Ngày 20-9-1977, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Liên hợp quốc (LHQ)-tổ chức đa phương lớn nhất thế giới với sứ mệnh xây dựng luật pháp, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác hữu nghị và phát triển trên thế giới. Chặng đường gần 5 thập kỷ qua đã chứng minh quan hệ Việt Nam-LHQ là mối quan hệ đối tác bền chặt và còn nhiều triển vọng.
Phải khẳng định rằng, những năm qua, LHQ và cộng đồng quốc tế luôn đồng hành, dành cho Việt Nam sự hỗ trợ quý báu, từ giai đoạn tái thiết đất nước sau chiến tranh cho tới giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như ngày nay. Đây là yếu tố quan trọng, giúp Việt Nam đạt được những thành tựu vượt bậc trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, đặc biệt là phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, nông nghiệp, bảo vệ môi trường... Đến nay, Việt Nam đã được LHQ công nhận là một trong những quốc gia đi đầu về thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG).
Cán bộ, nhân viên Đội công binh số 3 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 của Việt Nam chuẩn bị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Ảnh: TUẤN HUY
Cùng với đó, việc phát triển quan hệ hợp tác với LHQ đã góp phần giúp Việt Nam bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia-dân tộc, duy trì và củng cố môi trường hòa bình, an ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. LHQ cũng đóng vai trò là “kênh kết nối” để Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước và các đối tác, từ đó nâng cao vai trò, vị thế trên trường quốc tế, tranh thủ được các nguồn lực để phát triển đất nước.
Để có được những thành tựu đó, bên cạnh sự hỗ trợ, hợp tác của LHQ và bạn bè quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực tham gia và ngày càng đóng góp tích cực vào các hoạt động, sứ mệnh mà LHQ theo đuổi, trong đó có thúc đẩy tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia. Việt Nam cũng đóng góp vào quá trình thảo luận và thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của LHQ trên nhiều lĩnh vực như hợp tác phát triển, thúc đẩy quyền con người, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt... đồng thời, tích cực tham gia vào nỗ lực chung của LHQ trong giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế. Điển hình là năm 2014, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử hai sĩ quan đầu tiên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ và đến nay đã gần 900 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ theo cả 2 loại hình cá nhân và đơn vị.
Phiên họp của ECOSOC vào ngày 9-4-2024, trong đó Việt Nam được bầu vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027. Ảnh: ĐOÀN CA
Với những đóng góp tích cực, thực chất vào hoạt động chung của LHQ, Việt Nam đã trúng cử và thực hiện tốt trọng trách, ghi nhiều dấu ấn tại nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của LHQ như Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC), Ủy ban Luật pháp quốc tế, Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO)... và hiện đang giữ trọng trách tại nhiều cơ chế đa phương lớn của tổ chức này.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với LHQ luôn được xác định là một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam qua các thời kỳ. Hiện nay, LHQ tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, mà bằng chứng là Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và LHQ...
Quan hệ Việt Nam-LHQ đang bước vào giai đoạn phát triển mới đòi hỏi nhiều nỗ lực từ cả hai phía, trong đó có việc thắt chặt và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác nhằm hỗ trợ công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam và củng cố vai trò của LHQ, cùng tiếp tục phấn đấu vì mục tiêu chung là hòa bình, hợp tác và phát triển.
Nguồn: qdnd.vn