Ngấm tình yêu cây từ nhỏ
Tướng Hiệu cho rằng, người muốn trồng cây tốt phải say mê, chứ học đòi thì chỉ được dăm bữa nửa tháng là sinh chán, khiến cây trồng cũng hoang mang yếu ớt, khó phát triển. Nói việc trồng cây, dưỡng cây, bảo vệ cây là tốt, nhưng để mọi người cùng hiểu và làm theo đâu có dễ dàng. Đơn cử trong nhà ông, khi ông trồng cây, thì con trai ông ban đầu cũng không hiểu, không mấy quan tâm. Nhưng rồi thời gian qua đi, khi con ông trưởng thành, đã dần biết yêu và trân trọng cây cối bố trồng trong vườn nhà.
Với tướng Hiệu, việc trồng cây đã là tâm nguyện, nên đi đến đâu, nhìn thấy mảnh đất trống, không gian trống, là ông muốn trồng cây vào đó, ông suy nghĩ trồng cây gì phù hợp nhất, và sau đó hành động luôn, không để ý nghĩ trôi đi lãng phí. Với mỗi cây ông trồng, ông truyền vào đó tình cảm, tâm huyết của mình, nên cây đều lên xanh tốt, thậm chí phát triển sum suê, vạm vỡ nhanh đến không ngờ.
Ông sinh ra ở vùng Hải Long, Hải Hậu, Nam Định, nên từ nhỏ, ông đã được thấy bố mình trồng cây, chăm và tỉa tót tỉ mỉ cây cảnh ra sao. Ông nhớ mình đã mê mải ngắm bể cá cảnh hàng giờ không chán, ngắm những bông hoa bừng nở rực rỡ, quyến rũ vô tận. Ngấm tình yêu cây cối từ thuở ấu thơ, nên càng lớn lên, ông đã tự nhiên mang trong mình một niềm say mê không vơi cạn với cây xanh, hoa trái. Ông ham muốn quanh nơi mình sống luôn là cây xanh, hoa trái hài hòa. Và thật lạ lùng, khi người yêu cây, thì cây cũng như hữu duyên, cứ tự nhiên tìm về, rồi vẫy gọi nhau về khiến những nơi ông đang sống và từng sống, từng làm việc, luôn ngát xanh màu lá, luôn rực rỡ màu hoa muôn sắc.
Tình yêu cần gắn với sự thông hiểu
Tướng Hiệu cho rằng, cho dù đã có ý thức trồng cây xanh bảo vệ môi trường, đã thích việc trồng cây, nhưng kèm với đó nên có kiến thức và sự thông hiểu về cây, tác dụng với con người tùy từng hoàn cảnh và nơi trồng, mục đích trồng. Đường phố Hà Nội xưa, từ cuối thế kỷ 19 người Pháp trồng cây sấu, xà cừ, hoa sữa, cây sưa, cây sao, long não, phượng vĩ… đều đẹp và có ý nghĩa cả. Cây sấu không chỉ cho quả ăn rất tốt, mà còn có tán xanh sum suê suốt cả 4 mùa, ít sâu bệnh. Cây xà cừ cho gỗ tốt, cây khỏe khoắn, trường tồn, cây hoa sữa cho mùi thơm lãng mạn (tất nhiên nên trồng thưa), cây phượng hoa đỏ rực tạo cảm xúc vui vẻ và báo hiệu mùa thi, cây sao thẳng tắp tạo cảnh quan đẹp đẽ, cây long não trồng trong khuôn viên bệnh viện có tác dụng lọc chất độc trong không khí…
Tuy nhiên, vật đổi sao dời, ngày nay, trên đường phố, nếu chúng ta muốn thay đổi cây trồng, thì cần để các nhà khoa học vào cuộc tích cực. Ví dụ ta định trồng cây ngân hạnh để lọc khí độc, hay trồng cây vàng tâm cho gỗ quý, thì cũng cần xem xét việc phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, cảnh quan, địa hình… và cần thông tin thấu đáo để thuyết phục được người dân hiểu, từ đó đồng tình và thương mến cây cối được trồng nơi họ ở.
Về vấn đề có nên chọn trồng cây ăn quả ven đường để vừa tạo bóng mát, cảnh quan đẹp, lại là nguồn quả tươi dành cho dân nghèo hay không cũng nên đưa ra công luận và để các nhà khoa học lên tiếng. Nếu trồng cây ăn quả ven đường, theo ý kiến cá nhân tướng Hiệu thì hãy chọn loại cây dễ tính, không cần chăm sóc và dễ cho quả như nhãn, khế, xoài, vải, sung.
