Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Quảng Đông, Hồng Công (Trung Quốc) được tổ chức ngày 19-7, tại Hà Nội, đã tạo cơ hội quan trọng để doanh nghiệp các bên gặp gỡ, trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc...
“Láng giềng nhỏ trong láng giềng lớn”
Sự hiện diện của lãnh đạo tỉnh Quảng Đông, Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc), các bộ, ngành và 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam cùng gần 200 doanh nghiệp hai bên đã cho thấy mong muốn thúc đẩy thực chất hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã khẳng định như vậy tại buổi tọa đàm được đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đón đợi.
Các doanh nghiệp hai bên đã không bỏ lỡ thời gian để kết nối và trao đổi nhằm tìm kiếm đối tác làm ăn ngay tại diễn đàn. Nhiều lời chào mời đầu tư và giới thiệu dự án, khu công nghiệp tại buổi tọa đàm thực sự đã thu hút mối quan tâm của các doanh nghiệp hai bên. Tại tọa đàm, đại diện Công ty Thâm Việt của Trung Quốc giới thiệu về Khu công nghiệp An Dương tại Hải Phòng đã thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp. Không bỏ lỡ cơ hội, đoàn doanh nghiệp của Quảng Đông do Phó tỉnh trưởng Thường trực tỉnh Quảng Đông Lâm Thiếu Xuân dẫn đầu sẽ tới khảo sát và tham quan Khu công nghiệp An Dương để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh: “Thành tựu này phần nào phản ánh sự kỳ vọng cũng như coi trọng mà Việt Nam dành cho quan hệ Việt-Trung, đặc biệt là hợp tác kinh tế”. Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam lại càng đặc biệt coi trọng quan hệ với Quảng Đông và Hồng Công. Bởi Việt Nam, Quảng Đông và Hồng Công chính là hai “láng giềng nhỏ trong láng giềng lớn.”
Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hồ Tỏa Cẩm nhấn mạnh, trong bối cảnh quan hệ hai nước giữ đà phát triển tích cực, hợp tác kinh tế, thương mại trở thành mắt xích quan trọng để duy trì phát triển quan hệ hai nước. Ông cho biết hai bên có thể hoàn thành mục tiêu 100 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương trong năm 2017 này. Nhấn mạnh, hợp tác hai bên có tiền đồ rộng mở, có con đường phát triển tương đồng, nhiệm vụ phát triển giống nhau, ông Hồ Tỏa Cẩm cho rằng đó là những cơ sở quan trọng để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực trong thời gian tới giữa hai bên. Việt Nam, Quảng Đông và Hồng Công có nhiều tiềm năng để đưa quan hệ hợp tác lên một tầm cao mới.
Tại tọa đàm, ông Lâm Thiếu Xuân nhấn mạnh Trung Quốc-Việt Nam có mối quan hệ láng giềng núi sông liền một dải. Cuộc tọa đàm nhằm thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại hai bên, hợp tác cùng thắng, cùng có lợi, cùng phát triển mang lại lợi ích tốt hơn cho người dân.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh mong được nghe những ý kiến đóng góp, phản hồi và chia sẻ của các hiệp hội và doanh nghiệp hai nước để kiện toàn hơn nữa hệ thống chính sách và hành lang pháp lý, tạo môi trường thuận lợi tối đa cho hợp tác kinh tế Việt Nam-Quảng Đông và Hồng Công phát triển vượt bậc, trở thành hình mẫu tiêu biểu cho quan hệ Việt-Trung.
Khai phát những tiềm năng hợp tác
Ông Hồ Tỏa Cẩm cho rằng, tọa đàm là cơ hội cho doanh nghiệp hai bên cùng nhau tìm kiếm cơ hội làm ăn để khai phát tiềm năng hợp tác, góp phần làm phong phú nội hàm hợp tác kinh tế, thương mại hai nước, đóng góp tích cực cho quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung bày tỏ tin tưởng tiềm năng hợp tác giữa hai bên sẽ không dừng lại ở những con số như trên vì nhiều lý do. Trong đó bao gồm thực tế thị trường tiêu dùng Việt Nam có quy mô và sức mua ngày càng lớn. Văn hóa tiêu dùng ngày một phổ biến, mua sắm không chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn là sở thích, đặc biệt là ở các đô thị. Đây là một thị trường đầy hứa hẹn cho hàng hóa chất lượng cao của Quảng Đông, Hồng Công và của các thương hiệu quốc tế sản xuất tại đây.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, may mặc, nông nghiệp, thủy sản. Những sản phẩm của Việt Nam có chất lượng tốt, đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, với quy mô sản xuất ngày càng rộng, sẵn sàng thỏa mãn nhu cầu từ thị trường hơn 100 triệu dân của Quảng Đông. Trong khi đó, Hồng Công là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc rộng lớn nói chung.
