(QK7 Online) - Những bước chân không mỏi mang con chữ đến với bà con đồng bào dân tộc thiểu số; những mô hình mới, cách làm hay giúp dân xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... Đó là những việc làm ý nghĩa của trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KTQP) Lâm Đồng, thuộc Dự án “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu KTQP giai đoạn 2021 - 2030”.
Phát triển kinh tế, xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh
Dấu chân đội trí thức trẻ tình nguyện tại Đoàn KTQP Lâm Đồng đã cùng với cán bộ, chiến sĩ đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh. Thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” với bà con để làm tốt công tác dân vận. Họ tích cực cùng với bộ đội đến nhiều nơi vùng sâu, vùng xa tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, nói không với ma túy và các tệ nạn xã hội, hủ tục. Đặc biệt, bằng sự kiên trì, bền bỉ vận động, đồng bào đủ mọi lứa tuổi đến với lớp học xóa mù chữ ngày một đông. Đến nay, đội trí thức trẻ Đoàn KTQP Lâm Đồng đã phối hợp mở hơn 15 lớp học xóa mù chữ ở các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Di Linh, giúp trên 1.000 đồng bào biết đọc, biết viết, biết làm một số phép tính cơ bản, để phục vụ cuộc sống tốt hơn.
Những lớp học do đội trí thức trẻ phụ trách giúp bà con xóa mù chữ.
Đồng chí K’Lip, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng cho hay: Thông qua lớp học xóa mù chữ trong vùng định canh, định cư đã mang lại những kết quả tích cực và quan trọng, đó là các hộ dân khi tham gia khám chữa bệnh đã biết đọc tên thuốc, biết nhận tên mình trên thẻ bảo hiểm. Cùng với đó, khi biết chữ, bà con tham gia thi bằng lái xe để đảm bảo tham gia an toàn giao thông và có nhận thức phòng tránh các tệ nạn xã hội.
Cùng với việc dạy chữ, đội trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KTQP Lâm Đồng đã chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn bà con thực hiện hiệu quả các mô hình VAC như: chăn nuôi, chuyển đổi giống cà phê, trồng dâu nuôi tằm… Anh Ngân Văn Linh, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: Từ ngày được hướng dẫn cách nuôi tằm, gia đình đỡ vất vả hơn nhiều so với trước. Mỗi đợt nuôi, mình được khoảng 85 ký kén, giá 200 ngàn đồng/ký là cũng khấm khá.
Thêm những cơ hội để tuổi trẻ tiếp tục cống hiến
Bằng tình cảm và trách nhiệm, đội trí thức trẻ tình nguyện không quản ngại khó khăn, gian khổ, ngày đêm bám làng, bám cơ sở. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại các Khu KTQP, họ được xác định là lực lượng nòng cốt, tăng cường vào đội ngũ cán bộ tại địa phương. Đồng chí Liêng Hót Ha Hai, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông nhận định: Đối với đội trí thức trẻ tình nguyện mà Đoàn KTQP tiếp nhận, đại đa số đã tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng, đầy đủ các lĩnh vực nghề nghiệp, có thời gian được rèn luyện thực tiễn trong môi trường Quân đội... Ở góc độ địa phương, chúng tôi nhận thấy đây là nguồn cán bộ có trình độ chuyên môn, có năng lực mà địa phương chúng tôi rất cần.
Những trí thức trẻ khám sức khỏe, đáp ứng điều kiện thực hiện nhiệm vụ tại Đoàn KTQP Lâm Đồng.
Trung tá Nguyễn Trọng Thúy, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đoàn KTQP Lâm Đồng cho biết: Các lĩnh vực Đoàn KTQP quan tâm, tuyển chọn trong thời gian qua đó là sư phạm, ngành y, xây dựng, nông lâm, thú y... Đến nay có nhiều đội viên đã trưởng thành, phát triển thành cán bộ chủ chốt ở địa phương như Phó Chủ tịch UBND các xã, cán bộ ngành y ở Trung tâm y tế và nhiều lĩnh vực khác.
Đồng chí Hoàng Trần Phú Hưng (đứng) từ đội trí thức trẻ, nay là Phó Chủ tịch UBND xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.
Năm 2010, anh Hoàng Trần Phú Hưng là một trong số trí thức trẻ tình nguyện đợt đầu tại Đoàn KTQP Lâm Đồng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh được địa phương tuyển dụng công tác tại UBND xã Phi Liêng. Với vốn kiến thức đã có, anh tích cực tham mưu UBND xã xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, sau đó được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã. Anh chia sẻ: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi đã vận động, tuyên truyền người dân từng bước tiếp cận, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, xã hội cũng như gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đối với cô giáo K’Vân ở xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, sau khi hoàn thành 2 đợt tham gia trí thức trẻ tình nguyện, được địa phương tạo điều kiện về giảng dạy tại trường THCS trên địa bàn là động lực để K’Vân nỗ lực cống hiến hơn nữa, góp sức phát triển quê hương thêm giàu đẹp, văn minh.
Điều dưỡng Phạm Thị Sáng thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm y tế huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.
Còn với điều dưỡng Phạm Thị Sáng, việc được tuyển dụng công tác tại Trung tâm y tế huyện Đam Rông là một niềm vui, tự hào về quá trình cống hiến của mình. Những kiến thức, kinh nghiệm được học, trau dồi trong quá trình là trí thức trẻ tình nguyện làm hành trang để Phạm Thị Sáng thực hiện tốt nhiệm vụ hiện nay. Chị chia sẻ: Quá trình thực hiện nhiệm vụ trí thức trẻ tình nguyện, tôi đã đề xuất xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe cho người dân tại địa phương. Sau 2 năm thực hiện, bà con biết được tầm quan trọng của việc khám sàng lọc sức khỏe của mình, hàng năm đã đi khám sức khỏe định kỳ, biết mình bị bệnh gì để điều trị và biết cách chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Thêm nhiều lớp học giúp bà con xóa mù chữ, thêm những vườn cà phê, vườn dâu xanh tốt… là tín hiệu cho sự đổi thay trên địa bàn Khu KTQP Bắc Lâm Đồng. Sự đổi thay này vẫn đang cần những dấu chân tình nguyện của trí thức trẻ và những chủ trương, chính sách, những cơ hội để đội trí thức trẻ tiếp tục được cống hiến, thỏa mãn khát khao đóng góp sức trẻ làm cho vùng đất cao nguyên thêm trù phú, vững mạnh.
Lê Hoan