Trung đội trưởng hướng dẫn yếu lĩnh, động tác huấn luyện bắn súng Tiểu liên AK cho chiến sĩ mới.
Thiếu tá Nguyễn Duy Tùng, Chính trị viên Đại đội huấn luyện chiến sĩ mới, Trung đoàn Đồng Nai cho biết, trực tiếp huấn luyện chiến sĩ mới nhiều năm, chúng tôi được biết, trước khi nhập ngũ vào Quân đội, hầu hết thanh niên địa phương lo lắng, nhút nhát, thiếu kỹ năng, phương pháp tiếp cận môi trường tập thể. Vì vậy, ngay sau khi tiếp nhận, đơn vị quan tâm đến giáo dục nâng cao ý thức tự học, tự rèn cho anh em. Đây được coi là phương pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng thụ động, lo âu, dựa dẫm, hoặc phải đôn đốc, nhắc nhở của chỉ huy các cấp.
Để giúp chiến sĩ mới chủ động phấn đấu đạt kết quả tốt trong huấn luyện, rèn luyện, ngoài việc tổ chức biên chế khung huấn luyện, Ban chỉ huy đại đội chủ động phân công đội ngũ cán bộ từ tiểu đội, đến đại đội phụ trách cụ thể đến từng chiến sĩ. Chú trọng kết hợp giáo dục chung với giáo dục riêng, giáo dục chính trị với huấn luyện quân sự; kết hợp huấn luyện, với thực hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… qua đó để chiến sĩ mới quen dần với môi trường tập thể.
Để chiến sĩ tiếp thu được nội dung huấn luyện tôi phải “cầm tay chỉ việc” thực hiện đúng quy trình 3 bước, từ thực hiện nhanh động tác, làm chậm có phân tích và đến làm tổng hợp. Bên cạnh đó phải giao nhiệm vụ “có điều kiện” để chiến sĩ nâng cao ý thức tự chủ, tự học, tự rèn. Trung úy Nguyễn Quốc Huy, Trung đội trưởng Trung đội 3 chia sẻ.
Chiến sĩ Hoàng Văn Hân cho biết: ở địa phương tôi chỉ quen với ruộng rẫy, giờ vào môi trường mới, nhiệm vụ có khác, chúng tôi luôn được chỉ huy các cấp hướng dẫn, giúp đỡ tận tình, đồng thời mỗi người đều phải tích cực học tập, học cấp trên, học đồng đội, để từng bước trưởng thành.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, do điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức người thân, gia đình thăm, động viên chiến sĩ chưa được thực hiện, Ban chỉ huy đơn vị triển khai mô hình “hậu phương gia đình và người chiến sĩ”, vận dụng Internet kết nối giữa máy tính của đơn vị và điện thoại thông minh của các gia đình, để các chiến sĩ có thành tích học tập, công tác tốt, được trò chuyện với gia đình, người thân, đây cũng là phương pháp tốt để nâng cao ý thức tự học, tự rèn, phấn đấu trưởng thành của chiến sĩ trẻ.
Tâm sự với chúng tôi, chị Bùi Thị Như Quỳnh, ấp Suối Râm, xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, vợ của chiến sĩ Trần Hoàng Sang cho biết, chồng em luôn được chỉ huy đơn vị quan tâm, giúp đỡ cho phép điện thoại về thăm hai mẹ con, em cũng động viên anh ấy tích cực học tập, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới thời gian ngắn, trình độ nhận thức của chiến sĩ không đồng đều, nội dung, khoa mục nhiều, môi trường quân ngũ còn nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, được sự quan tâm của cấp ủy, chỉ huy các cấp, sự động viên chia sẻ của gia đình, nhất là sự động viên khích lệ để chiến sĩ tích cực tự học, tự rèn, để quá trình học tập, huấn huyện, trở thành quá trình tự huấn luyện, phấn đấu vươn lên trong mỗi chiến sĩ sẽ góp phần để đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện. Đây còn là phương pháp cần xem xét nhân rộng trong các đơn vị.