(QK7 Online) - Sau hơn 10 tiếng căng thẳng cùng hàng chục phương án, giải pháp được thực hiện, đội ngũ kỹ thuật của Viettel đã góp công lớn trong công cuộc tìm kiếm 2 phi công trong vụ rơi máy bay tại Bình Định.
Khoảng 11 giờ trưa ngày 6/11, trên địa bàn huyện Tây Sơn (Bình Định) đã xảy ra vụ rơi máy bay quân sự của Trung đoàn Không quân 940, Trường Sĩ quan Không quân. Trên máy bay có 2 phi công, gồm: Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 940 và Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm bay của Trung đoàn Không quân 940.
Vừa kết thúc tham gia diễn tập tại Khánh Hòa trở về, đồng chí Nguyễn Vũ Trà My, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Khu vực 2, Tổng công ty Mạng lưới Viettel (VTNet) đã nhận được thông tin về sự kiện máy bay quân sự gặp sự cố và rơi vào trưa ngày 6/11. Ngay lập tức, “mệnh lệnh từ trái tim” đã được đưa ra, đồng chí Trà My đặt quyết tâm phải đưa 2 phi công trở về trong thời gian sớm nhất.
Được sự chỉ đạo trực tiếp từ lãnh đạo Tập đoàn, đồng chí Trà My cùng Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Khu vực 2 Trần Hữu Hiến và đội ngũ nhân sự kỹ thuật ngay lập tức có mặt tại trụ sở đơn vị để phối hợp tiến hành kiểm tra lịch sử thuê bao của 2 phi công.
Qua rà soát, đoàn đã phát hiện ra khu vực nghi ngờ phi công thực hiện nhảy dù. Tuy nhiên, do địa hình vùng đồi núi Tây Sơn, Bình Định rộng, hiểm trở, nhiều vực sâu gây rất nhiều khó khăn cho công tác xác định vị trí trạm phát sóng phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Không khí lúc này vô cùng căng thẳng khi chưa thể liên lạc với 2 phi công.
Khoanh vùng được khu vực nghi ngờ phi công nhảy dù, các kỹ sư Viettel đã tiến hành khoanh vùng những trạm phát sóng gần nhất nơi phi công có thể đáp xuống. Đoàn chia nhau tiến hành thực hiện ngay các giải pháp kỹ thuật như: xoay chỉnh hướng và góc ngẩng anten, tăng công suất phát tối đa của các trạm phục vụ trong khu vực, đồng thời tận dụng các giải pháp phát sóng băng tần thấp để ưu tiên tập trung tăng cường hướng phủ sóng vào khu vực vùng đồi núi và vị trí nghi ngờ phi công đáp trước đó. Đoàn chủ động tăng công suất phát sóng lên 4 lần, đồng thời hiệu chỉnh góc ngẩng của anten, vùng phủ mở rộng lên 5 - 7 lần so với trước, đồng thời phủ 4G lên những khu vực đồi núi cao xung quanh.
Áp lực chạy đua với thời gian rất nặng đặt lên vai cán bộ, nhân viên Viettel tham gia cứu nạn. Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà Nước, Quân đội, Nhân dân cả nước và đặc biệt là gia đình phi công đều dành tất cả sự quan tâm, tình cảm, hy vọng xen lẫn lo lắng, hồi hộp theo dõi từng bước công tác tìm kiếm phi công.
Công tác điều hành được triển khai ráo riết tại Trung tâm Kỹ thuật Khu vực 2 của VTNet.
Ai cũng làm việc với tinh thần quyết liệt nhất để nhanh chóng khoanh vùng, tìm ra vị trí của 2 phi công.
Sau nhiều nỗ lực, cùng với sự cố gắng, không bỏ cuộc của phi công để lên đến được vùng núi cao, sau hơn 3 tiếng từ lúc rơi máy bay, đến 16h30, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, 1 trong 2 phi công đã bắt được sóng và thực hiện cuộc gọi đầu tiên. Ngay lúc đó, đoàn Viettel cũng lập tức xác định được tọa độ và tham gia tổ chức tìm kiếm. Đến 20h00 cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy Thượng tá Nguyễn Hồng Quân.
