Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp
Từ trung tâm xã Mã Đà, sau 20 phút di chuyển, chúng tôi có mặt tại tổ 15, ấp 4 thăm mô hình hộ gia đình làm kinh tế giỏi của địa phương với khu vườn xoài rộng gần 2ha và trang trại ba ba rộng cả ngàn m2 của ông Huỳnh Văn Thanh. Với mô hình trên, đã đem lại thu nhập chính cho gia đình ông Thanh trung bình từ 500 đến 600 triệu đồng/năm.
Ông Huỳnh Văn Thanh là một trong những gương nông dân điển hình về nghị lực vượt khó vươn lên. Nhận thấy tiềm năng từ “miền đất hứa”, ông quyết chí làm giàu từ hai bàn tay trắng. Ông chia sẻ: Sau những ngày tháng nỗ lực, từ khoản tiền dành dụm được tôi mua 2ha đất để đầu tư làm ăn. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ban đầu tôi dùng tiền thu được từ đánh bắt cá mua hạt giống: đậu, bắp… để trồng trọt. Khi đã có vốn trong tay, tôi quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích cây ngắn ngày sang trồng xoài. Nhờ áp dụng giống mới như xoài cát Hòa Lộc, xoài 3 Mùa Mưa và một số kỹ thuật chăm sóc tiên tiến, đã giúp cho hơn 250 gốc xoài các loại phát triển tốt và cho năng suất cao, mỗi năm thu nhập cả trăm triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, cách đây 9 năm, ông Huỳnh Văn Thanh bắt đầu thử nghiệm nuôi ba ba thương phẩm. Ban đầu, ông xây 5 bể, với diện tích khoảng 30 mét vuông, để nuôi trên một nghìn con ba ba. Nhận thấy mô hình hiệu quả, gia đình dần mở rộng diện tích và quy mô. Từ 5 bể, đến nay, ông Thanh có 16 bể xây và một hồ nuôi rộng khoảng 3 nghìn mét vuông, với số lượng nuôi hàng chục nghìn con, cho doanh thu hàng năm hơn nửa tỉ đồng. Đưa tay chỉ vào bể ba ba đang trên đà phát triển tốt, ông hồ hởi nói với chúng tôi: Lứa này giáp Tết là có thể thu hoạch được. Nuôi ba ba không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả kinh tế cao cần phải áp dụng đúng kỹ thuật về ao bể nuôi, cách chăm sóc và chất lượng nguồn thức ăn cũng như tuân thủ quá trình tuyển chọn giống và phòng ngừa bệnh gắt gao. Tùy kích cỡ, thường mỗi đợt nuôi sau khoảng hơn một năm là có thể xuất bán. Bởi vậy, tôi đầu tư nuôi gối vụ, để tăng hiệu quả mô hình và có thu nhập ổn định.
Được biết, khu vực ấp 4 đa số người dân ở nhiều nơi tìm đến lập nghiệp, mưu sinh, trong đó Việt kiều Campuchia chiếm tỷ lệ đông. Học hỏi từ mô hình kinh tế giỏi của ông Thanh, đến nay đã có khoảng 20 hộ gia đình nuôi ba ba, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nhân khẩu, với thu nhập cao ổn định, giúp người dân an cư lạc nghiệp.
Đổi thay trên vùng đất khó
Mã Đà, vốn là vùng sâu, vùng xa của huyện Vĩnh Cửu; nằm sâu trong rừng tự nhiên thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, một số hộ gia đình đến đây xây dựng vùng kinh tế mới. Những năm 80 của thế kỷ XX, Nhà máy Thủy điện Trị An được xây dựng, nhiều hộ gia đình phải nhường đất cho công trình nên chọn vào rừng sinh sống và làm kinh tế. Từng gặp nhiều khó khăn do sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, hạ tầng thiếu thốn, đến nay, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đời sống người dân nơi đây đã có sự chuyển biến rõ nét.
Ông Trần Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Mã Đà cho biết, với mong muốn giúp bà con làm giàu từ chính mảnh đất quê hương mình, cấp ủy, chính quyền địa phương bằng nhiều biện pháp đồng bộ, đã tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm phục vụ dân sinh. Nhằm giúp bà con thay đổi phương pháp canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật, hàng năm UBND xã phối hợp với trung tâm khuyến nông huyện thường xuyên mở lớp đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho người dân.
Năm 2022 đã tổ chức được 2 lớp với 60 hộ gia đình tham gia. Đồng thời, phối hợp với Hội nông dân huyện, hỗ trợ tiền vốn cho bà con phát triển kinh tế với số tiền 50 triệu đồng/hộ. Hiện xã có hơn một nghìn héc ta xoài, hơn 50 hộ nuôi ba ba với số lượng hàng chục nghìn con. Cùng với mô hình trồng xoài và nuôi ba ba hiện nay trên địa bàn còn có mô hình nuôi cá lồng bè (chủ yếu nuôi cá lăng) cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, địa phương đã hướng dẫn người dân chuyển đổi một phần diện tích xoài già cỗi sang trồng cây ca cao với diện tích khoảng hơn 100 héc ta…
Người dân nơi đây đã từng bước áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất gian khó này. 9 tháng đầu năm xã đạt 16/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới nâng cao (Vượt chỉ tiêu Nghị quyết 14/19 tiêu chí); các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương luôn khởi sắc; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được cũng cố, tăng cường.
Những vườn cây ăn trái trĩu quả, những ngôi nhà khang trang, điện, đường, trường, trạm đồng bộ… tất cả đều đang được khoác áo mới. Men theo những con đường quanh thôn, quanh ấp, mới cảm nhận được hết được sự đổi thay của nơi này. Nhà nhà, người người với gương mặt rạng rỡ, phấn khởi bởi những kết quả khởi sắc từ phát triển kinh tế. Tiếng cười, nói rôm rả trong từng mái nhà như hứa hẹn trên vùng đất gian khó ngày nào nay đã hồi sinh và mở ra triển vọng mới cho sự trù phú trong tương lai.