Không chỉ vậy, thông qua Việt Nam, hàng hóa, dịch vụ của Quảng Đông và Hồng Công sẽ có cơ hội tiếp cận các thị trường lớn khác trong khuôn khổ nhiều FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên, như ASEAN với 622 triệu dân, GDP gần 3 nghìn tỷ USD.
Và không kém phần quan trọng, theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, đó chính là quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy mạnh hơn nữa nỗ lực cải cách, hội nhập quốc tế. Sau 30 năm đổi mới thành công, Việt Nam đang quyết liệt khởi xướng làn sóng đổi mới thứ hai. Một trọng tâm của chiến lược này là hoàn thiện hành lang pháp lý và tối ưu hóa môi trường đầu tư theo hướng tạo thuận lợi tối đa và bình đẳng cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Phó tỉnh trưởng Thường trực tỉnh Quảng Đông Lâm Thiếu Xuân đã bày tỏ những ấn tượng về sự phát triển của Việt Nam và “môi trường đầu tư không ngừng được tối ưu hóa, cơ sở hạ tầng không ngừng được hoàn thiện” của Việt Nam. Ông cho rằng “Việt Nam đang trong giai đoạn tràn trề sức sống, thuận lợi cho phát triển thương mại, là nơi đầu tư tốt cho các doanh nghiệp Quảng Đông”. Hàng nông sản có ưu thế của Việt Nam được nhiều người Quảng Đông chào đón. Ngược lại, hàng tiêu dùng như may mặc, giày dép, điện tử của Quảng Đông đang dần được người dân Việt Nam chấp nhận. Việt Nam cũng là thị trường đầu tư lớn của Quảng Đông tại ASEAN.
Ông Lâm Thiếu Xuân nhấn mạnh, Quảng Đông và Việt Nam có nhiều lĩnh vực lợi thế có thể bổ sung cho nhau như hơn 100 triệu dân của Quảng Đông có nhu cầu rất lớn về lương thực. Hằng năm, Quảng Đông tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn lương thực nhưng chỉ có thể sản xuất được 15 triệu tấn nên có nhu cầu lớn nhập khẩu từ bên ngoài. Trong khi đó, Việt Nam có đặc sản gạo nổi tiếng. Trước đây, Quảng Đông chưa thực sự hiểu về gạo Việt Nam và chỉ nghĩ đến gạo Thái Lan. Nhưng qua cuộc tọa đàm lần này, ông Lâm Thiếu Xuân hy vọng các doanh nghiệp Quảng Đông sẽ có cơ hội khảo sát các mặt hàng nông sản, bao gồm gạo của Việt Nam để nhập khẩu vào Quảng Đông. Ông cũng bày tỏ tin tưởng với sự hỗ trợ của Chính phủ hai bên, Quảng Đông và Việt Nam sẽ “viết nên trang mới về hợp tác kinh tế, thương mại”.
Cùng ngày 19-7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung và Phó tỉnh trưởng Thường trực tỉnh Quảng Đông Lâm Thiếu Xuân đã đồng chủ trì Hội nghị định kỳ lần thứ 6 kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương Việt Nam và tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Chính phủ Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Phó tỉnh trưởng Lâm Thiếu Xuân khẳng định, tỉnh Quảng Đông coi trọng phát triển quan hệ với các bộ, ngành, địa phương Việt Nam; sẵn sàng phối hợp triển khai tốt các chương trình hợp tác trong thời gian tới, nhất là các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi về kinh tế, thương mại, đầu tư, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững. |
Nguồn: qdnd.vn