(QK7 Online) - Câu chuyện về ông chủ chuỗi Nhật Cường Mobile bị khởi tố đang thu hút sự chú ý của dư luận. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp này từng có quan hệ tín dụng với một số ngân hàng, trong đó có Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng VPBank... Trước sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo MB để làm rõ thiệt hại xảy ra trong trường hợp khoản vay của Nhật Cường Mobile không được hoàn trả.
Theo lãnh đạo MB, khoản vay của Nhật Cường tại MB là con số không lớn, khoảng hơn 43 tỷ đồng. Với tư cách là tổ chức cung cấp tín dụng, khoản cho vay của MB với Nhật Cường thực hiện trên cơ sở có tài sản đảm bảo theo quy trình thông thường của một khoản tín dụng tại Ngân hàng. Trong trường hợp xấu nhất, MB không thể thu hồi được khoản cho vay với Nhật Cường thì khoản thiệt hại Ngân hàng sẽ phải ghi nhận là hơn 43 tỷ đồng, bằng đúng giá trị khoản tín dụng hiện Nhật Cường đang nợ MB.
Tính đến cuối năm 2018, dư nợ tín dụng cho vay của toàn Ngân hàng MB đạt 214.686 tỷ đồng. MB luôn được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xếp hạng A - hạng cao nhất trong thang bậc đánh giá các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tỷ lệ nợ xấu của MB luôn được kiểm soát ở mức thấp, thậm chí nằm trong nhóm thấp nhất ngành ngân hàng Việt Nam với mức chốt năm 2018 là 1,33%. Kinh doanh tiền tệ là lĩnh vực rủi ro cao, có những rủi ro không thể kiểm soát hết được, nên theo quy định pháp lý, các ngân hàng đều phải thực hiện trích lập dự phòng cho các khoản rủi ro có thể xảy ra này. Tại MB, chi phí dự phòng của Ngân hàng luôn đảm bảo mức tối thiểu > = 80% NPL (đến cuối 2018, tỷ lệ này ở mức 123%). Mục tiêu lớn nhất của MB là tăng trưởng một cách bền vững, việc tăng cường trích lập dự phòng giúp MB chủ động hơn trong công tác quản trị Ngân hàng. Mức trích lập dự phòng rủi ro của MB cho thấy, MB luôn thận trọng và đảm bảo đủ khả năng xử lý nợ xấu, bảo vệ vững chắc thành quả kinh doanh của MB đã đạt được.
Đại hội đồng cổ đông 2019 của MB vừa qua đã thông qua phương án kinh doanh năm nay với mức dư nợ cho vay khách hàng dự kiến tăng 15%, lên 246.036 tỷ đồng, nợ xấu dưới 2%. Ngân hàng cũng chính thức được Ngân hàng Nhà nước trao quyết định áp dụng Basel II (theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN) kể từ ngày 1/5/2019 do tuân thủ được tất cả các điều kiện quy định. Cũng tại Đại hội, ông Phạm Huyền Anh - Phó Chánh Thanh tra Giám sát Ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá, 5 năm gần đây (2014 – 2019), MB đã có những đóng góp rất tích cực vào thành tựu chung của ngành Ngân hàng, xứng đáng với vị thế là 1 trong những ngân hàng TMCP hàng đầu của hệ thống ngân hàng Việt Nam, góp phần giúp NHNN ổn định thị trường và thực thi thành công chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá MB đã phát triển toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đặt ra. MB duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hơn trung bình ngành trên tất cả các chỉ tiêu quy mô, chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động.
Theo lãnh đạo MB, Ngân hàng luôn cam kết đồng hành cùng sự phát triển của nền kinh tế và sẽ thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển các sản phẩm kênh số. Cụ thể, MB đang và sẽ tối ưu hóa quy trình tín dụng, áp dụng hệ thống phê duyệt tự động, phát triển hoạt động tài chính tiêu dùng để đáp ứng được nhu cầu thường xuyên, nhỏ lẻ của người dân (tăng cường hoạt động bán lẻ các sản phẩm thẻ tín dụng, các sản phẩm thẻ có liên kết với nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ tiêu dùng khác, hoạt động của công ty tài chính Mcredit...).
P.V