Một mình đánh cả đại đội địch
Năm 1972, Đỗ Văn Rồng nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và chiến đấu tại chiến trường Thừa Thiên Huế. Tham gia hàng chục trận đánh, nhưng lão nông Đỗ Văn Rồng không thể nào quên trận đánh sinh tử ngày 10.8.1974, ông nhớ và kể lại: “Khi đang trực chiến một mình, tôi phát hiện một đại đội địch quân có sự yểm trợ của xe tăng tiến lên đèo Lai Hy. Tôi liền báo ngay cho đồng chí Chinh - khi đó là Chính trị viên tiểu đoàn, đồng chí Chinh chỉ đạo một mình cũng đánh và chờ đồng đội tiếp viện. Nhận được lệnh cùng với 120 quả cối 82 ly, tôi cấp tập vào phía địch khiến đại đội địch quân tan rã, làm cháy 2 xe DMC của địch”.
Sau trận đánh vang dội đó, Đỗ Văn Rồng được tiểu đoàn kết nạp vào hàng ngũ của Đảng, đồng đội cũng ca ngợi ông đánh giặc như “Rồng phun lửa”.
Đất nước hoàn toàn thống nhất, Đỗ Văn Rồng rời quân ngủ trở về quê nghèo Thái Bình lập gia đình. Nhưng cái nghèo lại đeo đẳng người cựu binh khi gia đình không có nỗi cục đất chọi chim, kinh tế nuôi con phụ thuộc vào việc làm thuê làm mướn. “Năm 1980 nhà nước phát động phong trào đi kinh tế mới, tôi bàn với vợ dắt nhau vào Bình Phước lập nghiệp. Vì có đi thì mới được cấp đất làm ăn, ở nhà làm thuê mướn biết khi nào khấm khá”, Lão nông Đỗ Văn Rồng nhớ lại.
Tay không dựng nên cơ đồ
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cao su và vườn điều, vừa đi ông Rồng vừa kể: “ Khi vào tới đất Phú Riềng Đỏ (nay là huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), gia sản của tôi chỉ có chiếc ba lô con cóc cùng với người vợ ốm yếu và hai con nhỏ, lại còn có cả hai mẹ già cùng theo. Riêng tôi cũng bị sốt rét triền miên, có những lúc tưởng chừng không vượt qua nỗi cơ bạo bệnh và đói nghèo”.
Để có cái ăn, cái mặc Đỗ Văn Rồng xin vào làm công nhân cho công ty cao su Đồng Phú và phát triển vườn cây gia đình nhằm lấy ngắn nuôi dài. Dần dần, gia đình tích cóp được đồng vào, đồng ra. Năm 1992, giá cao su rớt thê thảm khiến nhiều nông dân bán vườn đổi nghề, đó cũng là lúc Đỗ Văn Rồng quyết định con đường làm giàu. “Nhiều đêm trằn trọc với ý nghĩ cứ sống đời công nhân nghèo biết khi nào khấm khá, phải kiếm kế làm giàu. Những lúc ấy cứ văng vẳng bên tai tôi câu nói của Bác Hồ với bộ đội: "các chú đánh giặc giỏi thì cũng phải biết làm kinh tế giỏi”, mệnh lệnh trái tim đó thúc ép tôi phải làm giàu bằng chính nghề nông của mình.
Thế là Đỗ Văn Rồng quyết định mua đất trồng cao su trong thời điểm giá cao su đang xuống dốc. “Khi thấy tôi chở phân bón vào vườn để trồng cao su, nhiều người cho rằng tôi khùng hay sao mà đi trồng cao su thời điểm rớt giá. Mặc kệ lời ong, tiếng ve, tôi cứ bỏ ngoài tai kiên trì làm vườn, chăm cây. Bản chất lính cụ Hồ đã rèn cho tôi tính kiên trì sẽ có thành công, nhờ vậy mà vườn cao su của tôi rất tốt, cây sống trên 90%”, ông Rồng tâm sự.
Rồi thành công cũng đến, từ năm 1998 đến năm 2000 giá cao su liên tục tăng vọt cũng là lúc vườn cao su của ông Rồng vào tuổi thu hoạch. Những năm đó theo ông Rồng, vườn cao su mang lại lợi nhuận cho gia đình 4 tỷ đồng/năm. Đó cũng là lúc những nông dân bán vườn cao su chuyển nghề mới vỡ lẻ: “Lão Rồng đâu có khùng đâu, lão giỏi hơn người đấy. Mua cao su rớt giá chờ thời, giờ đã thành đại gia rồi, khùng như lão ai cũng muốn khùng”.
