Ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga với sự ra đời và phát triển của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã đi vào lịch sử nhân loại như một sự kiện vĩ đại có tiếng vang và tầm ảnh hưởng sâu rộng, làm rung chuyển, đảo lộn trật tự thế giới. Về Ý nghĩa thời đại và bài học thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười Nga, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới đã đánh giá: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, làm thức tỉnh hàng chục triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa thế”[1]. Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lê-nin đã khẳng định: Cách mạng Tháng Mười đã mở đầu “một sự nghiệp mới mẻ”, “sự nghiệp sáng tạo ra một chế độ nhà nước xưa nay chưa từng có”. Có thể nói, nếu không có Cách mạng Tháng Mười, nhân loại không thể sống trong kỷ nguyên độc lập, tự do. Thực tế hiện nay cho thấy, ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản hiện đại, những quyền dân sinh, dân chủ, quyền con người... mà nhân dân lao động có được là nhờ ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.
Tuy nhiên, điều đau xót đã xảy ra: Sau hơn 70 năm tồn tại, do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà nguyên nhân chủ yếu là những sai lầm chủ quan về đường lối của những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như sự phản bội của những người cầm đầu, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước ở Đông Âu sụp đổ. Đó là một tổn thất to lớn không chỉ đối với những người cộng sản chân chính mà còn đối với phong trào cách mạng trên toàn thế giới. Song, sự kiện đó không phải là hồi kết của chủ nghĩa cộng sản, như luận điệu của những người cơ hội chính trị, những thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội tuyên truyền. Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nhưng lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại vẫn soi sáng con đường phát triển của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI. Trong xã hội tư bản toàn cầu hóa, thì lý tưởng xã hội chủ nghĩa vẫn còn sức sống lâu bền, tầm ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn hết sức sâu rộng trong đời sống nhân loại trên khắp hành tinh. Kết luận trên đây được rút ra từ những thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở ở một số nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam, Cu-ba…, từ sự hồi sinh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ở châu Âu và ở các châu lục trên toàn thế giới và từ các cuộc đấu tranh của nhân dân lao động ở ngay trong lòng các nước tư bản chủ nghĩa phát triển nhất. Vì vậy, có thể nói rằng, mặc dù phong trào cộng sản trên thế giới còn gặp muôn vàn khó khăn, song lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn sẽ là lý tưởng, mà rốt cuộc, nhân loại sẽ từng bước vươn tới bằng con đường riêng của từng dân tộc.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã để lại cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cho các dân tộc đang đấu tranh để tự giải phóng nhiều bài học quý báu về nghệ thuật đấu tranh giành và giữ chính quyền, vai trò lãnh đạo của chính Đảng vô sản cầm quyền, về xây dựng tiềm lực kinh tế quốc phòng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa,…. Những bài học đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam trong quá trình lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, lập nên Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, xây dựng chế độ xã hội mới theo lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười.
Từ phân tích mối quan hệ giữa kinh tế với bạo lực, Ph. Ăng-ghen cho rằng: bạo lực không đơn thuần là một hành vi của ý chí, mà để thực hiện nó phải có các công cụ, trong đó công cụ hoàn hảo hơn sẽ thắng công cụ không hoàn hảo bằng. Điều đó cho thấy, thắng lợi của bạo lực phụ thuộc vào việc sản xuất vũ khí và việc sản xuất vũ khí lại dựa vào sản xuất, nghĩa là dựa vào “lực lượng kinh tế”, vào “tiềm lực kinh tế quốc phòng” và nguồn lực vật chất mà bạo lực chi phối. Vì vậy, tiềm lực kinh tế quyết định bạo lực. Với ý nghĩa đó, Ph. Ăng-ghen kết luận: “Không có gì lại phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế hơn là chính ngay quân đội và hạm đội. Vũ trang, biên chế, tổ chức, khu vực phòng thủ, chiến lược đều phụ thuộc trước hết vào trình độ sản xuất đạt được trong một thời điểm nhất định và vào phương tiện giao thông”[2]. Phát triển luận điểm đó, V.I. Lê-nin nhấn mạnh: “trong chiến tranh hiện đại, tổ chức kinh tế có một ý nghĩa quyết định”[3]. Như vậy, theo các nhà kinh điển, tiềm lực kinh tế quốc phòng là nhân tố quyết định quy mô, tổ chức, biên chế lực lượng vũ trang và phương thức tiến hành chiến tranh. Theo V.I. Lê-nin, nếu kinh tế quốc phòng không được chuẩn bị từ trước, thì việc tiến hành chiến tranh chống xâm lược không thể giành được thắng lợi. Trong nhiều trường hợp, V.I. Lê-nin khẳng định: kinh tế có vai trò quyết định sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, để chuẩn bị quốc phòng, ngăn chặn chiến tranh, phải “bắt đầu phát triển kinh tế”. Với nhận thức đó, sau Cách mạng Tháng Mười, V.I. Lê-nin đã lãnh đạo thành công việc khôi phục nền kinh tế nước Nga, khẩn trương chuẩn bị tiềm lực kinh tế quốc phòng để tiến hành chiến tranh vệ quốc, góp phần đập tan mưu đồ xâm lược, thôn tính của Đức quốc xã đối với đất nước Xô Viết, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.
