Thiếu tướng Đặng Ngọc Sỹ
Tháng 12-1945, đồng chí nhập ngũ. Trong khoảng thời gian những năm từ 1946 đến 1949, đồng chí đảm nhiệm các chức vụ: Tiểu đội trưởng, Trung đội phó, Trung đội trưởng Đại đội 2 bộ đội Nguyễn Văn Triết. Năm 1950, đồng chí là Đại đội phó bộ đội địa phương Biên Hòa. Năm 1952, đồng chí là Quận đội trưởng quận Châu Thành, tỉnh Thủ Biên. Năm 1954, đồng chí tập kết ra miền Bắc và đảm nhiệm các chức vụ Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 (1955-1959).
Năm 1960, đồng chí được cử đi học Trường Trung - Cao quân sự tại Hà Nội. Hoàn thành khóa học, đồng chí quay trở lại chiến trường miền Nam, là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 800; Trung đoàn phó, rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4, Sư đoàn bộ binh 5 (1961-1967).
Tháng 12-1965, Mỹ - ngụy mở cuộc hành quân càn quét vùng giải phóng Đông Bắc Long Khánh, tái chiếm các vùng Trà Tân, Võ Đắc, Võ Xu và tiến hành “bình định” gom dân vào ấp chiến lược dọc theo các trục đường 333, 334, 335. Sư đoàn bộ binh 5 được giao nhiệm vụ cùng lực lượng vũ trang Bà Rịa - Long Khánh tổ chức chống càn bảo vệ căn cứ và tập trung lực lượng đánh một số trận vào các vị trí then chốt của địch tại mặt trận hướng Đông. Thực hiện quyết tâm chiến đấu của sư đoàn, đồng chí Đặng Ngọc Sỹ cùng đồng chí Nguyễn Nam Hưng trực tiếp chỉ huy đoàn cán bộ (Trung đoàn 4) đi nghiên cứu chiến trường. Sau nhiều ngày đêm bám sát hoạt động của địch tại địa bàn Hoài Đức - Tánh Linh, đoàn cán bộ nghiên cứu chiến trường của sư đoàn đã xây dựng được phương án chiến đấu tiêu diệt lực lượng địch đóng dã ngoại tại Võ Xu, tạo điều kiện để nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược Võ Xu. Đồng thời, phối hợp với lực lượng vũ trang Hoài Đức - Tánh Linh tiến công giải tỏa khu vực đầu mối các tuyến giao thông 333, 334, 335, chặt đứt một mắt xích quan trọng trong kế hoạch “bình định” của địch; giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, hỗ trợ phong trào du kích chiến tranh ở phía Nam tỉnh Bình Thuận.
Sang đầu năm 1966, trước tình hình địch tổ chức càn quét, bắt bớ, đàn áp, dồn dân vào sống trong các ấp chiến lược ở Võ Đắc, Võ Xu, Sư đoàn bộ binh 5 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 4, cùng một đại đội bộ đội địa phương Tánh Linh tiến hành tập kích Căn cứ Võ Xu. Sau khi nhận nhiệm vụ, Trung đoàn trưởng Đặng Ngọc Sỹ trực tiếp chỉ huy đoàn cán bộ đi nghiên cứu mục tiêu và xây dựng hoàn chỉnh phương án tập kích tiêu diệt địch ở Võ Xu. 23 giờ ngày 27-2-1966, các mũi tiến công của trung đoàn đã áp sát mục tiêu mà địch không hề hay biết. Các tiểu đoàn báo cáo tình hình và xin nổ súng trước thời gian quy định. Trung đoàn trưởng Đặng Ngọc Sỹ nhận định tình hình có nhiều thuận lợi, nhưng để chắc chắn, đồng chí động viên bộ đội tiếp tục bám sát địch, đúng 24 giờ sẽ nổ súng. Sau một giờ chiến đấu, Trung đoàn 4 và lực lượng bộ đội địa phương Đức Linh đã làm chủ hoàn toàn khu A, khu C của Căn cứ Võ Xu và đồn bảo an tại cầu Lăng Quăng. Trước tình hình phát triển thuận lợi, Trung đoàn trưởng Đặng Ngọc Sỹ lệnh cho Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 3 củng cố đội hình, tập trung hỏa lực đánh phá công sự địch và thực hành xung phong tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Sở chỉ huy. Sau 5 giờ chiến đấu quyết liệt, ta đã làm chủ trận địa. Mặc dù giành thắng lợi, nhưng ta đánh chưa dứt điểm hoàn toàn mục tiêu, chưa tiêu diệt gọn địch và bộ đội thương vong cao. Vì thế, ngay sau khi rút về Căn cứ Suối Kiết, Trung đoàn trưởng Đặng Ngọc Sỹ đã tổ chức rút kinh nghiệm trận đánh trong toàn trung đoàn. Những kinh nghiệm của trận đầu chiến đấu tập kích với quy mô cấp trung đoàn là vốn quý trong công tác chỉ huy chiến đấu của Sư đoàn bộ binh 5 trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tháng 4-1966, Trung đoàn 4 được lệnh khẩn trương cơ động từ Nam Suối Kiết về Tầm Bó chiến đấu chống địch càn quét. Dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Đặng Ngọc Sỹ, đơn vị hành quân về tập kết tại ngã ba suối Tầm Bó và nhanh chóng chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho trận đánh. Kết quả, Trung đoàn 4 đã chiến đấu giành thắng lợi giòn giã ở Tầm Bó, giữ vững được trận địa, bẻ gãy cuộc càn quét của một tiểu đoàn Mỹ có máy bay, pháo binh yểm trợ đắc lực.
