Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS TP Vũng Tàu giúp dân sơ tán đến nơi an toàn.
Tại khu vực nhà giàn DK1, lúc 9 giờ 30 phút sáng 25-12, Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên tiểu đoàn DK1 (Vùng 2 Hải quân) cho biết: Bão số 16 có sức tàn phá khủng khiếp, mạnh nhất trong lịch sử nhà giàn DK1. Có con sóng cao 12 đến 15 mét, va đập vào nhà giàn vọt cao gần 30 mét, gió giật đến cấp 14, 15. Đến 8 giờ sáng nay, tâm bão đã đi qua những nhà giàn DK1 cuối cùng trên các bãi cạn Tư Chính, Phúc Nguyên; tuy nhiên dư chấn vẫn còn mạnh, sóng cấp 8, cấp 9. Hiện tại, các nhà giàn vẫn đứng vững, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, sẵn sàng tâm thế khắc phục hậu quả, thực hiện hiện nhiệm vụ.
Sóng dữ dội cuộn đập vào nhà giàn DK1 đêm 25-12.
Nhà giàn DK1/14 an toàn khi cơn bão đi qua
Sáng nay, bão số 16 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây với cường độ giảm hơn so với thời điểm mạnh nhất khi ở khu vực đảo Trường Sa và Huyền Trân. Địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ sáng sớm 25-12, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có mưa và dông, gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9.
Tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai công tác phòng chống bão lụt do cơn bão số 16 (Tembin) sáng 25-12, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo, bằng mọi giá phải bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng người dân; các lực lượng phải kiên quyết di dời người dân ra khỏi các vùng xung yếu, các khu vực nguy hiểm. Chính quyền các huyện, thành phố địa phương phải xuống tận hộ dân, từng chiếc ghe, tàu để vận động, cảnh báo về mức độ nguy hiểm của bão để người dân tăng cường thực hiện các phương án phòng, chống bão.
Về kế hoạch sơ tán dân, đồng chí Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, các địa phương đã rà soát toàn bộ các khu vực xung yếu, đồng thời tiến hành sơ tán dân theo đúng phương án. Tổng số người phải sơ tán trên địa bàn tỉnh là 130.809 người. Sau 12 giờ trưa 25-12, lực lượng chức năng sẽ cưỡng chế các hộ chưa di dời. Tại huyện Côn Đảo, tính đến 23 giờ ngày 24-12, huyện đã di dời 1.530 người/2.100 người, số còn lại sẽ được UBND huyện vận động, cưỡng chế di dời trong sáng 25-12, hoàn tất trước 9 giờ sáng nay.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trình, công tác di dời dân ở vùng xung yếu, kêu gọi tàu thuyền vào neo đậu tránh trú đến chuẩn bị lương thực, thực phẩm tại các vùng trọng điểm đã hoàn tất. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, nắm địa bàn quản lý, tiếp tục tuyên truyền về diễn biến và mức độ nguy hiểm của cơn bão số 16 đến người dân, để nêu cao ý thức cảnh giác và có biện pháp phòng, chống bão. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh khẩn trương rà soát các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển để giữ liên lạc, hướng dẫn ngư dân tìm nơi tránh, trú bão an toàn.
Về công tác bảo vệ đê biển, đê bao, hồ đập xung yếu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đã phân công cán bộ trực theo dõi, kiểm tra 24/24 bảo đảm an toàn cho 28 hồ, đập và điều tiết nước phù hợp với dung tích thiết kế.
Lãnh đạo tỉnh thống nhất chỉ đạo các trường học thông báo cho học sinh nghỉ học trong 2 ngày 25 và 26-12; dừng hoạt động họp chợ tại các huyện, thành phố từ 12 giờ trưa 25-12 đến khi có thông báo hết bão. Các cơ quan, công ty không bảo đảm được an toàn cho người lao động thì phải cho người lao động nghỉ làm việc. Riêng huyện Côn Đảo, đến 16 giờ ngày 25-12 phải hoàn tất các công tác ứng phó bão. Lực lượng cứu hộ, quân đội, biên phòng… túc trực trong mọi tình huống, sẵn sàng thực hiện công tác phòng chống trước, trong và sau bão.