(QK7 Online) - Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đến nay đã 153 năm (1864 - 2017). Trải qua bao thăng trầm lịch sử, biến thiên của thời cuộc với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng “Nhà Rồng” chỉ có ý nghĩa và mọi người biết đến nhiều nhất khi nó trở thành “Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” và trở thành Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh.
Khách đến tham quan bảo tàng
Từ ngày mở cửa (2/9/1979), đến nay Bảo tàng đã đón tiếp và phục vụ hàng chục triệu lượt khách trong và ngoài nước, trở thành một chỉ đỏ của thành phố Hồ Chí Minh, nơi hội tụ của muôn vạn tấm lòng, thể hiện sự ngưỡng mộ tôn kính đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Độ lùi của lịch sử càng xa thì sự vĩ đại của Bác càng thêm rạng rỡ, với một niềm tin, sức mạnh và độ bền vĩnh cửu của thời gian. Bởi, như nhạc sĩ Thuận Yến đã từng ngợi ca “Người là tình yêu bao la, là niềm tin tất thắng” của triệu con tim yêu trên dải đất hình S này.
Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong không gian theo đúng quy mô kiến trúc nguyên bản của tòa nhà xưa. Nhưng lại là một trong những bảo tàng có tư lệu, hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ và một lượng khách tham đến quan vào loại đông nhất nhì của thành phố. Được vậy có nhiều nguyên nhân, mà một trong những nguyên nhân sâu sa nhất chính là, mọi người muốn được tận mắt thấy một di tích lịch sử qua hàng trăm năm còn hiện hữu của một vĩ nhân trong ngày đầu tiên bước xuống tàu buôn Amiral Latouche Tréville ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước, để giải phóng dân tộc mình thoát khỏi xiềng gông nô lệ của chủ nghĩa tư bản, thực dân xâm lược.
Giám đốc Bảo tàng Lưu Thị Tuyết Trinh cho biết: Hiện nay Bảo tàng có gần 50 cán bộ, nhân viên, trong đó có chín hướng dẫn viên (thuyết trình viên). Thường thì quanh năm lúc nào cũng có khách tham quan, nhưng tập trung nhiều nhất là vào các dịp như tết nguyên đán, kỷ niệm chiến thắng (30/4), ngày sinh Bác Hồ (19/5), ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6), Quốc khánh (2/9) và dịp hè của học sinh. Những dịp như vậy, tuy bận rộn hơn rất nhiều ngày thường, nhưng mọi người, nhất là hướng dẫn viên ai nấy đều vui tươi, phấn khởi vì coi đó như một niềm vinh hạnh cho cái nghề của mình được tiếp đón, phục vụ khách thập phương đến với bảo tàng.
Được sự quan tâm của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố và cơ quan chuyên ngành các cấp nên ngoài việc không ngừng liên hệ, thông tin sưu tầm, bảo tàng còn được rất nhiều tập thể, cá nhân hiến tặng tư liệu, hiện vật, trong đó có nhiều tư liệu, hiện vật lần đầu được công bố thể hiện sự trân trọng ngưỡng mộ của đồng bào trong nước cũng như Việt kiều khắp nơi trên thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nay bảo tàng có hơn 11.000 tư liệu, hiện vật, hơn 3.000 đầu sách chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, bảo tàng cũng đã ứng dụng kỹ thuật số trong quản lý, điều hành về công tác nghiệp vụ nên mọi công việc chuyên môn đều được thực hiện chuẩn xác, khoa học, hiệu quả. Ngoài ra, xung quanh công viên bảo tàng luôn được chỉnh trang, tu sửa, từng mảng xanh, vườn hoa cây cảnh được bài trí hài hòa, trang nghiêm thoáng đãng, tạo ấn tượng sâu sắc, cảm giác thân thiện cho mọi người.
Hiện Bảo tàng có 5 khu trưng bày theo các thời kỳ lịch sử khác nhau thể hiện cuộc sống từ thời niên thiếu, lớn lên nung nấu ý chí dấn thân vào con đường hoạt động đến khi tiếp cận được với Chủ nghĩa Mác-Lênin; là con đường 30 năm nơi chân trời góc bể đi tìm chân lý. Và lòng ta không tự hào sao được, khi Người trở về nước khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước nhà. Rồi những năm tháng cùng Trung ương chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ xây dựng miền Bắc XHCN, đấu tranh thống nhất nước nhà.
Từ Nguyễn Sinh Cung cho đến khi trở thành Chủ tịch nước, lãnh tụ Đảng ta, cuộc đời của Bác là một cuộc hành trình không một ngày ngưng nghỉ. Sự vĩ đại ở Bác không phải là ở những điều lớn, thần thánh xa vời, mà chính là những điều bình thường giản dị nhất trong cuộc sống hàng ngày.
Với cách thể hiện công phu, khoa học, phong phú về nội dung và trang nhã về hình thức, lại được phối hợp của nhiều yếu tố, trong đó có kỹ năng truyền thụ hấp dẫn của hướng dẫn viên nên Bảo tàng hầu như lúc nào cũng đông khách.
Một trong những điểm nhấn của Bảo tàng là, đã nhanh nhạy, năng động, nắm bắt kịp thời nhu cầu chủ đề phục vụ, luôn phát hiện tìm tòi, đổi mới phương pháp truyền đạt cho từng đối tượng tham quan.
Hướng dẫn viên bảo tàng Phan Quế Huỳnh cho biết: Với đối tượng học sinh, sinh viên dù cùng một chủ đề tuyên truyền nhưng không thể vận dụng cách truyền đạt giống với các cựu chiến binh, cán bộ hưu trí được. Cái gì mọi người đã biết, nhưng biết chưa sâu, và điều gì chưa biết, hoặc chưa từng nghe, mỗi đối tượng có đặc thù nhận thức khác nhau. Ở bảo tàng có nhiều tranh ảnh, tài liệu, bút tích và hiện vật, có cái cụ thể, có cái trừu tượng, có cái mô phỏng… nên đòi hỏi hướng dẫn viên ngoài đam mê, yêu nghề, vượt khó còn phải không ngừng tự học, tự rèn kể cả ngoại ngữ thì mới đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ.
Hữu Mạo