Sáng 25/2, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công của TP, trong đó có 3 cây cầu Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi và Tứ Liên.
Đây được xem là một trong những chương trình đầu tư hạ tầng trọng điểm nhằm hiện đại hóa hệ thống giao thông đô thị và cải thiện kết nối giữa các khu vực ven sông Hồng.
Theo kế hoạch, ba cây cầu này sẽ được xây dựng sau quá trình nghiên cứu khả thi và tham vấn ý kiến của các chuyên gia, với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của người dân và lưu thông hàng hóa trong nội đô thị cũng như liên vùng. Các cây cầu dự kiến sẽ góp phần mở rộng mạng lưới giao thông, kết nối các quận, huyện ven sông và kích thích phát triển kinh tế – xã hội của khu vực.
Cụ thể, cầu Trần Hưng Đạo có chiều dài khoảng 5,6km, điểm đầu tại khu vực đường Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm), điểm cuối kết nối với phố Vũ Đức Thuận (quận Long Biên).
Cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng có kết cấu vòm gồm 6 nhịp, rộng 43m, đảm bảo 6 làn xe cơ giới. Đường dẫn hai đầu cầu rộng khoảng 30m, với tổng chiều dài khoảng 2,25km.
UBND TP Hà Nội dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo khoảng 15.967 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2025-2027.
Cầu Tứ Liên và đường 2 đầu cầu từ nút giao đường Nghi Tàm đến nút giao đường Trường Sa với chiều dài khoảng 5,15km. Dự án nằm trên địa bàn quận Tây Hồ, Long Biên và huyện Đông Anh.
Dự án gồm nhiều hạng mục, trong đó cầu Tứ Liên vượt sông Hồng có chiều dài 1km, rộng 43m; cầu vượt sông Đuống dài 0,3km, rộng 44m, cầu vượt đê tả Đuống dài 0,08km, rộng 34m.
Cầu dẫn phía quận Tây Hồ dài 1,4km, rộng từ 27,5m - 44m, cầu dẫn phía huyện Đông Anh dài khoảng 0,4km, rộng 35m.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn 2 đầu cầu có tổng mức đầu tư 20.171 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2025-2027.
Dự án cầu Ngọc Hồi (nằm trên tuyến đường vành đai 3,5 của TP Hà Nội) và đường dẫn 2 đầu cầu khoảng 7,5km. Trong đó, chiều dài cầu chính và cầu dẫn 7,2km, rộng 33m; đường dẫu đầu cầu phía Hưng Yên khoảng 300m, rộng 60m.
Hà Nội dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 11.844 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách TP và trung ương. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2025-2030.
Các dự án được đánh giá là “công trình chuyển mình” của Hà Nội trong bối cảnh đô thị phát triển nhanh chóng, khi mà hệ thống giao thông hiện tại đã chịu áp lực lớn từ lưu lượng xe cộ ngày càng tăng. Việc xây dựng các cây cầu mới không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển mà còn góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, dịch vụ và đầu tư hạ tầng ven sông.
Chính quyền thành phố cam kết sẽ tập trung nguồn lực và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đảm bảo tiến độ thi công, đồng thời áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại trong quản lý giao thông nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cầu sau khi đưa vào vận hành. Dự kiến, sau khi hoàn thành, ba cây cầu sẽ là động lực quan trọng trong chiến lược phát triển giao thông đô thị của Hà Nội, góp phần hiện đại hóa hạ tầng giao thông và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Phong Vân