trong Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, biện pháp PCD của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh. Đến nay, tỉnh Bình Phước ghi nhận các ca mắc Covid-19 chủ yếu là các trường hợp từ các địa phương khác đến đã được các lực lượng kiểm dịch phát hiện kịp thời chặn nguồn lây trong cộng đồng”.
Xóa xã “vùng vàng”, tập trung điều trị tại tuyến cơ sở
Xã Tân Thành là một trong hai xã thuộc diện “vùng vàng” của thành phố Đồng Xoài. Để xóa “vùng vàng”, các ngành chức năng địa phương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng 3 lần theo quy định nhằm khoanh vùng nguy cơ cao, kịp thời sàng lọc phát hiện các trường hợp mắc Covid-19 ra khỏi cộng đồng. Thành phố Đồng Xoài thành lập 10 đội lấy mẫu cho hơn 10.000 lượt mẫu (mỗi người trong gia đình được lấy 3 lần vào 3 thời điểm). Kết quả 100% mẫu lấy xét nghiệm đều có kết quả âm tính. Đến nay, qua 14 ngày, xã Tân Thành không ghi nhận ca nhiễm mới.
Đó là một trong số nhiều xã, thị trấn “vùng vàng”, “vùng đỏ” của Bình Phước được thu hẹp chuyển thành “vùng xanh”. Thực hiện mục tiêu xanh hóa toàn tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức đánh giá đúng tình hình, xác định rõ phạm vi “vùng xanh”, “vùng đỏ”, “vùng vàng” để tiếp tục thực hiện các biện pháp PCD, giãn cách xã hội phù hợp. Trong quá trình thực hiện, các địa phương “vùng xanh” hỗ trợ các xã, thị trấn “vùng vàng” về nhân lực, lương thực, thực phẩm thiết yếu, vật tư thiết bị y tế, tạo sức mạnh tổng hợp xóa “vùng đỏ”.
Ngoài nỗ lực bảo vệ “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng vàng”, tỉnh Bình Phước đặc biệt chú ý tăng cường công tác điều trị Covid-19 tại tuyến cơ sở, nơi có nhiều bệnh nhân ở “tầng 1” và “tầng 2”. Các bệnh viện dã chiến tại “tầng 1”, “tầng 2” đều được trang bị đầy đủ vật tư, thiết bị y tế, từ máy siêu âm, máy X-quang, máy thở, bình oxy bảo đảm chất lượng, kịp thời can thiệp điều trị bệnh nhân trong mọi tình huống diễn biến xấu, chuyển nặng trước khi chuyển lên tuyến trên. Đây là biện pháp quan trọng nhằm không để các ca tại cơ sở chuyển nặng, giảm áp lực cho tuyến trên - “tầng 3”, nâng cao chất lượng điều trị. Vì vậy, Bình Phước chữa khỏi cho 204 ca, không có ca nguy kịch, chuyển nặng. Kinh nghiệm, biện pháp PCD của tỉnh Bình Phước được Ban chỉ đạo quốc gia PCD Covid-19 biểu dương, đánh giá cao và được nhiều các địa phương học tập, rút kinh nghiệm.