Cách mạng Tháng Mười soi sáng con đường xây dựng tiềm lực kinh tế quốc phòng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, do nhận thức và đánh giá đúng vai trò của kinh tế và chuẩn bị tiềm lực kinh tế quốc phòng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra và tổ chức thực hiện đường lối: “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”. Với đường lối đó, ngay trong điều kiện kháng chiến gian khổ, chúng ta đã xây dựng nhiều cơ sở sản xuất phát triển kinh tế quốc phòng để sản xuất vũ khí, phương tiện, cơ sở vật chất cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, huy động tối đa tiềm lực kinh tế để tăng cường thực lực quốc phòng, an ninh quốc gia. Thực chất đây là quá trình chuẩn bị tiềm lực kinh tế quốc phòng cho kháng chiến trường kỳ.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng tiềm lực kinh tế quốc phòng. Thực hiện Nghị quyết 520-NQ-QUTW của Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”, căn cứ vào vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Quốc phòng đã tập trung giúp Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chỉ đạo định hướng xây dựng các khu kinh tế quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025. Sau hơn 30 năm ra đời của khu kinh tế quốc phòng (theo Quyết định số 68/CT-HĐBT, ngày 20/2/1985 của Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ) được nhân rộng (theo Quyết định số 150/ ĐUQSTW ngày 01/8/1998 của Đảng uỷ Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ). Đã khẳng định được vị trí, vai trò và tầm quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng tiềm lực kinh tế quốc phòng, được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương và nhân dân cả nước đánh giá cao, thực sự trở thành nhân tố không thể thiếu trong thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường quốc phòng-an ninh, giữ vững ổn định chính trị trên các địa bàn chiến lược của đất nước.
Hiện nay, các thế lực thù địch, những kẻ chống chủ nghĩa xã hội, những phần tử cơ hội chính trị đang tìm mọi cách phủ nhận những ý nghĩa thời đại và bài học thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười Nga, nhưng họ không thể phủ nhận được một sự thật là, Cách mạng Tháng Mười đã tác động và ảnh hưởng to lớn đến tiến trình vận động và phát triển của thế giới đương đại. Những lý tưởng cao đẹp mà hiện nay nhân loại đang tiếp tục hướng tới như: độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân, hòa bình, dân chủ, bình đẳng, bác ái cho mọi người, xóa bỏ áp bức, bóc lột, xóa nghèo nàn, lạc hậu, tệ phân biệt chủng tộc,... cũng chính là lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga.
Dưới ánh sáng của Cách Mạng Tháng Mười Nga, Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức đúng đắn ngay từ đầu và trong suốt quá trình cách mạng nên đã chủ động chuẩn bị xây dựng tiềm lực kinh tế quốc phòng từ sớm. Dù trong thời chiến hay thời bình, chúng ta cũng luôn chủ động chuẩn bị tiềm lực kinh tế quân sự, quốc phòng. Sự nhất quán đó được khẳng định trong các văn kiện Đại hội của Đảng và thực tiễn giải quyết hài hòa, linh hoạt mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng, an ninh với kinh tế và đối ngoại trong từng quy hoạch, kế hoạch.
Văn kiện Đai hội XII của Đảng chỉ rõ: “Tình hình chính trị-an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp; tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng, ...tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực”[4]. Tình hình đó đặt ra yêu cầu cao và tác động trực tiếp tới nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. Vì vậy, việc xây dựng tiềm lực kinh tế quốc phòng vẫn phải là mối quan tâm thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo”[5]. Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh tại các địa bàn chiến lược. Điều đó chứng tỏ rằng, Nghị quyết Đại hội XII lần này Đảng làm rõ hơn và mở rộng nội hàm kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh: không chỉ trên lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội mà còn cả trên lĩnh vực văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh tại các địa bàn chiến lược.
Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, để đất nước không bị động, bất ngờ, sẵn sàng ứng phó thắng lợi với mọi tình huống thì việc xây dựng tiềm lực KTQP cần có sự chỉ đạo chuẩn bị sớm ngay từ thời bình. Theo đó, cần thống nhất nhận thức và thực hiện tốt những định hướng cơ bản sau:
Trước hết, xây dựng tiềm lực kinh tế quốc phòng là đòi hỏi khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Bản chất của chuẩn bị tiềm lực kinh tế quốc phòng là sự gắn kết quá trình xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh thành một thể thống nhất, thúc đẩy nhau phát triển. Mục đích xây dựng tiềm lực kinh tế quốc phòng là tạo môi trường hòa bình, ổn định và sức mạnh răn đe, ngăn chặn từ xa nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, thực hiện thắng lợi đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu tiềm lực kinh tế quốc phòng được chuẩn bị tốt, có hiệu quả ngay trong thời bình, sẽ tạo được sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc; ngược lại, không thể có sức mạnh thật sự, mà còn phát sinh sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá nước ta.
Hai là, tạo bước chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng kinh tế quốc phòng trong giai đoạn mới. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần tiếp tục quán triệt, triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn dân đối với nhiệm vụ xây dựng tiềm lực kinh tế quốc phòng; phấn đấu tạo nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và là lực lượng nòng cốt giải quyết những khó khăn về kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh trên các địa bàn chiến lược biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng biển, hải đảo. Phát huy mọi khả năng, nội lực, đưa hoạt động sản xuất xây dựng tiềm lực kinh tế quốc phòng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả ngày càng cao; gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ba là, xây dựng tiềm lực kinh tế quốc phòng trong thời bình là nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên, có tính quy luật. Ở nước ta hiện nay, để thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ phát triển kinh tế, chúng ta không coi nhẹ nhiệm vụ xây dựng tiềm lực kinh tế quốc phòng. Trong bối cảnh còn giai cấp và đấu tranh giai cấp, còn mưu đồ xâm lược, nhất là khi cuộc chạy đua vũ trang ngày càng được đẩy mạnh, thì chuẩn bị xây dựng tiềm lực kinh tế quốc phòng ngay từ thời bình để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng cường sức mạnh quốc phòng phục vụ chiến tranh khi cần thiết là nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên, có tính quy luật, góp phần bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững, không để bị bất ngờ.
Bốn là, trong quá trình xây dựng tiềm lực kinh tế quốc phòng, phải thực hiện hài hòa giữa yêu cầu xây dựng các tiềm lực chính trị- tinh thần, tiềm lực quân sự, tiềm lực khoa hoc-công nghệ,…. Một trong các yếu tố phát triển bền vững là quá trình phát triển kinh tế phải thực hiện đồng thời yêu cầu kinh tế và quốc phòng, lồng ghép yêu cầu quốc phòng vào hoạt động kinh tế. Cho nên, trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội phải thực hiện cả hai yêu cầu, vừa thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, vừa tạo tiềm lực kinh tế quốc phòng ngay trong quá trình đó. Đồng thời, phải lồng ghép yêu cầu quốc phòng trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng bảo đảm cân đối, hài hòa giữa nhu cầu quốc phòng và khả năng kinh tế, sao cho vừa phục vụ đời sống xã hội, vừa có lợi cho quốc phòng, sẵn sàng huy động nguồn lực cho nhu cầu quốc phòng khi cần thiết. Bởi vậy, trong quá trình xây dựng tiềm lực kinh tế quốc phòng, phải thực hiện hài hòa giữa yêu cầu xây dựng các tiềm lực chính trị- tinh thần, tiềm lực quân sự, tiềm lực khoa học-công nghệ,…
Đến nay dù cho thế giới đang có những đổi thay, biến động lớn lao, nhưng thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn còn nguyên giá trị. Con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là đúng đắn. Chỉ có đi theo con đường của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, con đường Cách mạng Tháng Mười nhân dân ta mới thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mới trở nên phồn vinh, thịnh vượng và được bảo vệ vững chắc; dân tộc Việt Nam mới sánh vai cùng các nước tiên tiến trong giai đoạn cách mạng mới.
Bài học thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười Nga đã soi sáng con đường cho chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu, xây dựng tiềm lực kinh tế quốc phòng vững mạnh. Vận dụng những thành quả và những bài học thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười Nga vào điều kiện thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, chúng ta tiếp tục nghiên cứu, dự báo, tham mưu đề xuất với Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng những vấn đề liên quan đến xây dựng tiềm lực quốc phòng và phát triển tiềm lực kinh tế quốc phòng đáp ứng yêu nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, trên cơ sở đó để Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Uỷ viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng BQP