Hình minh họa
Đồng Nai rà soát các khu tái định cư cho dự án mở rộng 4 tỉnh lộ kết nối sân bay Long Thành
Theo báo Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà đã yêu cầu UBND các huyện: Long Thành, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Định Quán, Xuân Lộc và thành phố Long Khánh rà soát, báo cáo tình hình triển khai thực hiện các khu tái định cư trên địa bàn phục vụ công tác tái định cư cho 4 dự án giao thông kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, các địa phương rà soát, báo cáo tình hình triển khai các khu tái định cư phục vụ các dự án đường tỉnh: 769, 769E, 770B và 773 đảm bảo việc bố trí nơi ở mới cho người dân bị giải tỏa theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.
Đồng thời, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện từng hạng mục, công việc cụ thể, từ bước đo vẽ bản đồ thu hồi đất, thông báo thu hồi đất, kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất và tài sản trên đất, định giá đất… các dự án nói trên và các khu đất khai thác lợi thế vùng phụ cận.
Sắp xếp bộ máy: Giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức
Theo Quyết định 73 của Bộ Nội vụ về việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025, sẽ giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức theo phương án sắp xếp tinh gọn bộ máy tại Nghị định 178/2024.
Cụ thể, tại chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động của Bộ Nội vụ theo Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Nội vụ năm 2025, Bộ trưởng Bộ Nội vụ yêu cầu hoàn thành việc xây dựng tiêu chí, quy chế đánh giá và thực hiện rà soát, sàng lọc công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước để giảm biên chế theo phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ phù hợp với lộ trình thực hiện chính sách quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Cây cầu gần 2.000 tỷ nối TP.HCM với Đồng Nai sắp hợp long
Sau gần 2,5 năm thi công, dự án thành phần 1A, bao gồm cầu Nhơn Trạch và đường hai đầu cầu, có tổng chiều dài 8,22km (Đồng Nai 6,3km và TPHCM 1,92km) và vốn đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng, đã đạt 87% khối lượng công việc. Riêng cầu Nhơn Trạch có vốn đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, gói thầu cầu Nhơn Trạch dài 2,6km đã đạt khoảng 94% tiến độ. Phần cầu dẫn phía bờ Đồng Nai và TP.HCM đã hoàn thành kết cấu phần dưới, hiện đang thi công mặt cầu. Ngày 9/3, cầu sẽ hợp long nhịp biên, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa TP.HCM và Đồng Nai.
Sau khi hợp long, cầu Nhơn Trạch sẽ tiếp tục các công đoạn căng cáp ngoài, thi công parapet, thảm bê tông nhựa và hoàn thiện các hạng mục an toàn giao thông để đảm bảo thông xe đúng tiến độ. Hiện nay, các công nhân đang tập trung thi công lắp đặt cốt thép mặt cầu và đổ bê tông lan can cầu.
Khi hoàn thành, cây cầu sẽ giúp rút ngắn quãng đường từ huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đến Bình Dương và trung tâm TP.HCM, giảm áp lực giao thông lên các tuyến đường như Quốc lộ 1A, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đồng thời, công trình này sẽ góp phần quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa TP.HCM với sân bay Long Thành và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ.
3 cây cầu gần 48.000 tỷ đồng vượt sông Hồng sẽ được xây dựng ngay trong năm nay
Sáng 25/2, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công của TP, trong đó có 3 cây cầu Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi và Tứ Liên.
Đây được xem là một trong những chương trình đầu tư hạ tầng trọng điểm nhằm hiện đại hóa hệ thống giao thông đô thị và cải thiện kết nối giữa các khu vực ven sông Hồng.
Theo kế hoạch, ba cây cầu này sẽ được xây dựng sau quá trình nghiên cứu khả thi và tham vấn ý kiến của các chuyên gia, với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của người dân và lưu thông hàng hóa trong nội đô thị cũng như liên vùng. Các cây cầu dự kiến sẽ góp phần mở rộng mạng lưới giao thông, kết nối các quận, huyện ven sông và kích thích phát triển kinh tế – xã hội của khu vực.
Cụ thể, cầu Trần Hưng Đạo có chiều dài khoảng 5,6km, điểm đầu tại khu vực đường Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm), điểm cuối kết nối với phố Vũ Đức Thuận (quận Long Biên).
Cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng có kết cấu vòm gồm 6 nhịp, rộng 43m, đảm bảo 6 làn xe cơ giới. Đường dẫn hai đầu cầu rộng khoảng 30m, với tổng chiều dài khoảng 2,25km. UBND TP Hà Nội dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo khoảng 15.967 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2025-2027.
Hoàng An