LTS: Vừa qua, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xét, đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân cho 10 đơn vị thuộc Quân khu 7. Đây là các tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo Quân khu 7 xin lần lượt giới thiệu thành tích của các đơn vị này để quý bạn đọc tiện theo dõi.
(QK7 Online) - Ban Tuyên huấn, Cục chính trị Miền (B2) thành lập ngày 23-10-1961 tại chiến khu Đ (Biên Hòa), gồm 05 cán bộ từ Đoàn Phương Đông và 7 chiến sĩ, do đồng chí Nguyễn Duy Quới làm trưởng ban. Cuối năm 1963, Ban Tuyên huấn, Cục chính trị Miền phát triển thành Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Miền (B2).
Từ chiến công năm xưa...
Phòng Tuyên huấn Miền là một guồng máy gồm nhiều bộ phận hoạt động nhịp nhàng. Đó là bộ phận A1 phụ trách giáo dục, A2 phụ trách tuyên truyền, thi đua, A5 là nhóm “bình xã luận” thường được Cục cử đi giao ban Bộ chỉ huy Miền. Còn A6 là Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng, A4 là báo Quân Giải phóng, B6 là bộ phận Văn công do Nhạc sĩ Xuân Hồng làm trưởng đoàn, B7 là nhà in do đồng chí Ba Bang phụ trách trong điều kiện thiếu vật tư đã sáng chế máy in bằng gỗ, in được cả báo Quân Giải phóng khổ lớn. B8 là xưởng phim Quân Giải phóng do đồng chíTrường Sơn phụ trách thời gian ngắn, sau đó đồng chí Trương Thành Hỷ từ miền Bắc vác máy móc nặng hơn 40 kg về, góp phần cùng anh em xây dựng xưởng phim ngày một lớn mạnh...
Trong các nhiệm vụ chủ yếu của Phòng Tuyên huấn có nhiệm vụ tham gia dự thảo các chỉ thị, thông cáo quân sự, những bài viết mang tên Cửu Long, Nam Hải cho Bộ chỉ huy Miền. Trong tình hình chiến trường khó khăn, năm 1969 phòng còn phục vụ đồng chí Mười Khang (đồng chí Hoàng Văn Thái), Tư lệnh B2, viết bài đăng trên báo đài cả trong Nam lẫn miền Bắc xác định phương châm chiến lược “Tấn công và nổi dậy là quy luật tất yếu của cách mạng miền Nam” đã củng cố tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho cán bộ chiến sĩ.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Tuyên huấn Miền năm 1969
Trong vai trò là cơ quan chủ đạo, hướng dẫn tổ chức xây dựng quyết tâm chiến đấu, giữ vững chính trị, tư tưởng cho bộ đội, quan trọng là những thời điểm gay go, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Phòng Tuyên huấn Miền đã tham mưu, tổ chức quán triệt kịp thời, sâu sắc các chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chỉ huy Miền, nhất là về “phương hướng nhiệm vụ của cách mạng miền Nam”, về “đẩy mạnh đấu tranh chính trị, quân sự đánh bại kế hoạch Stalây-Taylo của đế quốc Mỹ…, chủ trương“đưa nắp hầm bí mật vào tận ấp chiến lược”, phối hợp “nội công, ngoại kích, ba mũi giáp công phá ấp chiến lược” làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” gom dân, lập “ấp chiến lược” của địch (1961 - 1965). Tổ chức quán triệt, học tập Nghị quyết 11, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn.”; giáo dục, xây dựng ý chí, quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ (1965 - 1968), vận động thanh niên nhập ngũ, cuối năm 1964, quân số thường trực chiến đấu ở chiến trường B2 lên gần 70.000 và 117.000 dân quân du kích…;Tham mưu “tổ chức thế trận chiến tranh nhân dân, dù không có dân” khi địch mở cuộc hành quân GianXơn-XiTy vào căn cứ Dương Minh Châu