Hình minh họa
Đồng Nai có thêm 672ha đất cụm công nghiệp
Thông tin từ báo Đồng Nai, theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai có 31 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích khoảng 1.874ha.
Trong đó, có 20/27 CCN đã được quy hoạch giai đoạn 2013-2020 tiếp tục triển khai với tổng diện tích khoảng 1.202ha; bổ sung vào quy hoạch 11 CCN với tổng diện tích khoảng 672ha.
Tính đến hết năm 2024, có 5 CCN đã được cấp quyết định thành lập, được phê duyệt thủ tục đánh giá tác động môi trường, hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và có doanh nghiệp hoặc đang thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Nhiều CCN địa phương đang mời gọi đầu tư hạ tầng, làm thủ tục thành lập.
Việc phát triển CCN tại các địa phương là để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động, nhất là lao động nông thôn. Đồng thời, tạo quỹ đất sạch, có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về môi trường cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vừa và nhỏ; thực hiện việc di chuyển các cơ sở sản xuất đang hoạt động rải rác trong khu dân cư vào CCN.
Đồng Nai là một trong những “thủ phủ” công nghiệp ở khu vực phía Nam. Theo thống kê, tỉnh Đồng Nai hiện có 33 khu công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích hơn 10.500 ha. Có 32 khu công nghiệp đang hoạt động, với gần 2.100 doanh nghiệp thuê, tổng diện tích 6.000 ha đất để sản xuất, kinh doanh.
Hà Nội chốt thời điểm khởi công 3 cây cầu vượt sông Hồng trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội, trong năm 2025 dự kiến khởi công 12 dự án. Trong số đó, có 3 cây cầu gồm Cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi, cầu Trần Hưng Đạo dự kiến khởi công vào tháng 5/2025.
Cầu Tứ Liên bắt đầu từ xã Đông Hội, huyện Đông Anh sang đường Nghi Tàm quận Tây Hồ (khu vực khách sạn Thắng Lợi). Cầu có chiều dài toàn tuyến là 11,5km, trong đó cầu chính và đường dẫn 2 đầu cầu dài khoảng 5,5km; đường nối đến cầu trên địa bàn huyện Đông Anh dài khoảng 6km. Tổng mức đầu tư ước tính là 22.000 tỷ đồng. Khi cây cầu này đi vào hoạt động, dự kiến sẽ có nhiều dự án Bất động sản hưởng lợi như: Dự án Eurowindow River Park, Vinhomes Cổ Loa, Imperia Signature Cổ Loa, Masteri Grand Avenue...
Cầu Ngọc Hồi có điểm đầu kết nối với điểm cuối dự án Vành đai 3,5 (đoạn từ Phúc La, Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ), điểm cuối nối với Vành đai 3,5 trên địa phận huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên).
“Bắt mạch” dòng chảy bất động sản Hà Nội trong chu kỳ mới
Xuyên suốt năm 2024, thị trường nhà ở, đặc biệt phân khúc căn hộ để bán tại Hà Nội đã ghi nhận sức quan tâm mạnh mẽ từ phía người mua. Bên cạnh đó,
Trước sự ấm lên của thị trường, nhiều chủ đầu tư trong quý 4/2024 đã mở bán dự án mới sớm hơn dự kiến. Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội nhận định, nhu cầu nhà ở lớn đi kèm nguồn cung lớn được mang tới thị trường trong thời gian vừa qua sẽ khiến lượng giao dịch trong quý 4/2024 tại Hà Nội tiếp tục tăng theo năm.
Cũng trong năm vừa qua, thị trường căn hộ bắt đầu được xem là một loại tài sản tích trữ. Theo bà Hằng, nếu trước đây người mua căn hộ đơn thuần là để ở hoặc đầu tư cho thuê, thì hiện nay họ còn kỳ vọng thêm vào sự tăng giá của căn hộ. Trước những diễn biến tích cực của năm 2024, thị trường Bất động sản Hà Nội cũng như thị trường cả nước vào năm 2025 được kỳ vọng sẽ bước vào chu kỳ phát triển mới. Theo bà Hằng, sau mỗi chu kỳ, thị trường sẽ được nâng cấp và trở nên chuyên nghiệp, đồng bộ hơn so với chu kỳ cũ. Chu kỳ lần này sẽ hướng tới sự phát triển bền vững nhờ những trợ lực mạnh mẽ từ việc hoàn thiện khung pháp lý và các yếu tố tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế vĩ mô.
Thanh Hoá đặt mục tiêu giải phóng mặt bằng 686 dự án trong năm 2025
Theo kế hoạch giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất được ban hành vào đầu tháng 1/2025, trong năm nay toàn tỉnh sẽ thực hiện GPMB cho 686 dự án, với tổng diện tích cần giải phóng là 2.590,7ha. Trong đó có 529 dự án đầu tư công với diện tích cần GPMB là 1.484,9ha và 157 dự án đầu tư của doanh nghiệp với diện tích 1.105,8ha.
Về phân bổ địa bàn, huyện Như Xuân có số dự án nhiều nhất với 58 dự án, tổng diện tích cần GPMB là 840,2ha. Tiếp đến là thị xã Nghi Sơn với 56 dự án, diện tích 256,68ha và huyện Hậu Lộc với 55 dự án, diện tích 107,4ha.
Để đảm bảo tiến độ GPMB, UBND tỉnh yêu cầu các dự án đủ điều kiện phải được UBND các huyện, thị xã, thành phố ký cam kết về tiến độ GPMB với các chủ đầu tư, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bên về tiến độ, kinh phí và sự phối hợp thực hiện. Mục tiêu đặt ra là hoàn thành GPMB 100% dự án trong kế hoạch và phấn đấu hoàn thành GPMB các dự án ngoài kế hoạch có yêu cầu thực hiện trong năm 2025.
Hoàng An