Với chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch của tỉnh Tây Ninh, thời gian qua, ngành Nông nghiệp cùng các cơ quan chức năng, báo chí trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nông nghiệp sạch. Từ đó, người nông dân đã có sự thay đổi về nhận thức trong canh tác nông nghiệp, nhất là đối với việc bảo vệ môi trường.
Nhân công xịt cỏ bằng phân u-rê tại vườn mãng cầu của ông Huấn, bên cạnh hệ thống tưới gốc được trang bị trong vườn cây.
Ông Trần Công Huấn, một chủ vườn mãng cầu nằm dưới chân núi Bà Ðen, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh cho biết, trước đây, cũng như nhiều nông dân trồng mãng cầu khác, ông canh tác theo thói quen như tưới phổ rộng đại trà từ ngọn cây xuống, phun thuốc diệt cỏ để diệt cỏ dại mọc trong vườn cây mãng cầu.
Thế nhưng sau thời gian trồng trọt, ông Huấn nhận thấy việc áp dụng phương pháp canh tác trên gây lãng phí nguồn tài nguyên nước- vốn không phải là vô tận, gây thoái hoá đất.
Theo ông Huấn, hiện nay, người trồng mãng cầu vẫn áp dụng biện pháp tưới quây từ trên cao xuống (khoảng 3m), vừa tốn nhiều nước vừa làm đất bị chai cứng, mất độ xốp...
Trong khi cây mãng cầu chỉ cần tưới cho cây lúc “làm trái”, phần lớn thời gian còn lại chỉ cần tưới cho gốc cây. Phương pháp tưới phổ rộng với hệ thống tưới như trên còn có thể rửa trôi thuốc bảo vệ thực vật khiến hiệu quả không như mong muốn.
Do đó thời gian qua, ông Huấn đã bắt đầu áp dụng việc tưới nhỏ giọt cho gốc cây mãng cầu. Ông đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho gốc mãng cầu song song với hệ thống tưới quây trong vườn cây. Việc áp dụng hệ thống tưới gốc đã mang lại hiệu quả. Ông Huấn chỉ sử dụng hệ thống tưới quây cho cây vào những giai đoạn cần thiết.
Ông Huấn cho biết thêm, khi ông sử dụng hệ thống tưới gốc, nhiều người trồng mãng cầu đã đến tìm hiểu và thừa nhận sự tiện lợi của hệ thống này. Nếu tưới quây 1 ha mãng cầu phải mất cả ngày và cứ khoảng 1 giờ phải đổi vùng tưới. Còn đối với hệ thống tưới gốc, người trồng mãng cầu chỉ mất khoảng 1,5 giờ.
Dù vậy, nhiều người trồng mãng cầu vẫn còn e ngại, chưa áp dụng phương pháp tưới gốc vì chi phí cao. Với 1 ha mãng cầu, hệ thống tưới quây tốn khoảng 25 triệu đồng, nếu nông dân đầu tư thêm hệ thống tưới gốc thì chi phí đội lên gần gấp đôi. Tuy nhiên, ông Huấn chứng minh, sau một thời gian tưới gốc thì ông sẽ “lấy lại vốn” do tiết kiệm điện, chi phí mướn nhân công so với tưới quây.
Ngoài ra, ông Huấn đã hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc diệt cỏ. Ông đang áp dụng phương pháp diệt cỏ bằng cách dùng u-rê kết hợp với một lượng nhỏ thuốc diệt cỏ, mang lại hiệu quả khá cao.
Cụ thể, nếu như trước đây, khi xịt cỏ, ông Huấn phải dùng đến 1 lít thuốc diệt cỏ hoà cùng 100 lít nước thì hiện nay cứ 100 lít nước, ông Huấn hoà 1kg u-rê và chỉ khoảng 100cc thuốc diệt cỏ.
Việc áp dụng phương pháp này ngoài việc bảo vệ môi trường, tránh những tác hại của thuốc diệt cỏ, hạn chế sự ảnh hưởng đến sức khoẻ của người trực tiếp phun xịt, còn tiết kiệm được chi phí.
Nếu xịt theo cách mới, nông dân tiết kiệm được 4/5 chi phí so với cách cũ. Thời gian qua, ông Huấn đã hướng dẫn cho nhiều nông dân trồng mãng cầu áp dụng phương pháp diệt cỏ trên, rất hiệu quả.
Ông Trần Văn Quốc, một nông dân trồng mãng cầu cho biết, ngoài việc áp dụng các biện pháp canh tác như tưới gốc, diệt cỏ bằng thuốc pha u-rê, ông cùng nhiều nông dân khác đang ấp ủ áp dụng công nghệ tưới hiện đại. Ông Quốc cho biết, hiện nay, có một số doanh nghiệp đến chào bán phần mềm tưới cây trên hệ thống điện thoại thông minh.
Trong đó chỉ cần khu vườn cây có sóng 3G, 4G là có thể thực hiện. Hệ thống này giúp người trồng điều khiển tưới cho vườn cây trên điện thoại thông minh dù đang ở rất xa và nhiều tiện ích khác. Tuy nhiên, chi phí lắp đặt hệ thống trên khá cao nên nông dân còn e ngại.
Ông Quốc hy vọng, trong tương lai, người làm nông trong tỉnh sẽ sớm áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trồng trọt, và nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Thiên Tâm
Nguồn: baotayninh.vn