Đầu tháng 4-1967, Trung đoàn 11 thiết giáp Mỹ tham gia cuộc càn Gianxơn Xity ở hướng Bắc Tây Ninh bị đánh thiệt hại nặng phải rút về căn cứ Suối Râm để củng cố. Nhận được tin từ trinh sát địa phương, Trung đoàn trưởng Đặng Ngọc Sỹ tổ chức lực lượng trinh sát theo dõi địch và họp bàn kế hoạch tác chiến. Sau khi phương án tập kích Căn cứ Suối Râm được thông qua, mọi công tác chuẩn bị đã xong, ngày 2-4-1967, Trung đoàn trưởng Đặng Ngọc Sỹ hạ lệnh nổ súng. Sau 30 phút dội bão lửa vào Căn cứ Suối Râm, các chiến sĩ rút lui về căn cứ an toàn… Bằng những đòn tiến công hết sức bất ngờ, táo bạo với nhiều hình thức chiến đấu, kết hợp giữa đánh vừa và đánh nhỏ, trong sáu tháng đầu năm 1967, Trung đoàn 4 dưới sự chỉ huy của đồng chí Đặng Ngọc Sỹ và lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Long Khánh đã gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.
Từ giữa năm 1967 đến tháng 4-1968, với cương vị Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn bộ binh 5, đồng chí Đặng Ngọc Sỹ cùng Bộ Chỉ huy Sư đoàn chỉ huy các đơn vị giành nhiều thắng lợi trên mặt trận hướng Đông - Đông Bắc Sài Gòn. Trong đợt 1 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 (từ 31-1 đến 15-3-1968), các đơn vị của sư đoàn đã tiêu diệt hàng nghìn tên địch, bắn cháy 119 xe quân sự, 5 máy bay, phá hủy 2 kho đạn và nhiều trang bị vật chất chiến tranh của địch.
Tháng 5-1968, đồng chí được bổ nhiệm Tư lệnh phó Quân khu 7, Phân khu trưởng Phân khu 4. Từ tháng 10-1968 đến tháng 10-1970, đồng chí đảm nhiệm chức Tư lệnh phó Quân khu 10. Từ năm 1970 đến năm 1972, đồng chí nhận nhiệm vụ Đoàn trưởng Đoàn Đặc công 429. Từ năm 1972 đến năm 1973, đồng chí là Tư lệnh phó Quân khu 10. Từ năm 1973 đến năm 1974, đồng chí giữ chức Đoàn trưởng Đoàn Đặc công nước 27.
Tháng 11-1974, Quân khu 7 thành lập sư đoàn đầu tiên của quân khu - Sư đoàn 6. Với cương vị Tư lệnh Sư đoàn, đồng chí Đặng Ngọc Sỹ cùng Bộ Chỉ huy Sư đoàn chỉ huy các đơn vị tham gia nhiều trận đánh giành thắng lợi. Ngày 8-4-1975, Sư đoàn 6 trong đội hình phối thuộc của Quân đoàn 4 tiến công tuyến phòng thủ vững chắc của địch ở Xuân Lộc. Ngày 21-4-1975, Xuân Lộc và tỉnh Long Khánh được giải phóng, mở toang “cánh cửa thép” ở hướng Đông cho các lực lượng của ta tiến vào Sài Gòn. Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Sư đoàn 6 trong đội hình Quân đoàn 4 tiến đánh trên trục đường 1, thị xã Biên Hòa, cùng Sư đoàn 341 chiếm các mục tiêu: Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy, Bộ Tư lệnh Sư đoàn không quân 5 và sân bay Biên Hòa, sau đó tiến về mục tiêu Dinh Độc Lập.
Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất (1975), đồng chí Đặng Ngọc Sỹ được cử đi học tại Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Hoàn thành khóa học, đồng chí nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 7 (1981-1984). Năm 1984, đồng chí được bổ nhiệm Phó Tư lệnh Quân khu 7 và được thăng quân hàm Thiếu tướng. Từ tháng 7-1986 đến năm 1989, đồng chí giữ trọng trách Phó Tư lệnh Quân khu 7, Tư lệnh Mặt trận 779. Những năm từ 1986 đến 1989, là giai đoạn cuối ta giúp bạn Campuchia, với cương vị Tư lệnh Mặt trận 779, đồng chí Đặng Ngọc Sỹ chỉ huy các đơn vị giúp bạn và cùng bạn đánh bại các chủ trương, thủ đoạn của địch; giữ vững và phát triển ba phong trào ở cơ sở, xây dựng thực lực cách mạng phát triển toàn diện với số lượng đông (ba thứ quân, Đảng, Đoàn, nòng cốt, chính quyền và đoàn thể quần chúng). Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, từ tháng 10-1989, đồng chí Đặng Ngọc Sỹ là Phó Tư lệnh Quân khu 7.
Ngày 9-12-2004, do tuổi cao, sức yếu và bệnh hiểm nghèo, đồng chí Đặng Ngọc Sỹ đã từ trần để lại niềm tiếc thương cho gia đình và đồng đội. Hơn 50 năm hoạt động cách mạng, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia, chiến đấu trên các chiến trường gian khổ, ác liệt nhất ở miền Đông Nam Bộ, Thiếu tướng Đặng Ngọc Sỹ luôn quán triệt đường lối chính trị, quân sự của Đảng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đối với đồng đội, đồng chí, gia đình, đồng chí luôn giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, cao đẹp, sống có nghĩa, có tình, thủy chung, mẫu mực. Ghi nhận những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Đặng Ngọc Sỹ được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, Nhì; 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.