Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 tại xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Dự án này có công suất 1.500 MW, gồm 2 tổ máy phát điện công suất 750 MW, do liên danh nhà đầu tư Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T; Công ty Cổ phần năng lượng HANWHA; Tổng công ty khí Hàn Quốc; Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc thực hiện tại xã Hải An, huyện Hải Lăng, Quảng Trị, tổng vốn 54.000 tỷ đồng.
Trong đó, vốn góp của tổ hợp nhà đầu tư để thực hiện dự án là 13.416 tỷ đồng. Tập đoàn T&T Group của ông Đỗ Quang Hiển (còn được biết đến với tên gọi là bầu Hiển) góp 40%, mỗi nhà đầu tư HANWHA, KOSPO, KOGAS góp 20%.
Phối cảnh dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 tại xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị
Được biết, dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 được cấp quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 10/2021, quy mô diện tích mặt đất, mặt nước gần 185ha.
Dự án gồm kho cảng LNG tiếp nhận tàu chở LNG từ 120.000 - 180.000m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm. Nhà máy sử dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp (tua bin khí kết hợp với tua bin hơi), sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Khi hoạt động sẽ phát sinh bụi, khí thải, nước thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại trong quá trình thi công và vận hành.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường nêu rõ các biện pháp bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý chất thải. Dự án sẽ phát sinh 2,1 triệu m3 chất thải nạo vét khi thi công luồng tàu, vùng nước trước bến và vũng quay tàu, tuyến ống cấp và xả nước làm mát.
Trong đó, hơn 1 triệu m3 vật chất nạo vét được tận dụng để san lấp, gần 1,1 triệu m3 khác được vận chuyển đi nhận chìm tại vùng biển thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh Quảng Trị.
Ngoài ra, Báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng nêu ra nhiều biện pháp để giảm thiểu tác động do hoạt động nạo vét và nhận chìm vật chất. Cụ thể, sử dụng tàu ngoạm gầu dây (xáng cạp), tàu hút bụng và sà lan mở đáy đúng số lượng, chủng loại, công suất, tải trọng theo hồ sơ thiết kế; nạo vét đúng ranh giới được phê duyệt.
Trên các phương tiện vận chuyển vật chất nạo vét phải bố trí khoang lắng. Nước thoát ra từ vật chất nạo vét sau khi đến khoang này được lắng chất rắn lơ lửng trước khi thoát ra ngoài, bảo đảm không làm gia tăng nồng độ chất rắn lơ lửng so với chất lượng nước biển khu vực thực hiện dự án.
Chủ dự án chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu việc vận chuyển vật, chất nạo vét không đúng vị trí bãi chứa đã được phê duyệt và thất thoát vật, chất nạo vét trong quá trình vận chuyển gây ảnh hưởng môi trường.
Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã chủ trì buổi làm việc với các sở ngành, địa phương và liên danh nhà đầu tư dự án LNG Hải Lăng (giai đoạn 1) để thúc đẩy tiến độ dự án.
Tại buổi làm việc, liên danh nhà đầu tư đã kiến nghị các nội dung đối với việc trình thẩm định các hồ sơ liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 mới đủ cơ sở thẩm duyệt gồm: Thẩm định báo cáo FS; văn bản phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; văn bản thỏa thuận đấu nối lưới điện, văn bản thỏa thuận bến LNG, tuyến luồng.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đề nghị liên danh nhà đầu tư sớm đặt văn phòng đại diện tại Quảng Trị; tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và các sở, ban ngành, địa phương liên quan kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.
Đồng thời phối hợp với Sở Công thương nghiên cứu, tham vấn các bộ, ngành trung ương trong việc tách phần nhà máy riêng, đường dây 500kV đấu nối riêng trong báo cáo nghiên cứu khả thi để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phần nhà máy trước, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị yêu cầu liên danh nhà đầu tư khẩn trương xúc tiến với các đối tác để thương thảo, ký kết hợp đồng mua bán khí LNG đảm bảo cho việc đề xuất giá mua bán điện cạnh tranh nhằm sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án.
Thiên An