Ông Sáu Kề cùng các nông dân tu bổ cột mốc biên giới.
Tháng 5, nắng như đổ lửa! Vùng biên Phước Mỹ, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng giờ là một đại công trường, bụi mịt mờ, vọng vang tiếng gầm rú của các loại xe cơ giới đang đào, móc, ủi. Bên này đường biên, các công ty xây dựng trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam đang khẩn trương thi công tuyến đường Tuần tra biên giới cho kịp tiến độ hoàn thành phần nền trước mùa mưa. Bên kia đường biên cũng vậy, trên địa phận phường Prasat, quận Chanthrea, tỉnh Svay Rieng, lực lượng Công binh Quân đội Hoàng gia Campuchia cũng đang ráo riết thi công giai đoạn 1 tuyến đường vành đai biên giới.
Hơn một năm về trước, thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005, đồng thời thực hiện các chủ trương hoán đổi nhằm làm rõ đường biên giới theo sự thoả thuận của Uỷ ban Liên hợp phân giới cắm mốc hai nước, dọc trên đoạn biên giới dài gần 14km do Ðồn Biên phòng Phước Chỉ phụ trách quản lý (thuộc địa bàn 2 xã Phước Chỉ và Bình Thạnh - huyện Trảng Bàng), sau khi hai đội phân giới cắm mốc Việt Nam và Campuchia cắm 8 cột mốc biên giới, từ cột mốc 172 (tiếp giáp xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu) đến 180 (tiếp giáp với Long An), sau đó, 2 tuyến đường “Vành đai biên giới” của Campuchia và “Tuần tra biên giới” của Việt Nam được triển khai, đã có trên 150 ha đất của các hộ dân thuộc hai xã Phước Chỉ và Bình Thạnh đang canh tác nằm trọn trong khu vực quy hoạch các dự án trên. Trong đó, riêng Phước Chỉ đã có trên 127 ha đất của gần 100 hộ nằm cặp sát biên.
Ông Nguyễn Văn Nhiên- Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ nhớ lại thời điểm ấy, những ngày đầu mới triển khai phân giới cắm mốc, nhiều hộ dân canh tác sát đường biên lo lắng, sau nhờ chính quyền xã phối hợp với đồn biên phòng gặp gỡ, phân tích các quan điểm, chủ trương của Ðảng, Nhà nước về chủ quyền lãnh thổ, về mục đích ý nghĩa của các công trình, 100% bà con nông dân nơi đây ký cam kết giao mặt bằng cho các đơn vị thi công của hai nước triển khai cho kịp tiến độ, chấp nhận chuyện đền bù, giải toả để tính sau.
Ðược biết, hiện Phước Chỉ có hơn 2.530 hộ, với trên 11.200 nhân khẩu, trong đó, hơn 90% bà con sống bằng nghề nông. Trong tổng diện tích gần 4.000 ha đất nông nghiệp của xã, chỉ có khoảng 150 ha sản xuất được 2 vụ lúa và 1 vụ màu, số còn lại chỉ độc canh cây lúa.
Nhất là khu vực sát đường biên, do nước bị nhiễm phèn nặng, ngoài sản xuất lúa, nông dân ở đây không trồng được loại cây nào khác. Hơn nữa, việc chăn nuôi cũng không phát triển được, nên đời sống bà con nơi đây vô cùng chật vật. Khó khăn là vậy, nhưng những người nông dân trên vùng biên Phước Chỉ luôn đề cao ý thức trách nhiệm của một công dân biên giới. Ðiển hình như trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Tiện, hay còn gọi là ông Sáu Kề, ngụ tại ấp Phước Mỹ.
Khi thực hiện công tác phân giới cắm mốc theo Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005, cột mốc phụ 176/1 được cắm xuống giữa phần đất gần 2 ha của gia đình ông Sáu.
Thời điểm đó, ông Sáu và các hộ dân có đất nằm trong quy hoạch được xã và Ðồn Biên phòng Phước Chỉ cho biết, thực hiện theo chủ trương của trên là trong khi chờ hoàn thành công tác phân giới cắm mốc, hai bên tiếp tục thực hiện quản lý biên giới theo Hiệp định về quy chế quản lý biên giới năm 1983 và Thông cáo báo chí chung ngày 17.1.1995, nhất là nội dung chính của Ðiểm 8: “…
Hai bên thoả thuận trong khi chờ đợi giải quyết những vấn đề còn tồn tại về biên giới thì duy trì quản lý như hiện nay; không thay đổi, xê dịch các cột mốc biên giới; giáo dục, không để nhân dân xâm canh, xâm cư và cùng nhau hợp tác giữ gìn an ninh, trật tự biên giới” (nội dung này được Uỷ ban Liên hợp phân giới cắm mốc hai nước thống nhất tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia trong 2 ngày 29 và 30.8.2016).
Tương tự như phía Việt Nam, bà con nông dân Campuchia- những hộ có đất nằm trong quy hoạch sau khi phân giới cắm mốc và các dự án đường vành đai biên giới, đường tuần tra biên giới cũng nghiêm chỉnh chấp hành theo đúng chủ trương, quan điểm mà Chính phủ hai nước đã thống nhất.
Hôm chúng tôi đến, ông Sáu Kề cùng một số nông dân khác hì hục phá ổ chuột quanh chân cột mốc 176/1, ông nói: “Nhà nước cần tôi sẵn sàng dâng hiến, trước tôi đã hiến hơn công đất cho mấy chú Biên phòng dựng chốt rồi, lần này tôi cũng ủng hộ việc làm quốc gia đại sự, bởi biên giới có hoà bình thì dân chúng mới yên ổn làm ăn”.
Cách đây hơn 2 tháng, khi lực lượng chức năng Campuchia triển khai xây dựng tuyến đường Vành đai biên giới, tiếp đến là phía Việt Nam triển khai xây dựng đường Tuần tra biên giới, hầu như toàn bộ diện tích đất của bà con nông dân nằm cặp sát biên của Việt Nam và Campuchia đều nằm trọn trong 2 tuyến đường này. Như trường hợp của anh Lê Văn Trường, ngụ ấp Phước Hoà, xã Phước Chỉ, gia đình anh có vỏn vẹn 1 mẫu đất ruộng nằm dọc sát biên, giờ không còn, nhưng anh cho biết, “lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết”.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thành, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Phước Chỉ chia sẻ thêm, song song với công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trên địa bàn, thời gian qua, đồn biên phòng và chính quyền xã Phước Chỉ thường xuyên tổ chức gặp gỡ với chính quyền, lực lượng bảo vệ biên giới trên địa bàn phường Prasat và lực lượng Công binh nước bạn trao đổi thẳng thắn trên tinh thần khách quan, cầu thị, thượng tôn pháp luật, hợp tình, hợp lý. Việc xây dựng các công trình phải vừa bảo đảm tiến độ thi công, vừa bảo đảm thời gian cho bà con thu hoạch hoa màu trên những diện tích nằm trong quy hoạch. Sự thông cảm, sẻ chia đã giúp cho quân dân hai bên biên giới luôn có tiếng nói chung và thống nhất trong giải quyết mọi vấn đề.
Một ngày dừng chân bên ấp nghèo A8, chạm tay vào từng cột mốc, dõi theo nhịp sống vùng biên, thấy sự khẳng khái, thật thà của những người nông dân nơi đây, tuy nghèo nhưng luôn ý thức Tổ quốc là trên hết... chúng tôi mới cảm nhận hết đâu là tinh thần trách nhiệm của một công dân biên giới.
Nguồn: baotayninh.vn