Bước nhảy vọt trong chi viện hỏa lực pháo binh
Tướng John Murray, Tư lệnh Bộ chỉ huy tương lai nói với các phóng viên tại Hội nghị thường niên của quân đội Mỹ: "Tại căn cứ quân sự Yuma Proving Ground (bang Arizona), chúng tôi đã thử nghiệm loại pháo tăng được gấp đôi tầm bắn".
Hiện nay lực lượng Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ phần lớn được trang bị các loại pháo tự hành; loại pháo xe kéo không nhiều, phần lớn là loại siêu nhẹ M777.
Để tăng sức công phá cũng như đơn giản trong công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật, dù là pháo tự hành hay pháo xe kéo, quân đội Mỹ đều sử dụng chung loại đạn 155 mm theo chuẩn của khối NATO, thường có tầm bắn tối đa khoảng 30 km. Việc cải tiến, nâng tầm bắn của pháo lên 62 km, đánh dấu bước nhảy vọt đáng kể trong khả năng chi viện hỏa lực tầm xa.
Trong nguyên tắc chiến thuật quân đội Mỹ, nhiệm vụ đảm bảo hỏa lực phần lớn do lực lượng không quân chiến thuật đảm nhiệm, pháo binh chỉ là thứ yếu; vì vậy việc đầu tư phát triển các hệ thống pháo binh ít được quân đội Mỹ quan tâm đầu tư.
Dẫu không sở hữu đa dạng nhiều chủng loại pháo như quân đội Nga hay Trung Quốc, tuy nhiên quân đội Mỹ vẫn sở hữu những loại pháo có tính năng kỹ, chiến thuật đứng hàng đầu thế giới như pháo phản lực phóng loạt M270, pháo tự hành 155 mm M109A7 Paladin và đặc biệt là hệ thống pháo xe kéo siêu nhẹ M777.
Phiên bản XM907 cải tiến từ M777 cho tầm bắn trên 70 km
Pháo M777 có tầm bắn tối đa 24 km, khi sử dụng đạn tăng tầm phản lực có tầm bắn tối đa 30 km; trong tương lai, pháo M777 sẽ dần thay thế các hệ thống pháo tự hành trong các đơn vị phản ứng nhanh của quân đội Mỹ, do trọng lượng pháo nhẹ, có thể dễ dàng vận chuyển bằng đường không và thích hợp chiến đấu ở địa hình đồi núi như Afghanistan.
Cuộc chiến Ucraina - "Cuộc gọi đánh thức" đối với quân đội Mỹ
Cuộc xung đột ở miền Đông Ucraina như một "cuộc gọi đánh thức" đối với các nhà lãnh đạo quân đội Mỹ, Murray giải thích rằng vũ khí chiến thuật của Nga gây ra mối quan tâm đặc biệt của chỉ huy quân đội Mỹ.
“Ở Ucraina, chúng tôi đã thấy sự kết hợp hoàn hảo của máy bay không người lái với pháo binh; họ sử dụng máy bay không người lái làm các đài quan sát sửa bắn; cơ cấu tổ chức và chiến thuật sử dụng pháo binh của họ là một "cuộc gọi đánh thức" để chúng tôi bắt đầu xem xét một chiến lược nghiêm túc hơn”, Murray giải thích.
Chương trình phát triển vũ khí chiến thuật mặt đất của quân đội Mỹ còn được gọi là ERCA nhằm giải quyết vấn đề này. Công ty Picatinny Arsenal đang cải tiến, nâng tầm bắn cho loại pháo xe kéo M777A2 bằng giải pháp kéo dài nòng pháo; cùng với đó là kết cấu của pháo cũng phải thay đổi, đảm bảo pháo đạt tầm bắn trên 70km.
Các kỹ sư của công ty Picatinny Arsenal đã áp dụng một loạt giải pháp công nghệ như công nghệ chế tạo nòng pháo, thiết kế bộ phận hãm lùi, loa giảm giật và đặc biệt là phát triển các loại đạn mới; trong đó hướng ưu tiên là phát triển loại đạn tăng tầm, lắp động cơ phản lực.
Pháo M777 bắn thử đạn tăng tầm phản lực
Loại pháo M777 sau cải tiến có tên là XM907 (hoặc M777ER), dùng đạn pháo tăng tầm kiểu phản lực XM1113, bộ nạp đạn tự động XM654 và hệ thống điều khiển hỏa lực mới. Cho dù trọng lượng sau cải tiến có tăng lên, nhưng không ảnh hưởng đến khả năng cơ động (cả khi xe kéo hoặc khi vận chuyển bằng đường không).