Ông cũng cho rằng cần khôi phục lại một số loại cây truyền thống, từng để thương để nhớ trong ký ức người Việt, như cây hoa gạo nên trồng đầu làng, cây đa nên trồng giữa cánh đồng, cây si, cây bồ đề trồng trong chùa, đền, cây cau ta trồng trước cửa nhà. Đặc biệt, ông rất gắn bó với cây cau ta. Trong ký ức ông thuở nhỏ, cây cau đã có một vị trí đầy thương nhớ với hình ảnh vườn cau ao cá sung túc đủ đầy. Cây cau ta thân thẳng đứng, tuy nhỏ nhưng kiên cường trước bão gió không gãy đổ. Hiện nay nhà ông cũng trồng 13 cây cau, nhà con trai thì trồng 11 cây, trồng cau số lẻ theo quan điểm từ xưa để lại. Ngoài cau, vườn nhà ông còn có cây si uốn thế, mai chiếu thủy, nguyệt quế, khế, lộc vừng, mộc lan, duối và nhiều nhất là phong lan do ông sưu tầm từ hồi còn chiến đấu trên rừng. Vườn tướng Hiệu bốn mùa luôn tốt tươi lá và rực rỡ các loài hoa. Chỉ trừ những khi cần phun thuốc trừ sâu bệnh cho cây là ông thuê người làm, còn hàng ngày, việc chăm sóc, tưới cây tỉa cành trong vườn nhà do chính tướng Hiệu và người thân của ông tự tay làm.
Khoác tấm áo xanh cho đất
Có thể nói tướng Hiệu đi đến đâu là màu xanh lan tỏa tới đó. Ông luôn truyền tình yêu cây cối của mình cho những người xung quanh. Tướng Hiệu là người có công lớn khởi xướng và thực hiện chương trình “Màu xanh đồng bằng”. Những mảnh đất thương tật do bom đạn, nhờ ý tưởng của ông, đã được màu xanh cây cối chữa lành. Ngay khi chiến tranh kết thúc, tướng Hiệu đã có ý thức hành động ngay để chữa trị và chăm sóc môi trường cho quốc gia. Năm 1980, với cương vị cao của mình trong quân đội, ông phát động chiến dịch “Màu xanh Đồng Bằng”, trồng 600 hectare rừng tại Bỉm Sơn-Thanh Hóa. Với công việc hay phải di chuyển của mình, cứ đi tới đâu ông trồng cây ở đó. Những cây được ông chọn trồng là cây ăn quả, cây bồ đề, cây đa, cây lấy gỗ. Tới các vùng, ông luôn vận động mọi người trồng cây như ông, trò chuyện để thay đổi nhận thức của những người ông gặp về môi trường. Tướng Hiệu kể, lúc đầu vận động người khác thay đổi thói quen thiếu trân trọng cây cối cũng khó lắm, nhưng mình cứ kiên trì giải thích, phân tích tác hại lớn từ những hành động hủy hoại nhỏ hàng ngày mà từng người đang gây ra, rồi dần dần người ta cũng hiểu ra, làm theo mình.
Trên khắp dải đất hình chữ S này, tướng Hiệu đã tự tay chọn giống và trồng 367 cây tặng cho các quân đoàn, các cơ quan, nhà chùa và nơi công cộng. Ngay từ thời 1975, khi đơn vị ông tập kết ở Đồng Xoài để chuẩn bị đánh vào Sài Gòn, sau đó tướng Hiệu đã trồng một cây đa ở khuôn viên Binh đoàn 16. Hiện nay cây đa này rất lớn, thân cây rộng cỡ hai người ôm, xanh tốt nhất vùng và được đặt tên là “Cây đa đại đoàn kết dân tộc”. Năm 1977, ông sang Ấn Độ tham quan Cách mạng xanh của họ để vận dụng tái tạo lại màu xanh cho những vùng đất bị bom đạn tàn phá ở nước ta. Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi tặng ông một cây đa, ông nâng niu mang về trồng trong khuôn viên Thành đội Quảng Trị. Hiện nay cây phát triển rất lớn, đường kính tới cả mét, có gắn bia đá ghi dấu ấn kỷ niệm, trở thành một điểm đến du lịch nơi đây. Trong cuộc chiến tranh biên giới 1979, khi bom đạn địch cày nát cả vùng đồi Vị Xuyên, tướng Hiệu tìm thấy một cây cọ nhỏ sống sót, đã trân trọng đem về trồng trong khuôn viên quân đoàn I. Cây cọ phát triển nhanh và vươn rất cao. Ngoài ra, thấy cây sa la là loại cây đẹp, lại mang ý nghĩa tâm linh, tướng Hiệu cũng mang giống về tặng cho một số chùa chiền và các nơi tưởng niệm liệt sỹ như ở Quảng Trị, Quảng Ninh…
Tướng Hiệu cho rằng cây cũng có tâm hồn. Vì thế mà cây sẽ gắn bó với người yêu cây thực sự. Giờ đây, dù tuổi đã cao, nhưng tướng Hiệu vẫn là người đi khỏe nhất, trong những chuyến đi ấy, ngoài công tác thực tiễn khoa học, còn là từ thiện và tiếp tục tìm đồng đội đã hy sinh, thì cũng còn những chuyến đi trồng cây mới, và thăm lại những bạn cây ông từng trồng qua bốn thập kỷ nay. Đó cũng là cách tướng Hiệu thực hiện tâm niệm của Bác “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.