Đại tướng Phùng Quang Thanh là một vị tướng tài ba, một nhà chỉ huy-quản lý xuất sắc, có tầm nhìn chiến lược, đã được tôi luyện, trưởng thành qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong 10 năm trên cương vị Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí đã cùng Quân ủy Trung ương tham mưu cho Đảng, Nhà nước vận dụng đúng đắn đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, từng bước xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh và kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng.
Trong đó, có một vấn đề rất được Bộ trưởng Phùng Quang Thanh quan tâm, đó là “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng thành bộ phận quan trọng của tiềm lực quốc phòng, an ninh quốc gia, có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại; coi trọng phát triển nguồn nhân lực, nguồn lực khoa học-công nghệ cho công nghiệp quốc phòng”.
Thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đối với Đại tướng Phùng Quang Thanh-người đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và Công nghiệp quốc phòng Việt Nam nói riêng, cán bộ, chiến sĩ, người lao động ngành công nghiệp quốc phòng nhớ mãi những tình cảm, sự quan tâm của Đại tướng, nhất là những dấu ấn nổi bật khi Đại tướng trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã cùng Quân ủy Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng phát triển.
Đại tướng Phùng Quang Thanh cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng tham quan sản phẩm do Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng sản xuất, tháng 9-2020. Ảnh: TIẾN ĐẠT
Đại tướng Phùng Quang Thanh đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng và đề xuất Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng
Năm 2008, trước thực trạng ngành công nghiệp quốc phòng đã có bước phát triển mới nhưng tổ chức thực hiện còn nhiều vấn đề bất cập, các văn bản đã ban hành vẫn chỉ quy định những nguyên tắc chung, chưa quy định cụ thể những nhiệm vụ, tổ chức hoạt động, xây dựng quy hoạch, kế hoạch cũng như nguồn lực, chính sách của Nhà nước và cơ chế quản lý theo yêu cầu mới đối với công nghiệp quốc phòng. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã chỉ đạo xây dựng Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng là một lộ trình, nhằm tạo cơ sở pháp lý xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng trở thành bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng ra đời phản ánh tư duy chiến lược của Đại tướng Phùng Quang Thanh. Đến nay, sau hơn 12 năm thực hiện pháp lệnh, công nghiệp quốc phòng đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng: Cơ bản hoàn thiện về tổ chức hoạt động công nghiệp quốc phòng từ cơ quan quản lý nhà nước đến các cơ sở; tổ chức lực lượng công nghiệp quốc phòng đã từng bước được củng cố theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, gắn nghiên cứu thiết kế với sản xuất, sản xuất với sửa chữa; năng lực công nghiệp quốc phòng đã được phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, đáp ứng một phần quan trọng về nhu cầu trang bị mới và sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật cho quân đội; sản xuất được nhiều mặt hàng phục vụ kinh tế dân sinh, đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đại tướng Phùng Quang Thanh cùng Quân ủy Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo
Năm 2011, sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 16-6-2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2010, đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm của công nghiệp quốc phòng, cũng như tiềm lực quốc phòng, an ninh đất nước. Tuy nhiên, nhìn chung năng lực công nghiệp quốc phòng của nước ta vẫn ở mức trung bình so với các nước trong khu vực; các dây chuyền, thiết bị công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp; mới đảm bảo việc sửa chữa, duy trì và nâng cấp số vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có lúc bấy giờ, sản xuất một số loại vũ khí cho bộ binh; chưa có khả năng nghiên cứu thiết kế và sản xuất vũ khí hiện đại, công nghệ cao. Tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý còn nhiều bất cập; quy mô các đơn vị công nghiệp quốc phòng nòng cốt vẫn nhỏ lẻ và phân tán, hiệu quả thấp.
Trước thực tế đó, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đây là nghị quyết hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng nước ta, lãnh đạo, chỉ đạo nhiều mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm mới, giúp ngành công nghiệp quốc phòng có bước phát triển lớn mạnh như hiện nay.
Quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, đồng chí đã cùng tập thể Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai có hiệu quả nhiều đề án, kế hoạch, chương trình đầu tư, nghiên cứu phát triển các loại vũ khí trang bị kỹ thuật mới. Triển khai đồng bộ các dự án súng bộ binh, ngòi đạn pháo, di dời Nhà máy đóng tàu Ba Son và các dự án đầu tư khác có hàm lượng khoa học công nghệ cao, hiện đại. Nhờ đó, đến nay, việc bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật cho quân đội đã chuyển dần từ mua sắm, lắp ráp là chính sang làm chủ nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất trong nước; trong đó đã làm chủ nhiều công nghệ lõi; từng bước khẳng định công nghiệp quốc phòng là một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia và của tiềm lực quốc phòng, an ninh đất nước. Công nghiệp quốc phòng đã nghiên cứu, phát triển và sản xuất được nhiều chủng loại vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới, như: Vũ khí lục quân thế hệ mới, tàu quân sự hiện đại, thông tin liên lạc, ra-đa và một số loại vũ khí công nghệ cao... đáp ứng cơ bản nhu cầu cho lực lượng lục quân và góp phần quan trọng hiện đại hóa các lực lượng hải quân, phòng không-không quân, thông tin liên lạc, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật, tình báo, tác chiến không gian mạng,... giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngân sách nhà nước.
10 năm Đại tướng Phùng Quang Thanh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của ngành đóng tàu quân sự và bước đầu đặt nền móng xây dựng, phát triển các vũ khí công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại tướng Phùng Quang Thanh khi trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra và động viên cán bộ, công nhân Tổng công ty Ba Son. Ảnh: Bộ Quốc phòng.
Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu phát triển, sản xuất quốc phòng và kinh tế; xây dựng đội ngũ nhân lực có trách nhiệm, năng lực ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ
Từ khi trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Phùng Quang Thanh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới các cơ sở công nghiệp quốc phòng; thường xuyên thăm, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ tại các viện nghiên cứu, nhà máy công nghiệp quốc phòng. Đặc biệt, Đại tướng luôn quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững an toàn trong sản xuất, nghiên cứu chế thử và tạo lập vành đai an toàn cho các nhà máy, nhất là các đơn vị liên quan đến sản xuất thuốc phóng, thuốc nổ.
Đến nhà máy nào, đồng chí cũng ân cần động viên đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân viên cần phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường, chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sửa chữa nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm quốc phòng, phục vụ phát triển kinh tế. Đồng chí nhắc nhở lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị thường xuyên quan tâm đến chế độ, chính sách, bảo đảm tốt việc làm, không ngừng nâng cao đời sống đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động và thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Các chương trình “Nhà công vụ”, “Nhà trẻ, mẫu giáo” đã được Đại tướng Phùng Quang Thanh chỉ đạo triển khai có hiệu quả, tạo điều kiện cho người lao động an tâm công tác, cống hiến cho công nghiệp quốc phòng.
Khi đến thăm Viện Vũ khí (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng), đồng chí đã chỉ đạo xây dựng viện theo hướng hiện đại và nhấn mạnh, để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, các viện nghiên cứu nói chung, Viện Vũ khí nói riêng cần xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn giỏi; phải làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học; đồng thời Bộ trưởng cũng giao các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất các chế độ đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ cán bộ nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí. Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành công nghiệp quốc phòng vô cùng xúc động trước tình cảm, sự quan tâm, chăm lo chu đáo với trách nhiệm rất cao của Đại tướng Phùng Quang Thanh khi đồng chí chỉ đạo khắc phục sự cố cháy nổ tại Nhà máy Z121 năm 2013, giúp các gia đình nạn nhân vơi nỗi đau, sớm ổn định cuộc sống, người lao động ổn định tư tưởng, nhà máy nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Với tư duy và tầm nhìn chiến lược, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có nhiều chủ trương lớn trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng. Trong đó, tư tưởng cốt lõi là: Phải gắn sản xuất quốc phòng với sản xuất kinh tế dân sinh, gắn công nghiệp quốc phòng với nền công nghiệp quốc gia; phát triển công nghiệp quốc phòng có trình độ công nghệ tiên tiến, hiện đại gắn với đổi mới cơ chế quản lý; phát triển đội ngũ cán bộ, công nhân gắn bó với các nhà máy quốc phòng. Thực hiện những chỉ đạo của Đại tướng và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, những năm qua Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là cơ quan tham mưu giúp Bộ Quốc phòng thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng thành bộ phận quan trọng của tiềm lực quốc phòng, an ninh quốc gia.
Đại tướng Phùng Quang Thanh mãi đi xa, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ toàn ngành công nghiệp quốc phòng vô cùng tiếc nhớ và nguyện sẽ nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện, lao động và sản xuất, góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội hiện đại như mong muốn và tâm huyết của Đại tướng.
Trung tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG
Chính ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng
Nguồn: qdnd.vn