Liệt sĩ, nhà báo Bùi Đình Túy (tức Đinh Thúy) sinh ngày 12/2/1904 tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Tốt nghiệp Tiểu học ông thi vào trường Bách Nghệ Hà Nội, chuyên ngành ảnh và hội họa. Do hoạt động tích cực trong phong trào học sinh, sinh viên, vận động bãi khóa và để tang cụ Phan Chu Trinh, năm 1936 ông bị thực dân Pháp đuổi học. Vào Sài Gòn ông làm thợ vẽ để có điều kiện tham gia các phong trào yêu nước và bị giặc Pháp bắt cầm tù. Sau khi vượt ngục, ông có mặt trong tổ chức Việt Minh, tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Cách mạng Tháng 8 thành công ông làm phóng viên Báo “Cảm Tử”, phụ trách ngành ảnh Sở Thông tin đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Tên tuổi và tác phẩm của ông thu hút mạnh mẽ đối với giai cấp công nhân, thợ thuyền, dân nghèo... Đặc biệt, những bức ảnh ghi lại những sự kiện diễn ra tại Sài Gòn - Chợ Lớn trong cao trào sôi sục, giữa những ngày cướp chính quyền tháng 8-1945 của ông phục vụ rất hiệu quả cho công tác tuyên truyền, nghiên cứu về Cách mạng tháng Tám của Đảng ta. Những bức ảnh về cuộc đấu tranh của hơn 2000 công nhân cao su Phú Riềng với chủ Pháp, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam… Năm 1948 Bùi Đình Túy được kết nạp vào Đảng, cuối năm 1954 ông tập kết ra Bắc, được cử làm Phó Chủ nhiệm Phân xã nhiếp ảnh TTXVN. Năm 1961 ông được cử đi học nghệ thuật ảnh màu tại Cộng hòa dân chủ Đức. Năm 1965 tuy tuổi đã cao ông vẫn hăng hái trở lại mặt trận Nam Bộ. Sau hơn ba tháng vượt Trường Sơn đầy gian khổ, ông được bố trí làm Phó Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng. Trong tình hình đầy khó khăn, ông vừa xây dựng cơ sở ngành ảnh của Miền và đào tạo đội ngũ nhiếp ảnh giải phóng. Ngày 21/9/1967, sau khi tường thuật trọn vẹn Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua Quân Giải phóng miền Nam lần thứ II, ông hy sinh anh dũng tại mặt trận Trảng Dầu lúc 63 tuổi.
Liệt sĩ nhà báo Bùi Đình Túy
Cuộc đời làm báo của ông có những vinh dự thật đặc biệt, với bản lĩnh chính trị và khả năng nghề nghiệp, ông được giao nhiệm vụ chụp ảnh, đưa tin các hoạt động của Bác Hồ và đoàn ta đại biểu Chính phủ ta trong dịp Người đi thăm Cộng hòa Ấn Độ. Là người được phân công tác nghiệp tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9-1960), ông cùng các nhà báo vinh dự được chụp ảnh chung với Bác Hồ. Tấm ảnh được ông Bùi Đình Toái, (con trai liệt sĩ Bùi Đình Túy) hiện đang sinh sống tại Hà Nội giữ gìn hơn một báu vật. Ông cũng là người trực tiếp chụp tấm ảnh Bác Hồ gắn Huân chương Sao Vàng cho Bác Tôn ngày 19/8/1958 nhân dịp Bác Tôn tròn 70 tuổi và nhiều tấm ảnh lịch sử có giá trị khác. Ông là người có công lao khai sinh nghệ thuật ảnh màu cho đất nước. Sau thời gian tiếp thu tại Đức, ông cùng các đồng nghiệp Phân xã nhiếp ảnh đã nhanh chóng làm chủ công nghệ ảnh màu. Ông vinh dự là người đầu tiên chụp ảnh màu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và những chùm ảnh màu về phong cảnh đất nước…
Có thể nói nhà báo Bùi Đình Túy là tấm gương về lòng yêu nước. Xuất thân con em một gia đình ngư dân, ông chăm chỉ học hành và sớm đến với phong trào yêu nước trong học sinh, sinh viên. Khi bị đuổi học ông chọn con đường tự kiếm sống để tham gia hoạt động trong tổ chức Việt Minh. Bị địch bắt cầm tù, ông tìm cách trốn khỏi nhà tù và tiếp tục hoạt động. Ông cũng là tấm gương của lòng yêu nghề, sự tận tụy, nhiệt tình với công việc. Vừa là phóng viên tờ báo của đặc khu, vừa phụ trách ngành ảnh của Sở Thông tin Sài Gòn sau tháng 8-1945. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông vừa là phóng viên ảnh, vừa là họa sĩ vẽ tranh cổ động phục vụ kháng chiến, đồng thời phụ trách hoạt động Công đoàn Sài Gòn - Chợ Lớn, trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng ông vẫn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Nhà báo Bùi Đình Túy là tấm gương sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ. Tuy đã 61 tuổi ông vẫn tình nguyện trở lại miền Nam, xông xáo trên các chiến trường, ghi lại cảnh dân công tiếp lương tải đạn, các cuộc đấu tranh, các trận đánh lớn của Quân giải phóng. Những tác phẩm vừa là tư liệu quý, vừa mang tính nghệ thuật cao, góp phần làm phong phú lịch sử ngành ảnh thời sự báo chí của Đảng và nền kỷ thuật ảnh nước nhà. Ngoài ra, ông còn là tấm gương về tình yêu thương đồng đội, luôn quan tâm săn sóc sức khỏe và động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. Để tường thuật diễn biến Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua Quân Giải phóng miền Nam lần thứ hai, đoàn nhà báo phải đi bộ 7 ngày mới tới địa điểm, nhiều người bị bệnh sốt rét hành hạ. Là người lớn tuổi nhất và cũng bị bệnh nhưng hàng ngày ông vẫn quan tâm sức khỏe từng người, động viên tinh thần anh em cố gắng vượt qua để phục vụ Đại hội. Trên đường trở về, máy bay Mỹ ném bom bi làm ông hy sinh, hôm sau chúng san ủi nơi đó làm căn cứ, nên các đồng chí ta không thể tìm thấy hài cốt của ông. Tên tuổi liệt sĩ, nhà báo không chỉ sống mãi trong lòng người dân Sài Gòn - Chợ Lớn xưa, thành phố Hồ Chí Minh hôm nay, mà còn là niềm tự hào cho quê hương, gia đình và các đồng nghiệp của ông.
Chiến tranh đã đi qua 42 năm, sự hy sinh oanh liệt của liệt sĩ Bùi Đình Túy và hàng trăm nhà báo liệt sĩ khác là những tổn thất to lớn. Họ vừa là tấm gương, là nguồn động lực thúc đẩy những người làm báo trong và ngoài quân đội hôm nay, tiếp tục đóng góp công lao, trí tuệ của mình cho sự nghiệp báo chí cách mạng. Kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, những người làm báo hôm nay tự hào bước tiếp sự nghiệp của các liệt sĩ, nhà báo, tiếp tục xung kích trên mặt trận tư tưởng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước nước ngày càng giàu mạnh.