
Vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng
12 năm hoạt động tại chiến trường miền Nam, ác liệt gian khổ, Báo Quân Giải phóng đã xuất bản được 318 số. (Hiện ở Viện Bảo tàng Quân đội chỉ lưu giữ được 64 số với 162 bài viết của các đồng chí lãnh đạo, phóng viên). Như vậy là số còn lưu giữ được chỉ tương đương với 1/5 số đã bị thất lạc. Tuy nhiên đây cũng là những tư liệu đáng quý, đã ghi lại được những đóng góp to lớn của Báo Quân giải phóng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Ngoài những bài viết được đăng trên Báo Quân giải phóng còn hàng trăm bài viết được đăng tải trên các báo khác như: Báo Giải phóng, Báo Quân đội nhân dân, Báo Nhân dân và sử dụng phát trên Đài Giải phóng, Đài tiếng nói Việt Nam… Tất cả những bài viết trên đã có tác dụng thiết thực và kịp thời trong việc chỉ đạo chiến tranh cũng như cổ vũ tuyên truyền cho chiến thắng của quân dân miền Nam góp phần động viên bộ đội và đồng bào cùng chung tay giết giặc lập công.
Theo đại tá Nguyễn Viết Tá, nguyên phóng viên Báo Quân giải phóng, Thành tích nổi bật đầu tiên là Báo Quân giải phóng đã thực hiện xuất sắc vai trò tuyên truyền, định hướng, truyền bá tư tưởng chiến lược và những ý kiến chỉ đạo kịp thời của Bộ chỉ huy Miền theo từng diễn biến ngày càng ác liệt và phức tạp của cuộc kháng chiến. Nhiều bài báo chính luận, nhiều chủ trương, tư tưởng của Đảng, Trung ương Cục, nhiều tổng kết có giá trị thực tiễn cao… đã qua nhịp cầu Báo Quân giải phóng thấm sâu vào quân dân miền Nam, đả thông tư tưởng, khích lệ bộ đội chiến đấu.
Những bài báo như “Ba Gia gọi Đồng Xoài”, “Mỹ giàu nhưng không mạnh”, “Vì sao quân và dân miền Nam thắng lớn, Mỹ và ngụy thua to trong mùa khô 1966-1967”… của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, phân tích một các sâu sắc kinh nghiệm chiến đấu, chỉ rõ những điểm mạnh - yếu của Mỹ - ngụy, qua đó tìm ra phương pháp đánh Mỹ hiệu quả, cổ vũ, động viên nêu cao ý chí quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ xâm lược. Chính xuất phát từ thực tế trên đã làm dấy lên phong trào thi đua của toàn Miền“Tìm Mỹ mà đánh”, “thấy Ngụy là diệt”, “oán nặng, thù sâu thấy Mỹ đâu diệt sạch” và câu nói “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh” của đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã trở thành khẩu hiệu hành động, phương châm đánh Mỹ của lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Hay những bài báo “Hiệu triệu thi đua Ấp Bắc” của Nhà báo Nguyễn Viết Tá; qua đó chắp bút cho Ban Quân sự Miền phát động phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trong lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Ngay sau khi phát động, không chỉ riêng chiến trường B2 mà trên toàn miền Nam, đâu đâu cũng dấy lên khí thế “Thi đua cùng Ấp Bắc”, khí thế thi đua sôi nổi đó đã đẩy lên thành cao trào phá ấp chiến lược giành quyền làm chủ, làm thất bại một bước quan trọng chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam.
