Người hồi sinh, đất hồi sinh
“Người hồi sinh, đất hồi sinh/ Máu người hóa ngọc lung linh giữa trời…”. Các anh ơi, hãy yên lòng nhé. Từ hôm nay, các anh đã được về với lòng đất mẹ, với đồng chí, đồng đội thân yêu… Trong không khí thành kính, trang nghiêm của buổi lễ, ông Hồ Quang Điệp, Bí thư Thị ủy Tân Uyên, đã xúc động đọc điếu văn, tiễn đưa anh linh các liệt sĩ về với lòng đất mẹ thân yêu. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; hàng vạn đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống. Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ vinh quang của Tổ quốc, để cho đất nước ta được nở hoa độc lập, kết trái tự do, cho đồng bào có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do thống nhất đất nước của dân tộc ta đã đi qua 43 năm, cuộc chiến mà cả thế giới phải thán phục. Việt Nam, một đất nước có diện tích nhỏ bé, nhưng giàu lòng yêu nước và hàng triệu triệu người con của đất nước sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Những năm tháng ấy, trong nhiều năm liền, nhất là từ năm 1965 khi quân viễn chinh Mỹ có mặt ngày càng đông tại chiến trường miền Đông Nam bộ, Mỹ - ngụy luôn xem Tân Uyên - Chiến khu Đ - Bình Dương là mắt xích quan trọng ở cửa ngõ phía bắc Sài Gòn, là tâm điểm khó khăn nhất mà ở đó mọi người dân đều có thể là cộng sản để ngăn chặn bước chân xâm lược của chúng. Bom cày, đạn xới đã biến mảnh đất hiền lành thành những chiến trường đặc mùi thuốc súng và cũng chính nó đã biến những người dân cày chân chất hiền lành trở thành những chiến sĩ quả cảm bảo vệ quê hương kiên cường nhất. Những tên đất, tên làng đã đi vào lịch sử. Và cũng chính nơi đây, bao người con ưu tú đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, trong đó có các anh hùng liệt sĩ vừa được quy tập, cất bốc hài cốt trên mảnh đất này. Kể từ hôm nay các anh sẽ trở về với đồng đội của mình. Đất nước đã được độc lập, tự do, hạnh phúc như tâm nguyện của các anh trong ngày lên đường chiến đấu...
“... Đã bao mùa lá vàng rơi từ ấy/ Chiến khu Đ vẫn đỏ máu quân thù…”. Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô đậm thêm trang sử vàng của dân tộc Việt Nam và những trận đánh ác liệt cũng sẽ mãi mãi đi vào lịch sử. Các anh - những chiến sĩ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh sẽ mãi là bản hùng ca vang vọng đến mai sau.
Còn đó những tâm nguyện
Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn đó những bà mẹ cả đời luôn canh cánh trong lòng tâm nguyện làm sao để tìm thấy hài cốt của con mình; còn đó những cựu chiến binh, những người vợ, người con miệt mài lần tìm, chắp nhặt những thông tin để tiếp tục hành trình tìm kiếm không mệt mỏi, mong đưa hài cốt đồng đội, người chồng, người cha, người con về yên nghỉ nơi đất mẹ. Phía sau mỗi cuộc “đoàn tụ”, luôn là nước mắt, niềm xúc cảm thiêng liêng dâng trào lên nơi lồng ngực…
“Con đã về, đất mẹ mến yêu ơi/ Dẫu mãi mãi thiếu tháng ngày - tên tuổi/ Dẫu mãi mãi là hoa bên bờ suối/ Ngủ trong dáng mẹ hiền, con mãi ngát thơm…”. Đó chính là niềm xúc cảm vô bờ khi các anh được trở về với đồng đội của mình. Nhưng trên mảnh đất thiêng liêng này, biết bao liệt sĩ còn nằm lại nơi lòng đất sâu lạnh giá. Và hôm nay đây, 11 hài cốt liệt sĩ vẫn còn là vô danh. Dòng điếu văn xúc động: “Hơn 43 năm đã trôi qua kể từ ngày ấy, gần một nửa thế kỷ thân xác các anh hùng nằm trong lòng đất Mẹ. Liệt sĩ được khai quật chỉ còn lại là những mảnh xương và những kỷ vật. Hành trang của các anh ngày trở về chỉ là những chiếc dép cao su, những chiếc bi đông, dây thắt lưng, đèn dầu và những mảnh dù mục nát. Những kỷ vật ấy đã theo các anh đến tận cùng của cuộc chiến tranh vệ quốc này. Tất cả đều là vô giá!”...
Bằng một giọng trầm buồn, ông Hồ Quang Điệp, Bí thư Thị ủy Tân Uyên, xúc động cho biết: “Trong thời gian qua, chúng tôi rất mong tìm kiếm một dòng địa chỉ, dù là ít ỏi để định danh tính, quê quán, đơn vị nơi các anh (chị) đã chiến đấu rồi hy sinh trên mảnh đất Tân Uyên. Tất cả đều với mong muốn để thỏa lòng những người cha, người mẹ ngày đêm mong mỏi các anh trở về; để chúng tôi được khắc tên các anh, chị lên bia mộ, được gìn giữ trong khuôn viên nghĩa trang cho trọn nghĩa, vẹn tình...!”.
“Người hồi sinh, đất hồi sinh/ Máu người hóa ngọc lung linh giữa trời…”. Các anh ơi, hãy yên lòng nhé! Từ hôm nay, các anh đã được về với lòng đất mẹ, với đồng chí, đồng đội và những người thân yêu...