Phất lên nhờ cao su tăng giá, lão nông Rồng lại tiếp tục mở rộng vườn cao su. Đến nay, trong tay ông đã có 14 ha cao su đang vào tuổi thu hoạch. Ngoài ra, ông còn mua thêm đất, mở rộng trồng thêm 2ha vườn điều với mỗi mùa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tính cả vườn cao su và vườn điều, dù đang rớt giá mỗi năm vẫn mang lại cho gia đình ông Rồng thu nhập gần 1 tỷ đồng.
Lão nông Hai Rồng (bên phải) cùng cán bộ Hội nông dân tỉnh Bình Phước, đang thăm vườn cao su mỗi năm cho thu nhập cả tỷ đồng
Theo anh Lê Lý Tưởng, Trưởng ban kinh tế Hội Nông dân tỉnh Bình Phước thì vườn điều nhà ông Rồng chưa bao giờ lỗ, cho dù trong cả thời điểm rớt giá vừa qua vẫn bán được 40-42 ngàn đồng/kg. Hỏi về bí quyết này, ông Rồng cho hay, để điều không rớt giá phải bón thúc làm sao để điều ra trái trước vụ khoảng một tháng. “Thường thì người ta dùng phân bón lá xịt lên cây để kich thích tăng trưởng, riêng tôi thì xịt thẳng vào góc điều, làm như vậy cây tăng trưởng nhanh và cho trái sớm trước vụ. Khi cây điều của người ta đang kết trái thì vườn điều của tôi đã thu hoạch nên bán được giá”, ông Rồng chia sẻ.
Cũng theo anh Tưởng, vườn cao su và điều của ông Rồng còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục công nhân với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng. “Tôi đang tính trồng xen canh thêm chuối, mít và các cây ăn quả khác. Mở rộng vườn rau sạch, nuôi thêm đàn gà, đàn lợn… để tự cung, tự cấp thực phẩm cho gia đình và nuôi công nhân mà không để vợ nhọc công đi chợ hàng tháng”, Lão nông Rồng cho hay.
Không chỉ thành công về kinh tế, lão nông Rồng với vườn sao su, vườn điều đã nuôi ba đứa con ăn học thành tài. Hiện nay, đứa con gái đầu đang là thạc sĩ, bác sĩ của bệnh viện Da Liễu Sài Gòn. Đứa con gái thứ hai cũng đang thành công trong nghề báo ở TP.HCM, riêng đứa con trai út du học Úc trở về đang làm cho một công ty lớn ở tỉnh Bình Phước. Ngoài tiền nuôi con ăn học, lão nông Rồng còn xây cho mình căn biệt thự tiền tỷ khang trang, mua xe hơi và mua cả nhà ở Sài Gòn cho các con.
Và một ông “Hai Rồng” từ thiện
Không chỉ là gương sáng trong lao động, sản xuất lão nông Rồng còn là một người sống đầy tình nghĩa khiến bà con xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú gọi ông bằng cái tên trìu mến “ông Hai Rồng từ thiện”.
Năm 1994, dù chưa giàu nhưng ông đã cưu mang một gia đình đồng đội khó khăn vào Đồng Xoài lập nghiệp khi cho đất xây nhà, cho vườn, cung cấp cây và con giống đề làm ăn. Tạo điều kiện cho 20 hộ đồng bào Stiêng vào vườn cao su của gia đình tận thu mủ chén, mủ dây…có thu nhập trang trải cuộc sống. Ông Rồng cũng từng nhận nuôi một trẻ tật nguyền, mồ côi của đồng bào Stiêng, ủng hộ sách vở cho con em nghèo; tham gia đóng góp tiền xây dựng nhà tình thương, nhà nghĩa tình đồng đội ở thôn, xã… Ngoài việc làm từ thiện, Hai Rồng còn là người tích cực tham gia công tác xã hội, đoàn thể tại địa phương một cách tự nguyện đầy tích cực.
Với gương sáng vươn lên trong lao động, sản xuất hơn 10 năm liền lão nông Đỗ Văn Rồng đã được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương. Cái tên Rồng của ông cũng là kỷ niệm như chuyện cổ tích. Mẹ ông, nghèo nên mang thai ông cận ngày sinh vẫn phải ra đồng đến nỗi đẻ rớt xuống ruộng nước, vậy mà ông sống. Từ đó, cha ông đặt tên ông là Rồng ví như ông vừa sinh ra đã vũng vẫy như Rồng trong nước. Cũng nhờ sức mạnh như “”Rồng” mà ông đã vượt qua biết bao khó khăn, vươn lên làm giàu. Dù nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng như ông bảo “vẫn là một lão nông khỏe như Rồng, không hề nghĩ đến chuyện dưỡng già, còn sức là còn “chiến đấu”. |