Từ sự cổ vũ, khích lệ đó của Báo Quân giải phóng, khí thế thi đua giết giặc lập công lan rộng khắp chiến trường miền Nam. Các gương dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sỹ diệt xe tăng, xe cơ giói, nhiều anh hùng và chiến sĩ thi đua… liên tiếp lập công xuất sắc. Theo tổng kết của Cục Chính trị Miền, tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ nhất 1965 có 23 Anh hùng lực lượng vũ trang, trong đó các đồng chí Bi Năng Tắc, Nguyễn Thị Út (Út Tịch), Phạm Văn Hai, Tạ Thị Kiều, Huỳnh Văn Đảnh, Nguyễn Trung Thành… là những tấm gương chiến đấu kiên cường, mưu trí, sáng tạo tiêu biểu cho phong trào thi đua của quần chúng và nhân dân miền Nam. Còn tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2 năm 1967, có 471 anh hùng và chiến sĩ thi đua, trong đó có nhiều anh hùng đạt thành tích xuất sắc như Nguyễn Văn Lên, Tô Văn Đực, Nguyễn Văn Tăng, Nguyễn Văn Lịch, Phạm Văn Cội, Nguyễn Thị Hạnh … tại Đại hội này ngoài những cá nhân anh hùng, còn có thêm nhiều địa phương, đơn vị vinh dự được phong tặng các danh hiệu cao quý như: “Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, “Quảng Nam trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”, “Củ Chi đất thép thành đồng”, các lực lượng vũ trang giải phóng được tặng thưởng Huân chương Thành đồng Tổ quốc và lá cờ mang danh hiệu: Trung thành vô hạn, anh dũng tuyệt vời, chiến thắng vẻ vang…Và chính Đại hội này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chúc mừng cùng với những lời nhắn nhủ ân cần, tin tưởng vào các đại biểu ưu tú miền Nam: “Năm 1965, Đại hội Anh hùng miền Nam lần thứ nhất là Đại hội đánh thắng “Chiến tranh đặc biệt” của giặc Mỹ. Đại hội anh hùng lần này là Đại hội của những người sẽ đánh thắng “Chiến tranh cục bộ” của chúng”.
Như vậy chiến công tiêu biểu nhất của Báo Quân giải phóng thời kì này không chỉ góp phần truyền bá tư tưởng chiến lược, những ý kiến chỉ đạo kịp thời của Bộ chỉ huy Miền theo từng diễn biến ngày càng ác liệt và phức tạp của cuộc kháng chiến mà còn chỉ ra cách đánh Mỹ, quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Trong những ngày đầu ác liệt, cam go của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trước một kẻ thù hung bạo, trang bị tối tân, hiện đại thì tìm ra phương cách đánh Mỹ, quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ là sự mưu lược, tài trí tuyệt vời của lãnh đạo Trung ương Cục, sự sáng tạo, dũng cảm, xả thân quên mình của quân dân miền Nam và trong đó có sự góp công to lớn của Báo Quân giải phóng.

Sự xả thân của những người lính miền Đông làm báo
Hơn 12 năm, Báo Quân giải phóng đã phản ánh chân thực và sinh động cuộc sống và chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của đông đảo cán bộ, chiến sĩ giải phóng và đồng bào miền Nam bất khuất, cùng với sự gan dạ hy sinh quên mình của những nhà báo - chiến sĩ, làm rạng danh thêm những chiến công hào hùng của dân tôc.
Đó là những bài báo mang hơi thở nóng bỏng của chiến trường như “Lửa rừng Tây Ninh”, “Trận tuyến ven đô (Phạm Hồi - Phú Bằng), “Tết chiến thắng ở Dầu Tiếng” của Xuân Huy, “Giặc Mỹ no đòn ở Trà Phí” của Lê Văn Minh, “Nhấn chìm tàu mười nghìn tấn” của Duy Khải, “Vằm nát cứ điểm Lộc Ninh” của Phạm Ngọc Thành, “Sấm sét đầu xuân trên căn cứ Dầu Tiếng” của Tô Sản, “Lửa căm thù đốt cháy căn cứ Đồng Dù” của Xuân Huy, “Hai đêm liền thắng lớn ở Bến Tranh” của Đỗ Công Viện, “Trà Cao dồn dập chiến công” của Đình Thịnh, “Đòn sấm sét giáng trả bọn lấn chiếm” của Lê Quang Mưu… âm hưởng của những bài báo đó không chỉ làm nức lòng quân dân 2 miền Nam-Bắc, là những chiến công oai hùng của bộ đội ta, khẳng định sức mạnh tính tất thắng của Quân đội ta mà còn làm cho kẻ thù khiếp sợ, kết cục thất bại thảm hại.
