Trung tướng Đồng Văn Cống
Cuối tháng 9-1946, lực lượng vũ trang Bến Tre có bước phát triển mới cả về lượng và chất, một đơn vị Vệ quốc đoàn ra đời mang phiên hiệu Chi đội 19. Lúc này, Tỉnh ủy Bến Tre điều động đồng chí Đồng Văn Cống làm Chi đội trưởng, cán bộ, chiến sĩ đa số cũng từ “Bộ đội Ông Cống” trưởng thành lên. Điều đặc biệt là trong Chi đội 19 còn có một tiểu đội chiến sĩ quốc tế gồm các quốc tịch: Pháp, Đức, Nga, Nhật, Angiêri, Marốc… họ là những tù hàng binh được cách mạng cảm hóa, giáo dục và tham gia chiến đấu dưới sự lãnh đạo của người chỉ huy tài ba Đồng Văn Cống.
Khoảng giữa tháng 10-1946, Chi đội 19 xuất quân đánh trận đầu tiêu diệt đồn Cầu Giấy (Lộc Thuận, Bình Đại) và chặn viện, tiêu diệt gần hết tiểu đoàn quân Pháp ở Thới Lai, thu 100 khẩu súng, có 7 khẩu trung liên. Mùng 2 Tết Đinh Hợi năm 1947, dưới sự chỉ huy của đồng chí Đồng Văn Cống, Chi đội 19 dùng chiến thuật vận động phục kích ở lộ Quẹo, tiêu diệt gần một tiểu đoàn quân Pháp có xe bọc thép yểm trợ, mưu toan chiếm xã Tân Hào.
Kết quả, ta phá hủy một xe bọc thép, thu trên 150 khẩu súng các loại, trong đó có súng máy 12,7mm, đại liên, trung liên, súng chống tăng Piát, nhiều đạn và lựu đạn giúp cho Chi đội được trang bị mạnh hơn. Tiếp theo, nhờ sự phối hợp của quần chúng và cơ sở nội tuyến, ngay giữa ban ngày, một bộ phận của Chi đội 19 đã tiến công tiêu diệt một đại đội địch ở vàm Nước Trong (Định Thủy, Mỏ Cày); phục kích địch ở Phú Lễ (Ba Tri) diệt gọn 6 xe quân sự và 132 tên lính Pháp, thu 100 khẩu súng các loại. Chi đội 19 còn đánh thắng nhiều trận khác ở Ba Tri, An Hóa, Châu Thành… gây cho địch nhiều tổn thất.
Ngày 23-6-1947, Khu bộ trưởng Khu 8 quyết định thành lập Trung đoàn 99 trên cơ sở Chi đội 19, có bổ sung thêm một số đơn vị bộ đội địa phương và dân quân tự vệ trong tỉnh, đồng chí Đồng Văn Cống tiếp tục được giao trọng trách làm Trung đoàn trưởng. Phối hợp với chiến trường cả nước, Trung đoàn 99 liên tục chiến đấu và giành quyền chủ động chiến trường trong tỉnh. Ngoài ra, một đơn vị của trung đoàn còn được điều sang Sa Đéc (Đồng Tháp) phối hợp với bạn đánh quân ngụy mang danh Hòa Hảo đang tàn sát nhân dân. Kết quả đến cuối năm 1947, Bến Tre giải phóng được phần lớn đất đai.
Từ phải sang: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Văn Cống, Thượng tướng Hoàng Cầm và Trung tướng Lê Văn Tưởng.
Sau Chiến dịch Bến Tre, Trung đoàn 99 giải thể, đồng chí Đồng Văn Cống được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Đồng Tháp (chủ lực của Khu 8). Năm 1951, đồng chí Đồng Văn Cống trở về Bến Tre đảm nhiệm chức vụ Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Bến Tre. Đồng chí dũng cảm vượt qua mọi hiểm nguy, ngược xuôi khắp ba dải cù lao để móc nối xây dựng cơ sở, tập hợp và phát triển lực lượng vũ trang địa phương làm nòng cốt cho nhân dân nổi dậy, diệt ác ôn, triệt hạ đồn bốt, phá rã phần lớn lực lượng chiếm đóng, giải phóng nhiều vùng nông thôn, giành lại ruộng đất cho nông dân.
