Quyết định nêu rõ, thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM theo phương thức PPP (Dự án).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch Hội đồng.
Các ủy viên Hội đồng gồm: Lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An.
Hội đồng có trách nhiệm hoàn thiện Báo cáo thẩm định theo quy định, khẳng định rõ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đủ điều kiện để Chính phủ thông qua, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Các cơ quan có thành viên thuộc Hội đồng thẩm định nhà nước có văn bản cử người gửi về Cơ quan thường trực Hội đồng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trước ngày 21 tháng 12 năm 2024.
Ủy ban nhân dân TP.HCM có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư phục vụ việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đảm bảo yêu cầu tiến độ.
Hội đồng tự giải thể sau khi chủ trương đầu tư Dự án được cấp có thẩm quyền quyết định.
Theo tờ trình của UBND TP.HCM, vành đai 4 TP.HCM tạo ra trục giao thông chiến lược kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và Tây Nguyên góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Con đường hình thành sẽ mở không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng nguồn lực đất đai, góp phần hình thành tuyến vành đai công nghiệp, đô thị, logistics...
Vành đai 4 TP.HCM sẽ thúc đẩy lưu thông hàng hóa từ các khu công nghiệp, khu đô thị đến các cảng biển, cảng hàng không quốc tế Long Thành và ngược lại. Xe cộ đi liên tỉnh sẽ được phân luồng từ xa, không phải đi qua khu vực tập trung đông dân cư, giảm đáng kể thời gian hành trình, chi phí vận tải, hạn chế ách tắc, giảm ô nhiễm môi trường khu vực đô thị.
Cũng theo tờ trình, tổng chiều dài dự án vành đai 4 TP.HCM trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dài 159,31km. Trong đó, dự án qua Bà Rịa - Vũng Tàu 18,23km, qua Đồng Nai 46,08km, TP.HCM dài khoảng 16,7km, qua Long An dài 78,3km (bao gồm đoạn qua Long An dài 74,5km, đoạn qua địa phận TP.HCM dài 3,8km)
Riêng đoạn đi qua tỉnh Bình Dưong khoảng 47,95km triển khai đầu tư độc lập theo chủ trương đầu tư dự án đã được HĐND tỉnh thông qua. UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản cam kết trong giai đoạn 1 dự án sẽ điều chỉnh để đảm bảo tiêu chuẩn đường cao tốc theo ý kiến của Bộ Giao thông vận tải.
Về quy mô dự án vành đai 4 TP.HCM, giai đoạn 4, các địa phương TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn. Tuyến chính cao tốc sẽ đầu tư 4 làn và 2 làn khẩn cấp, đồng thời các địa phương làm đường gom, đường song hành hai bên.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 sơ bộ khoảng 122.774,28 tỉ đồng, thực hiện theo hợp đồng BOT. Trong đó, vốn huy động từ nhà đầu tư và vốn vay khoảng 53.109 tỉ đồng (bao gồm lãi vay), còn lại là vốn ngân sách.
Sau khi chủ trương đầu tư dự án được thông qua, các địa phương sẽ lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2025 và triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư từ 2025-2026. Các dự án thành phần qua các địa phương sẽ khởi công xây dựng từ quý 3-2026 và hoàn thành năm 2028.
Phong Vân