Các cựu chiến sĩ Biệt động Thị xã Long Khánh bên mộ đồng đội.
Nằm ở vị trí khá yên tĩnh bên Quốc lộ 1, những ngày tháng 4 lịch sử này, Nghĩa trang Liệt sĩ Thị xã Long Khánh luôn nghi ngút khói hương... Bên những mộ phần của các chiến sĩ thuộc Sư 341, Sư 7, Quân đoàn 4 và Sư 6 chủ lực Quân khu 7, những người đã ngã xuống trong trận chiến đập tan “Cánh cửa thép” năm xưa, còn là nơi yên nghỉ của những người lính cảm tử trong đội Biệt động Thị xã Long Khánh năm xưa, đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ lại, những “cựu Biệt động” của Thị xã Long Khánh vẫn không quên hành động dã man, vô nhân đạo của kẻ thù.
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Đội biệt động Thị xã Long Khánh được thành lập tháng 7-1966, với quân số lúc đầu là 3 người, sau có thời điểm lên đến 26 người, có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Thị ủy Long Khánh, đột nhập nội ô diệt ác, trừ gian. Bằng sự mưu trí, sáng tạo, vô cùng dũng cảm, những người lính đội Biệt động Thị xã Long Khánh đã có những trận đánh gây được tiếng vang, làm cho kẻ thù kinh sợ như: trận đánh Đồn Ông Thước, đánh vào Tòa hành chính tỉnh Long Khánh, xóa sổ khu tình báo 33 Ngụy quyền Sài Gòn diệt toàn bộ bọn đầu não “chống cộng” ở Long Khánh... “Đã quyết đánh là phải đảm bảo chắc thắng, còn không thì hy sinh, tổn thất vô cùng lớn, chính vì vậy mà khi được giao nhiệm vụ chúng tôi rất quyết tâm, tính toán cẩn thận, tỉ mỉ, nhờ đó mà những trận điển hình như đánh Đồn Ông Thước, Khu 33, nơi đào tạo tình báo của Mỹ, Ngụy, chúng không bao giờ ngờ tới là Việt Cộng có thể sờ được thì chỉ tầm nửa giờ đồng hồ đột nhập, chúng tôi đã san bằng tất cả”. Ông Đào Bá Lượng, nguyên thành viên Đội Biệt động Thị xã Long Khánh chia sẻ.
Gần 10 năm, kể từ khi thành lập đến ngày miền Nam hoàn toàn thống nhất, đội Biệt động Thị xã Long Khánh đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ khác nhau (chưa kể các trận hợp đồng với bộ đội chủ lực), tiêu diệt và làm bị thương 4.401 tên giặc, gây tổn thất nhiều vũ khí, khí tài của địch...
Xem lại những tư liệu, hình ảnh về Đội Biệt động Thị xã Long Khánh.
Lịch sử hào hùng nơi chiến trường khốc liệt thuộc cửa ngõ Đông – Bắc Sài Gòn được viết bằng máu của những người lính biệt động dũng cảm, nhưng cũng rất nhân văn, cao cả như: Năm Được, Phạm Thanh Mừng, Đào Bá Lượng, Hai Nở, Bảy Lỳ... “Đã là lính biệt động thì không bao giờ nghĩ đến cái chết, khi giao nhiệm vụ, ai cũng xung phong, nhưng chúng tôi quán triệt rất kỹ, dù kẻ thù có tàn ác thế nào thì chúng ta cũng phải hành xử đảm bảo tính nhân đạo, nhân văn của người cộng sản. Bản thân tôi cùng với các thành viên trong tổ, một lần đột nhập diệt ác trừ gian đã bị một tên bắn lén vào chân, để lại thương tật hạng 4/4, nhưng khi bắt được nó, mình cũng khoan hồng, làm cho nó và người thân vô cùng cảm kích…”. Ông Phạm Thanh Mừng, nguyên đội trưởng Đội Biệt động Thị xã Long Khánh chia sẻ.
Những chiến công thầm lặng của Đội Biệt động Thị xã Long Khánh đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1976...
Thị xã Long Khánh hôm nay thật hiền hòa, xinh đẹp, và những người con đã từng đi qua cuộc chiến, cùng thế hệ trẻ hôm nay luôn gìn giữ và viết tiếp những trang sử vẻ vang trên mảnh đất Miền Đông gian lao mà anh dũng đã làm nên những kỳ tích tự hào về một thời đánh Mỹ đầy cam go, ác liệt.