Đến UBND xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, chúng tôi được đồng chí dân quân thường trực cũng là cháu ngoại của nữ pháo binh Kiến Tường - Đỗ Thị Dân, tình nguyện đưa đến nhà. Trước mặt chúng tôi là một người phụ nữ phúc hậu, vui vẻ, mến khách. Trong kháng chiến cô là xạ thủ chính, người cán bộ tiểu đội trưởng, quyền trung đội phó quyết đoán, mưu trí. Cha cô là anh hùng LLVT Đỗ Văn Bốn và má cô là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong căn nhà tình nghĩa, cô kể cho chúng tôi nghe truyền thống gia đình, trang sử hồng của đội nữ pháo binh Kiến Tường và những lần gạt nước mắt chôn cất đồng đội rồi vội vã lao vào trận…
Mấy mươi năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh cô em gái út ngây thơ hồn nhiên của trung đội hi sinh ngay bên khẩu pháo mà chính tay cô chôn cất, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Rồi nỗi đau đáu chỉ mong tìm lại thông tin về xạ thủ số 2 của đội nữ pháo binh Kiến Tường bị địch bắn, đưa đi mất tích. Ký ức về trận pháo kích sân bay Cần Đốt năm 1969 ùa về, cô kể: Khi hành quân đến nơi thì đã 10 giờ tối, đào hầm công sự chuẩn bị chiến đấu, đến 4 giờ sáng tất cả vào vị trí phát pháo. Do bị chỉ điểm, đơn vị bị máy bay trực thăng chặn đầu, được lệnh một số cán bộ, chiến sĩ xuống hầm trú ẩn, một số vượt sông Vàm Cỏ. Chúng điên cuồng thả bom, đưa xe tăng đến quần nát, lật tung từng nắp hầm nã đạn vào cán bộ ta. Một số hầm của đội nữ pháo binh bị sập nát dưới sức ép bom đạn, xe tăng. Dù trong tình thế hiểm nguy, nhưng cô bình tĩnh động viên đồng đội: “Chờ coi tình hình như thế nào, nếu mình nổ súng, thì sẽ lộ các hầm còn lại. Hơn nữa chúng sẽ mở rộng địa bàn thì số cán bộ ta đang vượt sông sẽ không thoát được”. Đến xế chiều, mọi thứ đi vào im ắng, cô bị thương và khó thở, nhưng bàng hoàng nhất là nhìn đồng đội hi sinh không còn nguyên vẹn. Cả hai trung đội hi sinh chỉ còn lại 11 người. Sau trận ấy, cô bị ép tim nặng được tổ chức điều về xưởng sản xuất vũ khí.
Hòa bình, trở về quê sinh sống, mấy năm sau thì chồng bị bệnh qua đời để lại cho cô 2 đứa con gái thơ dại. Một mình gồng gánh nuôi con vừa tham gia công tác xã hội. Sau đó, bạn bè tác hợp cô thành duyên với người đồng đội chiến đấu mà vợ bị lật xuồng chết để lại 3 đứa con gái nhỏ. Cô buôn gánh, bán bưng cưu mang dạy dỗ con riêng, con chung nên người. Giờ 9 người con của cô đã có gia đình riêng, người là cô giáo, người cán bộ công chức, người làm nông nghiệp… tất cả hòa thuận, hiếu thảo, kính trọng cha mẹ.
Chiều muộn, chúng tôi tìm đến nhà cô Nguyễn Thị Hồng Thái ở ấp 915, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, một nữ pháo binh mưu trí, nữ cán bộ miền Nam với tài bắn đạn giàn thun nổi tiếng cả miền Bắc. Đến bây giờ trong dịp trở lại thăm chiến trường xưa, các cựu chiến binh miền Bắc nhất định phải đến địa phương tìm gặp lại cô gái ngày trước khiến địch hoảng sợ phải thốt lên trong bộ đàm “Việt Cộng bắn loại vũ khí gì mà không nghe tiếng bắn mà chỉ nghe tiếng nổ”.
Cô cũng là giáo viên dạy bình dân học vụ vừa tham gia đội thiếu niên Tiền Phong, dân công hỏa tuyến đến năm 1970 cô được huấn luyện chuyên ngành pháo binh và yểm trợ đơn vị đặc công của tỉnh đánh cháy kho xăng địch. Năm 1972 với cương vị là khẩu đội trưởng pháo cô đã chỉ huy bắn cháy một xe tăng địch. Riêng năm 1974 trong một trận đánh vào đồn Phùng Thớt, cả trung đội địch bị tiêu diệt, cô bị thương nằm trên võng nhưng vẫn dẫn theo tù binh về căn cứ để khai thác thông tin. Có thời điểm 5 xã vùng bốn tỉnh Kiến Tường là địa bàn trắng ác liệt, cán bộ, du kích được lệnh rút sang Tiền Giang. Nhưng cô và 9 đồng chí du kích có nhiệm vụ ở lại chiến đấu cùng các đơn vị chủ lực. Với sự nhanh nhẹn, mưu trí và tài bắn lựu đạn giàn thun đạt tầm xa 250m, cô được tổ chức phân công dẫn đường và bảo vệ an toàn lực lượng.