Trung tâm Lưu trữ quốc gia III - một trong bốn Trung tâm Lưu trữ quốc gia của Việt Nam trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Trung tâm có chức năng thu thập, bổ sung, bảo quản an toàn và tổ chức sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ có ý nghĩa toàn quốc từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay. Trong hơn 300 phông tài liệu mà Trung tâm đang lưu trữ, bảo quản có khối tài liệu thuộc phông Ủy ban Thống nhất Chính phủ (UBTNCP), là cơ quan của Chính phủ nhằm liên lạc và gây dựng lại cơ sở cách mạng ở miền Nam sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc và miền Bắc được hoàn toàn giải phóng năm 1954.
Bên cạnh khối tài liệu hành chính, phông UBTNCP có khối hồ sơ, kỷ vật của các cán bộ đi B là cán bộ miền Bắc hoặc cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, từ cuối năm 1959 để tăng cường chi viện cho cách mạng miền Nam, những đơn vị mở đường Trường Sơn được thành lập, các đoàn cán bộ với tinh thần xung phong, thực hiện nhiệm vụ bí mật, quan trọng đã lặng lẽ vượt Trường Sơn vào Nam công tác, chiến đấu (còn gọi là “đi B”). Khi đi, cán bộ chỉ mang theo đồ dùng sinh hoạt cá nhân do UBTNCP cấp phát. Những tư trang, hành lý, tài sản cá nhân và kỷ vật đều gửi lại UBTNCP, gọi là “Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B”. Khi UBTNCP giải tán thì toàn bộ khối hồ sơ, kỷ vật chuyển về cho lưu trữ quốc gia quản lý.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã tiến hành sắp xếp, chỉnh lý khoa học khối tài liệu này, với hơn 55.000 hồ sơ cán bộ đi B từ 89 tỉnh, thành trong cả nước (theo địa giới hành chính giai đoạn 1945-1975), trong đó có 147 cán bộ đi B từ các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia và Thái Lan.

Kỷ vật của bộ đội đi chiến trường miền Nam lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia lll
Đây là một nguồn tài liệu hết sức độc đáo, đa dạng, nguồn tài sản quốc gia, một nguồn sử liệu vô giá nghiên cứu về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam giữa thế kỷ XX gắn với số phận của hàng vạn con người trong hoàn cảnh chiến tranh, đất nước bị chia cắt. Dân tộc Việt Nam với những người con anh hùng, tiếp nối truyền thống cha anh, truyền thống dân tộc, đã không quản ngại khó khăn, sẵn sàng từ bỏ những điều gần gũi, những hạnh phúc đời thường để đến với lý tưởng cao quý, xông pha khói lửa, bom đạn để đạt ước mơ, khát khao về độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước. Sự hy sinh, sự cống hiến của các thế hệ cán bộ ấy đã góp phần to lớn cho công cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tiếp quản, xây dựng nền móng cho một đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội và là nguồn động lực tinh thần, là tấm gương sáng đối với các thế hệ người Việt Nam sau này.
Để các cán bộ đi B biết và sớm nhận lại toàn bộ hồ sơ, kỷ vật của mình, đồng thời góp phần thực hiện chính sách “đền ơn đáp nghĩa”, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc cũng như tuyên truyền, giới thiệu về truyền thống yêu nước, Báo Quân khu 7 phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III mở chuyên mục “Kỷ vật đi B” trên báo in và báo điện tử nhằm đẩy mạnh thông tin, giới thiệu rộng rãi về hồ sơ của cán bộ đi B đến các tầng lớp nhân dân, đến các địa phương.