mùa khô 1966-1967; “Miền đông là chiến trường chủ yếu, Sài Gòn Gia Định là chiến trường quyết định, nêu cao ý chí: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Quyết tâm giành thắng lợi quyết định”, góp phần quan trọng tạo nên “Khí thế Mậu Thân” 1968; tổ chức học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Điếu văn và lời kêu gọi của BCH Trung ương Đảng, cử cán bộ hướng dẫn tổ chức lễ truy điệu với Khẩu hiệu: “Cán bộ, chiến sĩ chiến trường B2 nguyện học tập và làm theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, “Biến đau thương thành sức mạnh, dốc hết tinh thần và sức lực đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược” (1969) trở thành niềm tin, ý chí chiến đấu giúp cho quân và dân B2 vượt qua thời khắc khó khăn nhất của cuộc kháng chiến. Với khẩu hiệu “Khí thế như Mậu Thân, diệt to như Điện Biên Phủ, thực hiện Di chúc Bác Hồ, quyết chiến quyết thắng” (1972)… Phòng Tuyên huấn Miền tổ chức uốn nắn ngay những lệch lạc về tư tưởng “xả hơi”, xốc lại ý chí tiến công sau ký kết Hiệp định Pari (1973). Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Phòng Tuyên huấn Miền hướng dẫn các đơn vị quán triệt tư tưởng chỉ đạo: “Cuộc quyết đấu chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà”, với tinh thần: “Tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”, hiệp đồng với bộ đội chủ lực, đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, giải phóng Sài Gòn gần như nguyên vẹn.
Trong chiến tranh ác liệt, Phòng Tuyên huấn Miền đã tổ chức thành công 03 Đại hội Anh hùng Chiến sĩ Thi đua toàn Miền, kịp thời khen thưởng, biểu dương thành tích của cán bộ, chiến sỹ trong chiến đấu; phát động và triển khai nhiều phong trào và danh hiệu thi đua đạt hiệu quả cực kỳ to lớn, biến sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất, góp phần đánh thắng các chiến lược chiến tranh của địch. Hàng trăm đợt thi đua, xây dựng quyết tâm chiến đấu cho bộ đội, như: “Thi đua yêu nước, chống Mỹ”,“Thi đua cùng Ấp Bắc, giết giặc lập công”, toàn miền Nam dấy lên khí thế “Thi đua cùng ấp Bắc” biến thành cao trào phá ấp chiến lược, làm thất bại một bước quan trọng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở Miền Nam. Ban Tuyên huấn Miền chủ động, kiên trì đấu tranh khắc phục tư tưởng, nhận thức lệch lạc “Du kích, đồng bằng quyết định chiến tranh” (1963). Với tinh thần“đi là quyết thắng, đánh là tiêu diệt” “đi là quyết thắng, đánh là dứt điểm” (1964 - 1965) các phong trào thi đua: “Tìm Mỹ mà đánh”, giành các danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”, “Đơn vị anh hùng diệt Mỹ”, “dũng sỹ diệt máy bay”, “dũng sỹ diệt xe tăng”…Khắp chiến trường sôi động khí thế “Tìm Mỹ mà đánh” “thấy Ngụy là diệt”,“Oán nặng, thù sâu thấy Mỹ đâu diệt sạch”, “Bám thắt lưng Mỹ mà đánh”…trở thành khẩu hiệu hành động của LLVT giải phóng Miền Nam…Bộ phận Minh Ngữ phát hàng ngàn bản tin, bài bình luận, chính luận trên Đài phát thanh giải phóng; Báo Quân giải phóng cho ra 272 số thường kỳ, với 430.000 tờ; Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng xuất bản 136 số với hơn 200.000 cuốn; Điện ảnh Quân giải phóng sản xuất 300 bộ phim tài liệu, thời sự, Đoàn Văn công Quân giải phóng xây dựng 18 chương trình, tổ chức hàng ngàn buổi diễn phục vụ bộ đội.