Giữa năm 1953, đồng chí Đồng Văn Cống nhận nhiệm vụ Ủy viên Thường vụ Khu ủy kiêm Tham mưu trưởng Phân Liên khu miền Đông. Đồng chí là thành viên của Ban Liên hiệp đình chiến Trung ương, tham gia Hội nghị Trung Giã trong phái đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam đàm phán với đại diện Quân đội Pháp thực hiện Hiệp định Giơnevơ.
Năm 1954, đồng chí Đồng Văn Cống được thăng quân hàm Đại tá, là Tư lệnh Sư đoàn 330, được cử đi học quân sự ở nước ngoài. Trở về nước, đồng chí đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau ở Bộ Quốc phòng như: Tư lệnh phó Quân khu Hữu Ngạn, Ủy viên Thường vụ Liên Khu ủy Liên khu 3, Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu… Thời kỳ này, đồng chí là một trong những người có công lớn trong việc mở Đường Hồ Chí Minh trên biển để chi viện cho chiến trường miền Nam.
Năm 1963, đồng chí Đồng Văn Cống về miền Nam chiến đấu, tiếp tục được Đảng, Quân đội giao nhiều trọng trách quan trọng: Tư lệnh Khu 8,Khu 9. Từ năm 1969 đến năm 1972, đồng chí Đồng Văn Cống là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Tư lệnh phó Quân giải phóng miền Nam, kiêm Tư lệnh Bộ đội Việt Nam ở khu Đông Bắc Campuchia. Đồng chí là vị tướng chiến trường, cùng tập thể tướng lĩnh xuất sắc của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam chỉ huy chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (26-4-1975 - 30-4-1975) lịch sử, đồng chí giữ quyền Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Miền kiêm Tư lệnh Quân đoàn dự bị, sẵn sàng đối phó nếu quân Mỹ tái can thiệp vũ trang, là vị tướng có mặt sớm nhất ở Sài Gòn để tổ chức tiền trạm đón Bộ Tư lệnh Miền và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh vào tiếp quản Sài Gòn.
Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975), đồng chí là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VI (1976-1981) - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. Thời kỳ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, đáp lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, đồng chí Đồng Văn Cống là Tư lệnh tiền phương, dẫn đầu một cánh quân sang làm nghĩa vụ quốc tế giúp Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt. Từ tháng 5-1976 đến tháng 9-1982, đồng chí Đồng Văn Cống là Phó Tư lệnh Quân khu 7, quyền Tư lệnh Quân khu 7, đồng chí được thăng quân hàm Trung tướng năm 1980. Tháng 10-1982, đồng chí được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Thanh tra Quân đội nhân dân Việt Nam và nghỉ hưu trong cùng năm.
Sau khi nghỉ hưu, Trung tướng Đồng Văn Cống tham gia Hội Cựu chiến binh Việt Nam, là Trưởng ban Liên lạc Hội đồng hương Bến Tre tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí rất tích cực trong các hoạt động khuyến học, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, giúp nạn nhân chất độc da cam/dioxin…
Ngày 6-8-2005, Trung tướng Đồng Văn Cống qua đời ở tuổi 87. Cuộc đời của đồng chí Đồng Văn Cống là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, người con ưu tú của quê hương Giồng Trôm “đất thép thành đồng”. Đồng chí không những là một đảng viên kiên trung, nhà cách mạng chân chính, luôn thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước, tinh thần quốc tế vô sản mà còn là tấm gương sáng ngời về một cuộc đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, suốt đời cống hiến, phục vụ cho lý tưởng Cộng sản và hạnh phúc của nhân dân. Vợ và các con của đồng chí cũng là những cán bộ, sĩ quan ưu tú của Quân đội. Người con trai duy nhất của Trung tướng là Đồng Văn Đe - một phi công chiến đấu, đã anh dũng hy sinh khi còn rất trẻ. Đồng chí Đồng Văn Cống đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất; 4 Huân chương Quân công (3 hạng Nhất, 1 hạng Ba); Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; 3 Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác; được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2011.
Để tưởng nhớ đức độ, tài thao lược, công lao, đóng góp to lớn của đồng chí Đồng Văn Cống trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre, cựu chiến binh, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tự nguyện đóng góp đúc tượng Trung tướng Đồng Văn Cống và xây Đền thờ tại ấp Tân Thị, xã Tân Hào. Đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tên đồng chí được đặt cho một con đường ở phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2.