Cùng với việc nâng tầm bắn lên 70 km là việc sử dụng các loại đạn có điều khiển chính xác, một trong những loại đạn có điều khiển đã được đưa vào sử dụng là loại đạn Excalibur, có cơ chế dẫn đường bằng vệ tinh GPS.
Với việc sử dụng loại pháo tầm xa, bắn đạn điều khiển có mức chính xác cao, do vậy các hệ thống pháo binh này được đánh giá ngang ngửa với các hệ thống tên lửa chiến thuật như DeepStrike nhưng có giá thành rẻ hơn nhiều lần.
Tạo thế cân bằng với pháo binh Nga và Trung Quốc
Trong điều kiện hiện nay, những mối đe dọa mới liên tục xuất hiện, các đối thủ của quân đội Mỹ, kể cả những đạo quân bán chuyên nghiệp như Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS cũng sở hữu vũ khí chính xác, có tầm bắn xa, áp dụng công nghệ C4ISR hay máy bay không người lái…Trong khi đó các nước như Nga hay Trung Quốc đã phát triển các hệ thống pháo tầm xa cũng có tầm bắn trên 70 km, đồng thời đưa vào trang bị nhiều vũ khí lục quân hiện đại như xe tăng T-90, T-14 Armata, có khả năng sát thương từ xa. Đây là những vấn đề thực tiễn đặt ra cho các nhà phát triển vũ khí quân đội Mỹ.
Trong thực tế, mục đích của chương trình ERCA là thiết kế những vũ khí có tính năng vượt trội so với những đối thủ như Nga và Trung Quốc.
Quân đội Nga hiện đang sản xuất và đưa vào trang bị loại pháo tự hành 2S33 Msta-SM2; đây là khẩu pháo có cỡ nòng 152mm, được cải tiến từ khẩu 2S19 Msta phát triển dưới thời Liên Xô; 2S33 đạt tầm bắn hơn 40km, lớn hơn đáng kể so với cự ly 25km của khẩu 2S19 Msta.
Pháo tự hành 2S19 Msta-S được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực tự động với bản đồ kỹ thuật số, máy tính đạn đạo và hệ thống định vị vệ tinh.
Đầu năm nay, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, một số hệ thống pháo tự hành 2S19 Msta-SM2 đã được biên chế cho quân khu phía Tây (Volgograd), tiền đồn với NATO.
Do vậy việc quân đội Mỹ nhanh chóng đưa các hệ thống pháo cải tiến vào biên chế, sẽ đảm bảo cho quân đội Mỹ có ưu thế vượt trội về hỏa lực pháo binh trên chiến trường.
Trong khi hoan nghênh việc nâng tầm bắn cho pháo binh, quân đội Mỹ tiếp tục yêu cầu phát triển các cảm biến, hệ thống tính toán phần tử bắn cũng như các thiết bị trinh sát phát hiện mục tiêu hiện đại hơn; góp phần nâng cao mức chính xác cho pháo binh.
"Chúng tôi có thể chế tạo những loại pháo có tầm bắn xa hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là giúp giải quyết các vấn đề trên chiến trường; chúng tôi phải biết chính xác tọa độ, tính chất mục tiêu, nhất là những mục tiêu bị che lấp bởi địa hình; do đó phải phát triển đồng bộ các thiết bị đi cùng, thì mới phát huy được hiệu quả của các loại pháo tầm xa", Đô đốc Rich Hornstein, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, phát triển vũ khí của quân đội Mỹ (AMRDEC) cho biết.
Cùng với việc cải tiến nâng cấp pháo M777, quân đội Mỹ cũng đang tiến hành cải tiến nâng tầm bắn của các loại pháo 155mm hiện có lên đến 40km (tăng thêm 10km), bằng việc sử dụng đạn tăng tầm XM1113.
Bên cạnh việc tăng tầm bắn cho các loại pháo có sẵn trong biên chế, quân đội Mỹ cũng tăng cường sử dụng các loại đạn có điều khiển (dẫn đường bằng laser hoặc tín hiệu vệ tinh GPS), sử dụng ngòi nổ thông minh và thuốc nổ không nhạy nổ nhằm tăng mức độ an toàn.
Đạn tăng tầm phản lực XM1113