Cán bộ chiến sĩ Phòng Tuyên huấn Miền trực tiếp tham gia nhiều trận chiến đấu bảo vệ căn cứ, nhiều tấm gương hy sinh anh dũng trong chiến đấu, trong thực hiện nhiệm vụ. Chiến dịch Bình Giã (12-1964 đến 7-3-1965) Phòng Tuyên huấn Miền huy động 2/3 quân số, theo sát các đơn vị, trực tiếp tham mưu xây dựng quyết tâm, củng cố ý chí quyết tâm chiến đấu, phát động học tập gương điển hình của: “Đại đội trưởng chặn đầu” Tạ Quang Tỷ; “Tiểu đội trưởng xung kích thọc sâu” Lê Văn Đáp, “Chiến sĩ thọc sâu” Hoàng Đình Nghĩa…Ngày 25-3-1967, Phòng Tuyên huấn Miền và du kích xã Tà Đạt, chiến đấu kiên cường bắn cháy 02 xe tăng Mỹ từ Sóc Mới càn xuống Cà Ớt và bắn rơi 02 trực thăng. Dũng sĩ diệt xe tăng Nguyễn Ngọc Đằng, Dũng sĩ diệt máy bay Trương Nghề, Dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Dân trở thành những tấm gương tiêu biểu. Nhạc sĩ Xuân Hồng, Trưởng đoàn Văn công Quân giải phóng đã dũng cảm luồn rừng trực tiếp chỉ huy nhiều đợt chiến đấu. Hơn 2 tháng chiến đấu, Phòng Tuyên huấn Miền cùng du kích các cơ quan và chủ lực Miền diệt 6.619 tên địch, phá hủy 425 xe tăng, xe quân sự, bắn rơi 118 trực thăng…Đoàn Văn công Quân giải phóng Miền, đồng chí Nguyễn Thi và Nhạc sỹ Xuân Hồng được Nhà nước tuyên dương Anh LLVTND, 53 cán bộ, chiến sỹ anh dũng hy sinh trên các chiến trường.
Thành tích đặc biệt xuất sắc của Phòng Tuyên huấn Miền trong công tác xây dựng chính trị tư tưởng, củng cố quyết tâm chiến đấu, giữ vững chính trị, tư tưởng cho bộ đội, quan trọng là những thời điểm gay go, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến; chủ động đề xuất các phong trào thi đua đạt hiệu quả cao trong từng giai đoạn chiến đấu, góp phần tạo nên sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Các thế hệ cán bộ Phòng Tuyên huấn họp mặt
...Đến thắng lợi ngày nay
Tiếp nối truyền thống của Phòng Tuyên huấn Miền năm xưa, Phòng Tuyên huấn Quân khu 7 ngày nay luôn quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; hướng dẫn của Ban Truyên giáo Trung ương, Tổng Cục Chính trị…; tích cực, chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cũng như Cục Chính trị triển khai toàn diện, đồng bộ. Trong công tác tuyên truyền về đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ quân sự quốc phòng đều kết hợp các hình thức, phương pháp mới; tập trung vào tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương, Chương hình hành động của Đảng ủy Quân khu. Cụ thể hoá Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Các cuộc thi "Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi" hàng năm đã để lại dấu ấn "Tuyên huấn Quân khu 7" trong toàn quân.
Bên cạnh đó, tập thể cán bộ, sĩ quan phòng Tuyên huấn đã chủ động, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, tạo sự đoàn kết, đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Gắn hoạt động thi đua, khen thưởng với nhiệm vụ chính trị của đơn vị, tổ chức thực hiện thắng lợi phong trào thi đua hàng năm. Biểu dương, khen thưởng kịp thời cách làm hay, sáng tạo, những tấm gương điển hình tiên tiến trong huấn luyện, chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn, xóa đói, giảm nghèo....
Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội; làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình và tham mưu giúp cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các đơn vị tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác tuyên huấn.
Hải Yến