Hay như những bài báo mang đậm tình cảm con người miền Đông đối với bộ đội, “Tấm lòng người dân vùng sâu” của Mai Bá Thiện, “Người Sài Gòn” của Lê Văn Minh, “Lòng mẹ Long An” của Trần Phấn Chấn, “Những người du kích xã V”, “Tấm lòng má Năm” của Long Hà (Ngô Đăng Rêu)… Đó chính là tấm lòng người miền Nam, là nét truyền thống nhân văn, là tình cảm quân dân cá nước và hơn hết đó là sức mạnh đoàn kết của cả một dân tộc để đi đến chiến thắng.
Hoặc những bài viết về những tập thể, cá nhân điển hình với những chiến công vang dội: “Kiên cường bám trụ, ngời sáng chiến công” viết về Trung đoàn Đồng Nai, đơn vị anh hùng của Đình Thịnh, “Sống anh dũng chết vẻ vang” viết về anh hùng Nguyễn Văn Sơ của Thiệu Cơ, “Ở đâu khó có Lê Sơn Hà” của Duy Khải, “Lão pháo binh trên Đất thép Thành đồng” của Phan Tư, “Những chiến sĩ ở Đại đội 7 anh hùng trên Đường 13” của Mai Bá Thiện…
Có thể nói Báo Quân giải phóng, vượt qua những ác liệt, sinh tử của chiến tranh đã không chỉ phản ánh rõ nét hình ảnh kiên trung, bất khuất của quân dân miền Nam trên tuyến đầu chống Mỹ mà còn kịp thời phát hiện, xây dựng và nhân rộng nhiều gương điển hình; những gương anh hùng dũng sĩ, những cá nhân, tập thể điển hình, qua đó đã nhân lên sức mạnh phi thường của quân giải phóng miền Nam trên chiến trường đánh Mỹ. Đó chính là nguồn động viên to lớn và kịp thời, động viên, khích lệ quân dân miền Nam xốc tới để giành chiến thắng.
Và đương nhiên, để có những bài báo đó các phóng viên Báo Quân giải phóng đã sát cánh cùng đồng đội và nhân dân chiến đấu trên khắp chiến trường miền Nam, từ Quảng Trị đến Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, mặt trận Sài Gòn-Gia Định, Chiến dịch Mậu Thân 1968, rồi sang chiến trường Campuchia thời kỳ Lonnol đảo chính Quốc vương Xihanúc. Đặc biệt trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhiều phóng viên, cán bộ Báo Quân Giải Phóng đã có mặt ngay tại các điểm nóng của chiến trường, như Vũ Bằng, Thanh Giang, Mai Bá Thiện, Trần Phấn Chấn, Nguyễn Viết Tá, Vũ Xiêm, Đình Thịnh, Đỗ Tất Thắng, Nguyễn Sung, Đỗ Kết, Trần Thanh Nguyên… Báo Quân giải phóng đã thực sự trở thành một Mặt trận trong chiến tranh của quân dân miền Nam. Ở đâu có chiến sự là ở đó có mặt phóng viên Báo Quân giải phóng. Viết bất kể thời gian, bất cần điều kiện, viết dưới tầm bom đạn, viết trong hầm trú ẩn… và bao lần hầm sập, bị thương máu nhuộm loang cả trang viết. Có đồng chí đã bị bom vùi sâu dưới mấy tầng đất đá. Máu các phóng viên đã đổ trên các chiến hào. Nhiều đồng chí bị thương như Phú Bằng, Đặng Văn Nhưng, Trần Phấn Chấn… trong các trận đánh ác liệt với Mỹ-ngụy. Có thể nói những nhà báo - chiến sĩ miền Đông lúc đó đã làm nên một biểu trưng hào hùng: trả giá máu cho từng trang viết.
