Đại úy Lê Đăng Linh (ngoài cùng bên phải) trao trả lại tài sản cho người đánh mất.
Tôi với anh khá thân thiết bởi có thời gian cùng công tác ở Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng, câu chuyện về anh, Đại úy QNCN Lê Đăng Linh, nhân viên Quân y – Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng đã được nhiều người biết đến, được Bộ Tư lệnh Quân khu biểu dương và phát động cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu học tập hành động đẹp: “Nhặt được của rơi trả lại người đánh mất”. Đó là vào trưa ngày 24/7/2017, trên đoạn đường từ xã Đa Nhim về xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, Đại úy Lê Đăng Linh nhặt được một chiếc túi xách màu đỏ bên lề đường, khi kiểm tra bên trong thì thấy có hơn 46 triệu đồng tiền mặt, 6 chỉ vàng. Sau một tuần liên hệ, đăng thông tin trên mạng xã hội, trước sự chứng kiến của chỉ huy đơn vị, Đại úy Linh đã tìm được và bàn giao lại toàn bộ tài sản cho người đánh mất là hai vợ chồng già chạy xe ôm và làm thuê tại Đà Lạt.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Nghệ An nghèo khó, ngay từ khi còn trẻ anh đã ấp ủ ước mơ được khoác lên mình bộ quân phục màu xanh áo lính. Nhưng hành trình thực hiện ước mơ đối với chàng trai thôn quê đầy trắc trở: “Tốt nghiệp 12, tôi đăng ký thi vào Trường Sĩ quan Lục quân 2 nhưng không đậu. Gia đình đông anh em, cũng chẳng khá giả nên tôi bắt đầu phải tìm đường mưu sinh. Ở quê nhà lúc ấy, ngoài làm ruộng và cày thuê thì cũng chẳng biết làm gì khác. Một hôm tình cờ có người cô ruột đang làm ăn ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng gợi ý tôi vào Tây Nguyên tìm việc kiếm sống. Thế là tôi khăn gói vào nhà cô ở và xin làm phụ hồ cho các công trình xây dựng ở trong huyện. Tưởng cuộc sống cứ thế trôi qua, nhưng có lần cô khuyên và gợi ý tôi tìm nghề gì đó học để kiếm một công việc ổn định lâu dài. Tôi suy nghĩ và bày tỏ nguyện vọng được đi bộ đội, thế là đăng ký đi nghĩa vụ quân sự vào năm 1995, khi đó tôi bước sang tuổi 21. Ai cũng nói tôi có vấn đề”. Đại úy Lê Đăng Linh trải lòng.
Được rèn luyện và sống trong môi trường quân ngũ càng thôi thúc anh phấn đấu để có cơ hội được phục vụ lâu dài trong quân đội. Hết thời gian phục vụ tại nghĩa, anh làm đơn xin được ở lại phục vụ thêm và may mắn là một trong số ít người được chọn giữ lại đào tạo để chuyển chuyên nghiệp. Nhiệm vụ đầu tiên của anh khi chuyển chuyên nghiệp là làm lính trinh sát. Sau đó, nhờ một số tài lẻ anh tiếp tục được chọn gửi đi đào tạo quân y và bắt đầu gắn bó với nghề y cho đến hôm nay.
Đại úy Lê Đăng Linh phun thuốc khử trùng phòng chống dịch Covid – 19 tại Cơ quan Bộ CHQS tỉnh.
Những ngày qua, Đại úy Lê Đăng Linh cũng như tất cả các đồng nghiệp ở các cơ quan, đơn vị trong Quân đội và dân sự đều căng mình chống dịch Covid – 19, việc đi sớm về hôm, lịch trình bận rộn cũng là bình thường. Mỗi lần trò chuyện cùng anh là đầy ắp những kỷ niệm của đời “binh nghiệp” nhưng chủ yếu là làm công tác y tế và hậu cần ở mảnh đất Nam Tây Nguyên đầy nắng gió khắc nghiệt. Đặc biệt vào cuối năm 2011, anh tình nguyện xung phong ra Đảo Trường Sa công tác 6 tháng, trên cương vị nào anh đều tâm huyết, trách nhiệm để làm tròn phần việc của mình. Anh tâm sự: Khác với những y tá làm việc ở các bệnh viện dân sự, nghề y trong quân đội là những chuyến đi dài ngày “cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng địa phương” với bà con vùng sâu, vùng xa. Thời gian được điều về công tác ở huyện Đam Rông những năm đầu huyện thành lập (11/2004) là thời gian đầy khó khăn, thử thách nhưng cũng có ý nghĩa nhất trong cuộc đời quân ngũ của anh. Những va vấp, cực khổ, tình cảm của người dân… đã giúp anh trưởng thành cả về suy nghĩ và nhận thức. Trong thời gian này, bằng sự nỗ lực phấn đấu rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, anh đã chính thức được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Suốt thời gian công tác ở Đam Rông, giao thông đi lại vô cùng khó khăn, hai vợ chồng anh lại có con nhỏ, nhưng chưa lúc nào anh nản lòng trước nhiệm vụ, hay tìm cách thoái thác xin về để gần vợ con.
Cuộc sống hiện tại của gia đình Đại úy Lê Đăng Linh còn nhiều khó khăn, vợ là giáo viên mầm non ở huyện Lạc Dương, hai con còn nhỏ, gia đình vẫn còn ở nhà tập thể của cơ quan. “Ở đơn vị dù là những việc nhỏ, việc lớn nếu mình quan tâm, tỉ mỉ, chu đáo trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là vệ sinh phòng chống dịch Covid – 19 hiện nay, giữ gìn cảnh quan khuôn viên xanh, sạch, đẹp sẽ góp phần chăm sóc sức khỏe tốt cho toàn cơ quan”. Đại úy Lê Đăng Linh chia sẻ.
Dẫu còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với bản chất truyền thống của người con trên quê hương Xô viết, cùng với những ngày được đào tạo, học tập, làm việc trong môi trường quân ngũ đã tôi thêm trong anh khí chất của người lính Cụ Hồ để anh tiếp tục những công việc thầm lặng, tự hào của người chiến sĩ Quân y giữa thời bình.