Khoảnh khắc phi công Hồng Quân (giữa) được tìm thấy.
Đồng thời, nhánh thứ 2 của đoàn Viettel sau khi thực hiện các giải pháp cho nhóm trạm nghi ngờ mở rộng thì lúc 18h37, số điện thoại của phi công thứ 2 đã đổ chuông. Đoàn liên lạc được với đồng chí Nguyễn Văn Sơn và hướng dẫn đồng chí gửi tọa độ về cho ban điều hành chỉ huy, sau đó lập tức di chuyển đến tọa độ của phi công số 2, thành công cứu hộ và đảm bảo an toàn cho 2 phi công.
Phi công Nguyễn Văn Sơn (giữa) được tìm thấy đêm 6/11.
Vị trí của 2 phi công cách nhau 1 km.
Theo đồng chí Nguyễn Vũ Trà My, nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc để phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Viettel. Thực tế, Viettel đã tham gia nhiều đợt cứu hộ thiên tai, sạt lở như Rào Trăng tại Huế và mới đây là khu vực Làng Nủ trong cơn bão Yagi. Tuy nhiên mỗi tình huống lại có đặc điểm riêng. Như sự kiện lần này thì chưa từng xảy ra và chưa có quy trình sẵn trong hoạt động cứu hộ của Viettel.
Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Khu vực 2 chia sẻ thêm: “Thời tiết khắc nghiệt, thêm trời tối lại ở khu vực có nhiều vực sâu, đoàn cứu hộ và công tác cứu hộ gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, xác định cứu hộ, cứu nạn cần phải phản ứng nhanh trong thời gian ngắn nên VTNet đã huy động đầy đủ các lực lượng kỹ sư, chuyên gia giỏi trong lĩnh vực mạng lõi, vô tuyến từ Tổng Công ty đến Trung tâm Kỹ thuật Khu vực để phân tích lịch sử thuê bao, dự đoán đường đi, khoanh vùng khu vực rơi của 2 phi công. Từ đó, đưa ra được giải pháp trong thời gian ngắn nhất để xác định vị trí chính xác”.
Sau khi 2 phi công đã an toàn trở về, cả đoàn Viettel mới có thể thở phào sau hơn 10 tiếng căng thẳng. Nữ Giám đốc Khu vực 2 VTNet cùng đồng nghiệp chia sẻ với nhau niềm vui sướng, xúc động khi nghĩ tới hạnh phúc đoàn tụ của các đồng chí phi công với gia đình, đồng đội sau giờ phút sinh tử, cùng với đó là thêm nhiều sự cảm phục với anh em Viettel tuyến đầu - những con người xông pha vào nơi khó khăn nhất và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bằng tinh thần người lính, bằng cả trái tim, khối óc để cứu hộ thành công.
Sau khi hoàn thành công tác cứu hộ, Phó Giám đốc Khu vực 2 VTNet Thủy Vũ Vương cùng đoàn cứu hộ tiếp tục lên đường hỗ trợ lực lượng Quân đội tìm kiếm xác máy bay rơi để hoàn tất điều tra nguyên nhân gây nên sự cố.
Được biết, bên cạnh công tác cứu hộ cứu nạn, việc triển khai mở rộng vùng phủ, đặc biệt là phủ sóng 4G vào các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, các xã đặc biệt khó khăn ở huyện miền núi là chủ trương xuyên suốt của Viettel. Hàng năm, VTNet cùng các đơn vị vẫn luôn nỗ lực để tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng theo các kế hoạch phát sóng trạm. Hạ tầng mạng lưới ở vùng núi cao, hiểm trở này ngoài việc đảm bảo sóng 4G cho dân cư còn được thiết kế chiếm lĩnh độ cao để phủ rộng nhất, nhằm phục vụ cho các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh và các tình huống cứu hộ, cứu nạn.
Minh Thành