Đó là hình ảnh của Phú Bằng, Thanh Giang… dưới mưa bom bão đạn vẫn ung dung viết bài trong căn hầm nổi ở vùng ven Sài Gòn, dù đã bị thương - những trang giấy thấm máu mình và đồng đội, nhưng vẫn cắn răng để quyết tâm viết xong bài gửi về báo. Bởi ai cũng tâm niệm rằng: “Chiến sĩ hi sinh là hoàn thành nhiệm vụ. Nhà báo hi sinh thì nhiệm vụ chưa hoàn thành”.
Đó là phóng viên quay phim Phan Đồng Cam trong Chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng Lộc Ninh 1972, đã dũng cảm theo sát lực lượng đột phá khẩu của Sư đoàn 5 và hy sinh ngay tại cửa mở, để lại những thước phim vô cùng quý báu quay cận cảnh xe tăng và bộ binh ta tiến công tiêu diệt kẻ thù.
Đó là nhà báo Thân Trọng Hân, bất chấp hiểm nguy theo tiểu đoàn mũi nhọn tiến sâu vào Sài Gòn trong dịp Mậu Thân 1968 và đã anh dũng hi sinh. Đó còn là hình ảnh Nhà báo Phạm Ngọc Châu, đi cùng Trung đoàn Bình Giã, tấn công vào Tây Nam Sài Gòn trong đợt 2 Mậu Thân, đã kiên cường chiến đấu và đã oanh liệt ngã xuống khi trúng bom xăng của kẻ thù, hình ảnh anh bốc cháy trong thế tiến công trên cánh đồng Tân Kiên, như ngọn đuốc sống, không chỉ đã khơi gợi, thắp sáng ngọn lửa nhân văn cho từng trang viết đồng nghiệp, mà còn là biểu tượng bi hùng về sự xả thân của những nhà báo mặc áo lính miền Đông anh dũng…
Đó còn là nhà báo, nhà văn Nguyễn Thi theo Đoàn 10 Đặc công thọc sâu vào các các mục tiêu hiểm yếu ở Sài Gòn, bị địch phát hiện và bao vây, anh đã cùng 90 chiến sĩ Đoàn 10 chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh đã ngã xuống trên đường phố Sài Gòn. Máu anh đã góp phần nhuộm đỏ lịch sử oanh liệt của Sài Gòn - nơi đó có gia đình và con gái anh đang chờ đón, nhưng mãi mãi anh đã không trở về.
Những phóng viên Báo QGP không chỉ cầm bút mà còn trực tiếp cầm súng. Đó là phóng viên Bất Diệt, Tôn Bảo, Hồng Hải… trong trận càn Gian Xơn city năm 1967 đã anh dũng chiến đấu bắn cháy cả xe tăng và thiết giáp Mỹ; đó là phóng viên Vũ Thập, Đồng Cam dùng súng ngắn, thủ pháo tiêu diệt Mỹ… được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt cơ giới”, “dũng sĩ diệt Mỹ - ngụy”… Có phóng viên còn thay thế cán bộ đơn vị hy sinh, bị thương, chỉ huy đơn vị tiếp tục chiến đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Điển hình như nhà báo Ngọc Châu đi cùng Tiểu đoàn 1, Sư 9 xuống chiến trường Củ Chi, trong khi cuộc chiến diễn ra ác liệt, đồng chí Đại đội trưởng hi sinh, Ngọc Châu xông lên thay thế, vốn là lính trinh sát thời chống Pháp nên Ngọc Châu đã mưu trí chỉ huy bộ đội đánh rất hăng, thu nhiều vũ khí bắt tù binh. Sau trận này, Tiểu đoàn trưởng Lê Minh Nhựt (sau này là AHLLVTND) đã đề nghị trên tặng Huân chương chiến công cho Ngọc Châu.
