Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Nay là Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Ngay sau ngày lịch sử ấy, ngày 3/9/1945, trong cuộc họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những nhiệm vụ cấp bách, trong đó có việc tổ chức cuộc Tồng tuyển cử. Người chỉ rõ: “Trước do chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều phải có quyền bầu cử và ứng cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia ứng cử ở Thủ đô Hà Nội. Nhân dân ngoại thành Thủ đô và nhiều nơi kiến nghị lên Hồ Chủ tịch, đề nghị Người không phải ra ứng cử và hứa ủng hộ vĩnh viễn Chính phủ Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cảm ơn đồng bào, trong thư Người viết: “Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi, mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới. Nhưng tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở thành phố Hà Nội, nên không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa. Tôi xin thành thực cảm tạ toàn thể đồng bào nam, phụ, lão, ấu khu vực ngoại thành Hà Nội” .
Trước ngày Tổng tuyển cử 6/1, chiều ngày 5/1/1946, Bác Hồ cùng các ứng cử viên tại Thủ đô Hà Nội đã đến khu Việt Nam học xá (Đại học Bách khoa Hà Nội bây giờ) gặp gỡ cử tri Hà Nội. Trước đông đảo cử tri Hà Nội, Bác Hồ nói: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất dịnh không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy” .
Trên trang nhất báo “Cứu quốc” ra đúng ngày Tổng tuyển cử 6/1/1946 trang trọng đăng bài viết của Bác Hồ kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu. Bác viết: “Ngày 6/1, già trẻ, gái trai từ 18 tuổi trở lên hãy mạnh dạn bước vào buồng bỏ phiếu”. Bác nhắc nhở: “Những người trúng cử thì phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn nhớ và thực hành câu “Vì lợi nước, quên lợi nhà. Vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với Tổ quốc”.
Đúng ngày bầu cử 6/1, làm xong nghĩa vụ công dân của mình, Bác đi thăm đồng bào đi bỏ phiếu bầu cử ở ven Hồ Tây. Bà con dân làng An Thái đang nô nức đi bỏ phiếu bầu cử thì bất ngờ được Bác Hồ về thăm. Cho đến nay, 70 năm đã trôi qua, chuyện Bác Hồ về thăm làng An Thái còn được các bậc cao niên và dân làng tự hào lưu truyền, ca ngợi.
Chỉ sau sự kiện lịch sử Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ít ngày, ngoài Bắc thì lính Tàu Tưởng, trong Nam thì quân đội Anh lấy danh nghĩa quân Đồng Minh vào Việt Nam tước vũ khí phát xít Nhật thua trận. Lợi dụng cơ hội này, thực dân Pháp núp bóng quân Anh kéo vào nhằm xâm lược nước ta một lần nữa. Hàng ngày, lính Pháp đã gây rất nhiều chuyện quấy rối, bức xúc trong thành phố Sài Gòn và nhiều nơi ở miền Nam. Rồi không lâu, ngày 23/9/1945, quân đội Pháp đã công khai nổ súng đánh chiếm các công sở chính quyền của ta ở thành phố Sài Gòn. Trong khi ở miền Bắc, miền Trung, nhân dân đi bỏ phiếu vui như ngày hội, thì tại Sài Gòn và các tỉnh phía Nam, nhiều nơi Nhân dân đi bỏ phiếu bầu cử dưới làn súng đạn phá hoại bầu cử của thực dân Pháp cướp nước và bọn phản động bán nước.
Cuối cùng, Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã thắng lợi hoàn toàn trong cả nước. Trong số 333 đại biểu trúng cử có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái. 87% số đại biểu là nông dân, công nhân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu là phụ nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số là kết quả trực tiếp của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến nay, đã 70 năm trôi qua nhưng càng làm sáng tỏ tầm nhìn xa trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trong lúc cả nước đang phải dồn sức chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm thì Bác Hồ không quên lãnh đạo tiến hành bằng được cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước để bầu ra Quốc hội đầu tiên, làm điểm tựa để Chính phủ và Hiến pháp ra đời. Thắng lợi và ý nghĩa vĩ đại của cuộc Tổng tuyển cử vẫn mãi còn khắc sâu và là động lực góp phần làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
PHẠM NHƯ HÙNG