Có thể nói, trong suốt 12 năm oanh liệt và rực lửa đó, cùng với quân dân cả nước nói chung, quân dân miền Đông Nam Bộ nói riêng, những phóng viên Báo Quân giải phóng đã tỏ rõ khí phách của người lính làm báo trên chiến trường, lăn lộn, xông pha vào những nơi nguy hiểm nhất, vừa viết vừa bám trụ chiến đấu. Nhiều phóng viên đã anh dũng hi sinh, và sự xả thân của họ, máu đào của họ không chỉ đã góp phần tô thắm những chiến công mà còn đốt lên ngọn lửa trong từng trang giấy, thắp sáng niềm tin - sức mạnh của cả dân tộc làm nên vinh quang của chiến thắng. Sự xả thân đó của họ, sự truyền lửa đó của họ không phải vì để được vinh danh anh hùng mà xứng đáng được vinh danh anh hùng!
Lính làm báo miền Đông hôm nay
Phát huy, kế thừa truyền thống Báo Quân giải phóng, sau ngày giải phóng, Báo Quân khu 7 lại tiếp tục đồng hành cùng bộ đội tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và thực hiện nghĩa vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia. 10 năm lăn lộn, gắn bó, xông pha cùng bộ đội trên khắp nẻo trên chiến trường nước bạn với những tên gọi khác nhau như: Báo Quân khu 7, Tin Quân khu 7, Tin Tiền phương, Tin Mặt trận…, Báo QK7 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu giao, ngày càng để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc; thực sự là người bạn tri kỷ, thân thiết với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang, giúp nước bạn Campuchia hồi sinh và thoát khỏi họa diệt chủng, vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia anh em.
Trong những năm vừa qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu, trực tiếp là Đảng ủy - Ban Chủ nhiệm Cục Chính trị, Báo Quân khu 7 ngày càng có sự tiến bộ về nhiều mặt, cả về nội dung và hình thức xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng ủy, BTL Quân khu, vừa là diễn đàn của Nhân dân và LLVTQK, góp phần vào xây dựng nền QPTD vững chắc trên địa bàn Quân khu.
Hiện nay, Báo quân khu thực hiện loại cả 4 loại hình báo chí: Báo in, Truyền hình, Phát thanh, Báo điện tử. Nhiều tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục đã không ngừng đổi mới, tăng tính hấp dẫn, bảo đảm tính định hướng tư tưởng, nêu cao tính chiến đấu chống các quan điểm sai trái, thù địch, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin kịp thời đến đông đảo cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước về những nét mới, nét riêng của Quân khu, góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trong LLVT quân khu hăng hái thi đua hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác, lao động sản xuất, làm kinh tế, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng cơ sở chính trị địa phương ngày càng vững mạnh. Hoạt động báo chí đã góp phần đẩy mạnh và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó góp phần xây dựng LLVT Quân khu vững mạnh hoàn thành tốt mọi trọng trách giao phó, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kì mới.
Kế thừa bề dày truyền thống hào hùng năm xưa của Báo Quân giải phóng, Báo - Truyền hình Quân khu 7 hôm nay luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích, định hướng chính trị; từng bước nâng cao chất lượng, tiếp thu những tiến bộ về khoa học, công nghệ, kỹ thuật; quan tâm tới việc xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, phóng viên, với phương châm: "Giỏi về nghiệp vụ - Vững về chính trị, tư tưởng - Đẹp về văn hóa". Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền; đổi mới tư duy làm báo, nâng cao chất lượng nội dung song hành với việc nâng cao hàm lượng văn hóa và tính mỹ thuật của tờ báo cũng như của từng tác phẩm báo chí. Tất cả đều hướng tới mục đích để Báo Quân khu 7 luôn luôn thực sự là "Tiếng nói của LLVT và Nhân dân trên địa bàn Quân khu 7".